Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Ngành trái cây đang đi... lộn đầu

Minh họa

Minh họa

Nhiều chuyên gia hàng chục năm tâm huyết với ngành trái cây đã không khỏi bức xúc về chuyện trái cây của VN đến giờ vẫn chưa có một bản quy hoạch tổng thể phát triển. Điều đó có nghĩa, một hệ thống chính sách, giải pháp và chiến lược cho ngành này cũng không thể có đã khiến từ nông dân, HTX, đến các doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi, cay đắng khi mồ hôi, nước mắt của họ không thể thay đổi thực tế: Ngành trái cây đang đi… lộn đầu!

Nhà khoa học, khuyến nông đều… thua thương lái!

Theo TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, nguyên Chủ tịch Hiệp hội trái cây VN: hệ quả của việc thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược phát triển, thiếu XTTM đã khiến các loại nông sản của ta đặc biệt là trái cây gần như không có đầu ra ổn định. Do hình thức sản xuất nhỏ lẻ, HTX còn quá ít, hoạt động chưa hiệu quả, mỗi chủ vườn tự ý sản xuất theo cách của riêng mình và buôn bán theo kiểu chợ trời, truyền thống nên không quan tâm nhiều đến chất lượng.

 

 

TS Võ Mai: Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích các nhà khoa học đăng ký nghiên cứu các đề tài chế biến trái cây và bán bản quyền. Các nhà khoa học cũng sẽ được các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác để biến các nghiên cứu thành hiện thực, tất nhiên các doanh nghiệp này phải được khuyến khích bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể.

Đặc biệt, chuỗi cung ứng hiện nay hoàn toàn do thương lái chi phối, kể cả HTX hay doanh nghiệp cũng đều phải thông qua thương lái. Chính vì thế, sản xuất của nông dân bị thương lái điều hành, người nông dân và nhà khoa học, khuyến nông không quyết định được nông sản thế nào.

Để minh chứng, TS Võ Mai đưa ra ví dụ xương máu trong hàng chục năm thân chinh đi kêu gọi nông dân làm VietGAP. Tại Bình Thuận, bà và các nhà khoa học khi xuống triển khai mô hình trồng thanh long và nho VietGAP đã đề nghị nông dân bao trái để đảm bảo VSATTP vì giảm tới 7 – 8 lần phun xịt thuốc BVTV, trái đẹp, sâu bệnh giảm.

Ban đầu một số hộ làm theo, nhưng khi thương lái đến thu mua thì chê đắt (vì tốn phí bao trái), không mặn mà. Vậy là nông dân chán nản quay về hình thức sản xuất cũ. Tại nhiều vườn thanh long, bà con còn phải làm theo yêu cầu của thương lái là vuốt thuốc tăng trưởng vào các tai trái (còn gọi là râu trái) để nó mọc dài và xanh giống như… râu rồng!

Về chuyện VietGAP, chúng tôi hỏi TS Võ Mai: Đưa VietGAP nhưng thiếu chính sách hỗ trợ, lỗi này do ai?

- Lỗi tại nhà nước khi đưa VietGAP vào nhưng lại không có chính sách rõ ràng từ ban đầu để thúc đẩy lan tỏa hiệu quả. Đơn cử như chuyện nhãn mác, logo cho nông sản VietGAP chúng ta cũng chẳng có (trong khi nhiều nước lân cận ta làm rất tốt và hiệu quả). Đáng lý ra, nhà nước phải ban hành ngay các quy định về xây dựng nhãn mác, logo hỗ trợ cho nông sản VietGAP, có quy chế sử dụng và chế tài xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm thì người tiêu dùng mới phân biệt được đâu là sản phẩm GAP, góp phần tránh được chuyện thương lái từ chối mua vì bản thân họ cũng chẳng thể bán giá cao hơn cho người tiêu dùng.

- Người ta cũng nói, khâu chế biến và bảo quản trái cây của ta gần như không có gì? – Bà thấy thế nào?

Đúng quá chứ! Hiện trái cây của ta có tới 99% bán nguyên liệu thô, công nghệ chế biến sau thu hoạch gần như chẳng có gì. Trong khi mặt hàng trái cây tươi rất nhạy cảm, dễ héo, thối, nát, mất chất chỉ sau vài ngày thì bảo sao hiệu quả được. Việc đẩy mạnh khâu chế biến mới góp phần nâng cao hiệu quả cho ngành trái cây VN. Đơn cử như sản phẩm mít tại Malaixia, họ dùng cơm mít để ăn, hột mít làm bột, xơ mít làm thức ăn chăn nuôi, còn vỏ mít để ép làm gỗ, tức chẳng bỏ gì, tạo giá trị gia tăng rất lớn. Còn tại VN thì khác, rất lãng phí khi hầu hết các sản phẩm phụ bị bỏ đi.

Quy hoạch ở đâu? ông tổng chỉ huy ở đâu?

 

TS Nguyễn Minh Châu: Về XK, xin đơn cử như Thái Lan có chính sách XK rất rõ ràng, thích ứng đối với từng thị trường. Họ có nhóm chuyên viên đặc trách giao thương cụ thể. Còn Việt Nam không có những người chịu trách nhiệm như Thái Lan thì làm sao khai thác được các thị trường, đưa trái cây đến với các nước chứ!?

Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trái cây, TS. Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam khẳng định, hàng chục năm nay ông chưa thấy mặt mũi của bản quy hoạch tổng thể nào cho ngành trái cây. “Đây là một điều rất lạ, vì quy hoạch là gốc, là nền tảng để từ đó mọi vấn đề khác liên quan đến chính sách, chiến lược, giải pháp mới được đưa ra thực hiện đúng mục tiêu này” – TS. Châu nói.

- Vậy là ngành trái cây đang làm theo quy trình ngược, không có cái gốc. Theo ông, ngay bây giờ chúng ta nên làm gì?

- Làm gì ư? Chắc chắn là ngành trái cây phải có ngay quy hoạch bài bản. Tôi xin ví dụ thế này: Ở Trung Quốc từ lâu rồi họ đã hình thành các vùng chuyên canh trái cây rất lớn. Tại sao họ làm được? Bước đầu tiên họ làm quy hoạch rất cẩn thận. Bởi, nếu quy hoạch sai mọi thứ đều sai hết. Vậy nhưng ở VN, bản thân tôi là Viện trưởng Viện nghiên cứu CĂQ miền Nam cũng chẳng biết bản quy hoạch tổng thể trái cây nào cả, không biết tỉnh nào phát triển trái cây chủ lực gì, diện tích bao nhiêu, đường đi nước bước thế nào?

 Chúng ta phải xây dựng mô hình, loại trái nào có mô hình tốt rồi thì mở rộng, đưa vào áp dụng đại trà trong thực tế tại các vùng quy hoạch chuyên canh. Thêm nữa, cần phải có những chính sách hỗ trợ của nhà nước vì dù có quy hoạch rồi, có tổng chỉ huy rồi mà không có chính sách, kinh phí để khuyến khích người dân làm theo (trước mắt là hỗ trợ một phần cây giống, kỹ thuật, đầu ra…) thì không thể hướng họ làm theo đúng ý đồ quy hoạch của mình được.


Không quy hoạch, không người chỉ huy thì các chứng chỉ cũng chỉ là đồ... trang trí

- Về vấn đề sản xuất trái cây theo VietGAP, người ta nói VN đang thiếu nhiều chính sách, từ sản xuất cho đến đầu ra. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nói thật là các chính sách cho ngành trái cây giờ gần như chưa có gì cả. Về sản xuất trái cây VietGAP ở ĐBSCL, hàng loạt trái đặc sản chỉ hình thành các mô hình VietGAP 20 – 30 ha, quá nhỏ, chẳng đáng kể gì nhưng cũng không thấy chính sách hỗ trợ lớn để thay đổi. Trái cây của ta ngon nhưng phải có vùng chuyên canh 5.000 - 7.000 ha trở lên mới đủ sức xuất khẩu. Còn lẻ tẻ thì chẳng làm được gì. Người ta đặt mua, mình không có số lượng lớn để bán chứ không phải người ta không mua.

Đặc biệt, phải khuyến khích các DN thu mua trái cây VietGAP có chính sách giá khác với sản phẩm làm theo kiểu cũ. Ví dụ, các DN như thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), Chánh Thu (Bến Tre), Long Nguyên (Tiền Giang)… đều thu mua nông sản GAP cao hơn, nông dân có sản phẩm tốt cũng hào hứng làm theo VietGAP để được hưởng lợi. Đáng tiếc là những DN có chính sách thu mua trái cây này còn ít quá. 
 

* Ngành trái cây VN phải có ngay một ông “tổng chỉ huy”. Nói thật từ trước đến nay tôi không biết ai chịu trách nhiệm về chuyện này. Người ta nói là trách nhiệm của Cục Trồng trọt nhưng chắc họ còn bận lo cho cây lúa nên không quan tâm đến việc quy hoạch trái cây. Theo tôi, khi đã có quy hoạch bài bản rồi và triển khai khi thực hiện thì sau 5 năm, vị tổng chỉ huy phải chịu trách nhiệm cụ thể chứ không thể cứ chung chung được. Ngoài ông tổng chỉ huy ở trung ương, thì mỗi tỉnh cũng phải có 1 ông chỉ huy riêng, chịu trách nhiệm cụ thể về lĩnh vực của mình sau 5 năm thực hiện quy hoạch. Chứ bây giờ xuống tỉnh hỏi ai chịu trách nhiệm, đố biết được!? (TS Nguyễn Minh Châu)

* Tôi khẳng định cách thức chứng nhận VietGAP của ta hiện nay không ổn khi cho phép 7 – 8 đơn vị mạnh ai người đó làm đứng ra cấp giấy chứng nhận rồi thu tiền. Tôi cho rằng, thu tiền chứng nhận VietGAP của dân là không hợp lý. Xin hỏi rằng, sản xuất không an toàn là một tập quán lạc hậu, ngành nông nghiệp muốn bỏ nó để xây dựng tập quán mới an toàn thì phải xã hội hóa chứ. (TS Võ Mai)
Theo dantri

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây