Ngáp khiến con người thông thái hơn?
- Chủ nhật - 27/05/2012 16:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh hoạ
Trước đây, nhiều người cho rằng ngáp là biểu hiện của sự mệt mỏi, thiếu oxy. Nhưng, giáo sư Gary Hack tại Đại học Maryland (Mỹ) đã chứng minh rằng ngáp giúp con người luôn giữ được “cái đầu lạnh”. Phát hiện trên đang mở ra hy vọng trong điều trị cho những bệnh nhân mắc phải chứng mất ngủ, đau nửa đầu và động kinh. Theo giáo sư Hack và nhà nghiên cứu Andrew Gallup tại Đại học Princeton (Mỹ), hành động ngáp khiến những vách ngăn xoang hàm trên mở rộng và co lại như những chiếc ống thổi, đưa không khí vào trong não bộ, giúp hạ nhiệt bộ não của con người. Do cấu tạo nằm trên xương gò má, nên xoang hàm trên là xoang lớn nhất trong 4 cặp hốc xoang trên đầu người. “Giống như một chiếc máy tính, bộ não của con người “cực kỳ” nhạy cảm với nhiệt độ và cần phải được giữ ở trạng thái mát mẻ thì mới có thể hoạt động hiệu quả”, ông Hack chi sẻ.
Trong nghiên cứu năm 2002, giáo sư Hack và nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích tỉ mỉ một tử thi và phát hiện ra rằng vách ngăn phía sau của xoang hàm trên mỏng hơn và mềm hơn rất nhiều so với những kiến thức được ghi lại trong các cuốn sách y khoa. Từ đó, họ cho rằng khi quai hàm di chuyển, các vách ngăn xoang uốn cong lên, đưa không khí vào trong các hốc xoang. Kết hợp với nghiên cứu của nhà khoa học Gallup vào năm 2007 khi đưa ra lý thuyết cho rằng ngáp làm mát bộ não. Cũng kể từ năm 2007, ông Gallup đã thử nghiệm giả thuyết của mình trên cả con người và các loài động vật. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã cấy các ống dò vào trong não bộ của loài chuột và ghi lại những thay đổi nhiệt độ não bộ trước, trong và sau khi chuột ngáp. Kết quả là nhiệt độ não bộ chuột tăng đột ngột trong khoảng thời gian trước khi ngáp, sau đó giảm dần và nhanh chóng giảm mạnh tới nhiệt độ trước khi ngáp. Điều đó có nghĩa là hành động ngáp được khởi động bằng việc tăng nhiệt độ não bộ mà thực tế là thúc đẩy quá trình làm mát não bộ. Ông Gallup cũng tiến hành nghiên cứu thử nghiệm trên 2 phụ nữ mắc chứng ngáp thường xuyên mãn tính. Kết quả là nhiệt độ cơ thể của một trong hai bệnh nhân đã tăng lên trước khi ngáp và giảm mạnh sau khi ngáp. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu nhiệt độ não bộ chuột thay đổi nhờ việc ngáp. Theo các nhà khoa học, hiểu rõ chức năng của hoạt động ngáp là một biện pháp hữu hiệu trong việc chẩn đoán các loại bệnh như chứng đau nửa đầu và bệnh động kinh - 2 chứng bệnh hình thành do ngáp quá nhiều. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho rằng phát hiện của giáo sư Hack sẽ là tiền đề trong việc đều trị cho các bệnh nhân mắc chứng mất ngủ - căn bệnh rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất tại Mỹ. Trong đó, những người bị mất ngủ thường không có khả năng điều hòa thân nhiệt nên không thể làm hạ nhiệt độ cơ thể trong lúc ngủ. |
Theo Infonet |