Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Một nghìn ngày với chiếc máy bay tự chế

Minh họa

Minh họa

Chỉ với khoản kinh phí hơn 200 triệu đồng, ông Nguyễn Bùi Hiển là thương binh - kỹ sư cơ khí, đã chế tạo thành công chiếc “máy bay trực thăng” cho riêng mình từ những công cụ tự cóp nhặt.

"Người Việt Nam phải chế tạo được máy bay"

Sau khi kiểm tra lại máy móc, cẩn thận đội chiếc mũ bảo hiểm, kỹ sư Bùi Hiển ngồi đúng tư thế trên chiếc ghế nhựa (theo ông là để giảm trọng lượng máy bay), thắt dây an toàn rồi... khởi động.

Không gian của chiếc gara nhỏ so với giấc mơ bay của ông Hiển.

Động cơ bắt đầu rền vang, tiếng cánh quạt quay ào ào. Ông Hiển khẽ ấn ga, di chuyển nhẹ chiếc cần điều khiển (giống cần số ôtô) chiếc trực thăng từ từ nhấc mình lên một cách nhẹ nhàng. Được khoảng 30cm nó lại hạ xuống, rồi lại nâng lên, lần này là khoảng 40cm, rồi lại hạ xuống, lại nâng lên 40cm rồi 70cm...

Không gian hạn chế của chiếc gara cũng như việc "phi công" chưa thực sự vững tay lái không cho phép chiếc trực thăng bay quá cao. Tuy nhiên, chừng đó là đủ cho chiếc trực thăng tự chế của người thương binh 4/4 khẳng định: "Tôi có thể bay, bay cao hơn nữa".

Trước ông Hiển, đã có một số người cố gắng thực hiện ước mơ bay cho người Việt. Đó là hai người nông dân ở Tây Ninh cách đây khoảng 5 năm. Tuy nhiên, sau đó chiếc trực thăng "made in nông dân" không đủ sức tự nhấc lên khỏi mặt đất.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực máy bay mô hình, để chế tạo một chiếc trực thăng với kích cỡ và công năng bình thường cất cánh khó hơn rất nhiều lần so với máy bay mô hình. Máy bay đó phải đáp ứng đủ các điều kiện về trọng lượng, cơ chế truyền động, công suất, thiết kế...

Gỡ chiếc mũ phi công "hàng thửa" ra khỏi đầu, kỹ sư Bùi Hiển nở nụ cười mãn nguyện. Bên cạnh ông, hơi nóng từ cỗ máy khẽ phả ra cùng những giọt mồ hôi rịn trên trán. ông vui vẻ khẳng định: "Tôi muốn cho mọi người thấy người Việt Nam luôn sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và có thể chế tạo được máy bay".

Trò chuyện với kỹ sư Bùi Hiển ngay tại "sân bay", cũng chính là gara của ông, chúng tôi được biết: Ông quê gốc Hà Tĩnh. Lớn lên vào bộ đội pháo binh rồi bị thương ở chiến trường Campuchia.

Năm 1978, sau khi xuất ngũ với giấy chứng nhận thương binh hạng 4/4, ông chuyển ngành sang làm nhân viên phụ trách kỹ thuật ở Lâm trường chiến khu D (Tân Uyên -  Bình Dương).

Thời gian này ông bắt đầu theo học tại Khoa cơ khí, trường ĐH Nông lâm. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, ông chuyển sang làm cán bộ sát hạch thuộc sở GTVT Bình Dương với công việc chấm thi bằng lái, kiểm định xe. Đến năm 1997, ông xin nghỉ công tác để về nhà mở gara ôtô. Cũng từ đây những giấc mơ bay của ông bắt đầu nhen nhóm.

Đến khoảng 2008, kỹ sư Bùi Hiển bắt đầu cuốn vào niềm đam mê cùng những chiếc máy bay mô hình. Tuy nhiên, chơi lâu thú chơi vừa tốn kém, vừa đòi hỏi trình độ kỹ thuật này, ông lại dần chuyển niềm đam mê thành mong ước tự chế cho mình một chiếc máy bay thật. Một chiếc máy bay mà ông có thể ngồi vào trong nó để điều khiển, để bay lên và chứng minh cho mọi người thấy người Việt Nam có thể chế tạo máy bay, trí tuệ của người Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Kỹ sư Bùi Hiển nhắc đi nhắc lại câu nói này trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Một nghìn ngày cho giấc mơ bay

Với ý chí và sự kiên trì của một cựu pháo binh, cùng với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với máy móc kỹ thuật, giữa năm 2009, kỹ sư Bùi Hiển bắt đầu bắt tay vào những công đoạn đầu tiên của việc chế tạo máy bay.

Theo tính toán của kỹ sư Bùi Hiển, chiếc máy bay tự chế của ông hiện tại có trọng lượng khoảng 250kg (chưa tính người ngồi lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, công suất máy 106 mã lực, vòng tua 6.500 vòng /phút (tối đa 12.000 vòng /phút), hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4, 52m.

Máy bay có thể nâng được thêm khoảng 50kg hàng hóa nữa với lượng nhiên liệu tiêu hao là khoảng 15 lít xăng/giờ. Ông cũng khẳng định: Nếu được phép bay, "chim sắt" của ông có thể bay ở độ cao khoảng 200m và lướt với tốc độ tối đa khoảng 200km/h, thời gian bay tối đa là khoảng 30 phút.

Tuy nhiên, điều khó nhất với ông bây giờ là việc cơ quan chức năng công nhận thành quả của ông là một chiếc máy bay và được cấp giấy phép bay. Để làm được điều này còn phải mất rất nhiều công đoạn và thủ tục.

Trước tiên, ông tìm sách báo, lên mạng, dịch, sưu tầm tất cả những tư liệu liên quan đến việc chế tạo máy bay phù hợp với điều kiện của mình. Tất cả được ông tổng hợp ghi chép một cách cẩn thận. Tiện có gara nên cứ mày mò tài liệu trong sách vở đến đâu là ông bắt tay vào làm ngay tới đó.

Do ở Việt Nam không bán phụ tùng, máy móc của máy bay nên tất cả mọi thứ ông đều phải tự tìm kiếm rồi phay, tiện, hàn, ráp nối để làm sao: Đồ của ô tô, xe máy, ca - nô đều trở thành... phụ tùng máy bay tất.

Từ những tài liệu có trong tay ông phát hiện rằng, nếu vẫn sử dụng máy nổ là loại động cơ 4 thì như hai người nông dân ở Tây Ninh thì công suất sẽ không đủ, vòng quay của động cơ này thấp, trọng lượng lại nặng.

Hơn nữa với máy 4 thì, nếu dựng thẳng đứng lên thì nhớt, dầu dồn về một phía sẽ rất khó vận hành máy cũng như nhanh hỏng. Đến lúc này kỹ sư Bùi Hiển nghĩ ngay tới chiếc máy 2 thì dùng cho mô tô lướt sóng trên biển là loại có công suất rất mạnh, khi lướt sóng nhào lộn trên không máy vẫn chạy êm ru mà không hề hấn gì.

Ngay lập tức, Bùi Hiển tậu về chiếc mô tô lướt sóng để từ đó gỡ ra cỗ máy có công suất lên đến 106 mã lực tại vòng tua 12.000 vòng /phút. Trong khi đó theo tính toán của ông thì chỉ cần 70 - 80 mã lực là đã đủ cho việc máy bay vận hành.

Ông Hiển cùng tác phẩm để đời của mình.

Không chỉ gian nan trong việc tìm phụ tùng, động cơ, ngay cả việc làm bộ cánh cũng khiến ông đổ biết bao mồ hôi. Lúc đầu ông thửa bộ cánh bằng sợi thủy tinh, thế nhưng khi chạy thử thì không ổn vì nặng và lực nâng thấp. Không nản chí, ông lại chuyển sang chế tạo cánh quạt bằng nhôm.

Trong khi ở nước ngoài người ta có công nghệ đúc cánh toàn phần thì ông lại phải cặm cụi lấy nhôm cứng để ghép lại với nhau. Dù tốn bao nhiêu công sức nhưng đôi cánh nhôm vẫn không ổn do bị cong khi đem vào vận hành.

Cuối cùng, ông quyết định chuyển sang làm bằng i -nox và gia cố lõi bằng những ống thép. Đến lần này việc chế tạo chiếc cánh máy bay đã được ông chinh phục.

Cứ như thế, với gần 1.000 ngày cặm cụi trong gara của mình, cùng với số tiền hơn 200 triệu đồng tự bỏ ra,  giấc mơ bay của người thương binh 4/4 dần dần hoàn thiện. Đến ngày 15/1/2012 sự đam mê, những vất vả của Bùi Hiển đã được đền đáp một cách xứng đáng. Chiếc máy bay của ông đã lần đầu tiên cất mình lên khỏi mặt đất.

Mới nhìn qua thành quả của Bùi Hiển, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi thiết kế lạ đời. Bình xăng là những chiếc can nhựa, ghế của phi công cũng là chiếc ghế nhựa cắt cụt 4 chân, chi tiết máy còn nguyên những vết cắt gọt mài tỉ mỉ. Và cuối cùng kỳ lạ nhất đó là "phi công" kiêm "nhà sáng chế" lại là một người thương binh 4/4 với rất nhiều mảnh đạn còn sót lại trong người.

Nắm chặt bàn tay của mình vào khung của chiếc máy bay, kỹ sư Bùi Hiển tâm sự: "Tới đây tôi sẽ cố gắng học để lái một cách thuần thục con "chim sắt" của mình. Với một số bộ phận còn thiếu như đồng hồ đo độ cao, tốc độ bay... tôi sẽ cố gắng hoàn thiện thêm để giấc mơ bay của mình được trở thành hiện thực một cách trọn vẹn".

Ngày 30/3/2012, đoàn cán bộ kỹ thuật thuộc Sư đoàn không quân 370 quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương do thượng tá Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu đã đến thị sát “máy bay trực thăng tự chế” của ông Nguyễn Bùi Hiển (58 tuổi, thương binh, ngụ phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Theo những kết luận ban đầu của buổi làm việc thì: "Máy bay trực thăng tự chế của kỹ sư Bùi Hiển chỉ mới được gọi là "phương tiện bay". Để "phương tiện bay" của ông Hiển phát triển thành một chiếc máy bay còn cần một quá trình nghiên cứu, chế tạo để đạt các điều kiện, thông số kỹ thuật rất ngặt nghèo.

Theo Người đưa tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây