Người Việt Nam có thực sự hạnh phúc?
- Thứ bảy - 07/07/2012 23:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Theo xếp hạng của Quỹ Kinh tế mới (NEF) tại Anh công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 2 chỉ số hành tinh hạnh phúc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thứ hạng cao trong xếp hạng chỉ số hạnh phúc thậm chí là một dấu hiệu cảnh báo chứ không phải là thứ để lạc quan.
Nhiều học sinh vẫn phải học trong những lớp học tạm bợ
Bất ngờ với thứ hạng cao
Công thức tính mà NEF đưa ra như sau: HPI = (chỉ số hài lòng cuộc sống x tuổi thọ trung bình)/chỉ số dấu ấn sinh thái (EF). Để đo lường độ hài lòng cuộc sống, NEF sử dụng các câu hỏi khảo sát của tổ chức thăm dò uy tín Gallup, người tham gia sẽ đưa ra câu trả lời định lượng trong thang điểm 0 (tệ nhất) đến 10 (tốt nhất). Chỉ số này của Việt Nam là 5,8/10. V
ới hai chỉ số còn lại, NEF sử dụng số liệu từ “Báo cáo phát triển con người” của Liên hiệp quốc năm 2011 (tuổi thọ trung bình) và của tổ chức Global Footprint Network năm 2012 (chỉ số EF). Nhìn vào công thức thì chỉ số HPI phụ thuộc phần lớn vào chỉ số dấu ấn sinh thái. Nếu dấu ấn sinh thái càng nhỏ thì chỉ số HPI càng cao. Đặt trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, sự khai thác môi trường chưa thực sự đậm đặc như các nước công nghiệp, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chất lượng sống và sức khoẻ người dân được cải thiện nên có thứ hạng cao. Trong hai bảng xếp hạng năm 2006 và 2009, chỉ số HPI của Việt Nam lần lượt đứng thứ 12 và 5.
Điều đáng nói là hai chỉ số tuổi thọ và độ hài lòng bị chi phối bởi bất bình đẳng trong xã hội. Về lý thuyết, vẫn có khả năng hai quốc gia có cùng định lượng về tuổi thọ và mức hài lòng. Hơn nữa, yếu tố thoả mãn cuộc sống và tuổi thọ của một nước chắc chắn bị ảnh hưởng bởi phân phối thu nhập. Phần lớn ý kiến cho rằng, thu nhập càng nhiều thì kết quả hài lòng cuộc sống và tuổi thọ sẽ cao hơn.
Trong bảng xếp hạng HPI 2012, NEF thực hiện bảng xếp hạng riêng để nghiên cứu cả sự bất bình đẳng từ hai yếu tố thoả mãn cuộc sống và tuổi thọ, chứ không phải là thu nhập. Trong bảng xếp hạng riêng khi chưa tính chỉ số EF, thứ hạng của các nước tăng lên, Việt Nam vẫn đứng thứ 2. Qua đó, có thể thấy khái niệm hạnh phúc của chỉ số HPI hướng đến là một cuộc sống hài hoà với môi trường tự nhiên. Trong một chừng mực nào đó, chỉ số HPI có ý nghĩa cảnh báo các quốc gia về yếu tố quan trọng của môi trường. Xem xét tổng quan bảng xếp hạng sẽ thấy cho dù là nước có thu nhập cao hay thu nhập thấp đều đang đối mặt với thách thức chung về môi trường. Nếu chỉ chăm chăm phát triển công nghiệp mà đánh đổi bằng hệ sinh thái suy yếu dần, tài nguyên cạn kiệt thì cuộc sống hạnh phúc đó không thể bền vững.
Hạnh phúc khó đo đếm
Từ kết quả mà NEF đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, hiểu được thế nào là hạnh phúc, lại còn đo đếm được nó (định lượng hạnh phúc - PV)... liệu có dễ dàng như thế?. Ngay sau khi NEF được công bố thông tin về việc Việt Nam hạnh phúc thứ 2 thế giới, các nhà xã hội học, tâm lý học nhận định đó không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Bởi, trong các cuộc thăm dò dựa trên chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) mà NEF tiến hành thường niên, Việt Nam thường xếp hạng rất cao. Là một bảng xếp hạng rất được chú ý nhưng HPI của NEF cũng đầy nghịch lý khi các nước đang phát triển hoặc thậm chí là kém phát triển xếp hạng cao chót vót, vượt xa những nước công nghiệp giàu có và thịnh vượng.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng, bảng xếp hạng đó thiếu cái nhìn thực tế, các tiêu chí mơ hồ như việc người dân có hài lòng với cuộc sống hiện giờ… “Tôi cho rằng, chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên Hiệp Quốc (đo lường rất cụ thể về tuổi thọ bình quân, tỉ lệ biết đọc, chất lượng giáo dục và các tiêu chuẩn sống) thực chất hơn. Với cách tính toán phức tạp, bảng xếp hạng này vẫn cho thấy các nước giàu có như Na Uy, Úc, New Zealand, Mỹ... ở các thứ hạng cao, còn Việt Nam xếp hạng 128, thuộc nhóm trung bình thấp. Đây rõ ràng là một cái nhìn thực tế và hợp lý hơn để chúng ta biết mình đang ở đâu để còn cố gắng hơn”, bà Nga lấy ví dụ.
Một chỉ số khác mà rất tiếc Việt Nam chưa được “xếp hạng” đó là chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn (Better Life Index, BLI) của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD). Làm một báo cáo toàn diện về tình trạng cuộc sống ở các quốc gia, chỉ số này bao gồm một danh sách dài những yếu tố rất thực tế (trước hết là thu nhập, rồi sở hữu nhà ở, xong mới đến sự hài lòng với cuộc sống-PV). Chỉ số này cho thấy Úc xếp hạng nhất và Mỹ về thứ ba. Tất nhiên, sự xếp hạng đó không có nghĩa với tất cả mọi người nhưng có một điều chắc chắn, Úc phải là một nơi mà người dân hạnh phúc hơn những quốc gia nghèo hơn.
Cách đánh giá của OECD rất đáng học hỏi với 11 yếu tố có giá trị nhất trong đời sống. Đi đầu là những yếu tố định lượng rõ ràng: Thu nhập, nhà ở (số phòng /dân số và diện tích nhà ở /dân số), việc làm (tỉ lệ có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp dài hạn). Sau đó mới đến những yếu tố chủ quan qua thăm dò dư luận: Mức độ hòa nhập của cộng đồng, mức độ hài lòng với cuộc sống và sự cân bằng công việc, cuộc sống.
Chớ vội hài lòng...
Theo nhận định của các chuyên gia, ở Việt Nam, với tinh thần lạc quan cố hữu, những yếu tố chủ quan như sự hài lòng với cuộc sống thường cao chót vót, bất chấp thực tế đời sống đầy gian nan, cách xếp hạng theo kiểu OECD hay HDI sẽ khiến chúng ta phải tỉnh ngộ, đừng ngủ quên trong… chỉ số. Đáng bàn hơn, các chuyên gia quan ngại thứ hạng cao trong xếp hạng HPI thậm chí là một dấu hiệu cảnh báo, thay vì là một tin vui khiến nhiều người phải háo hức. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc quá đáng so với thực tế không phải là điều tốt. Lạc quan quá trớn sẽ khiến bạn trở nên tự mãn, cả tin, ích kỷ, kém thành công hơn và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Một chuyên gia tâm lý thẳng thắn nói: “Với nhiều người, chỉ cần đi xe máy, ăn cơm no là hài lòng. Nhưng họ đâu có biết ở Hàn Quốc, Thụy Sỹ… thu nhập bình quân là bao nhiêu?. Sự hài lòng quá dễ dãi và hạnh phúc mà có thể định lượng, đo đếm dễ dàng thì cũng thật bất ổn”.
Cũng theo vị chuyên gia này, có rất nhiều nghiên cứu của các giáo sư tâm lý hàng đầu của Mỹ cảnh báo, các trải nghiệm tiêu cực là rất cần thiết để có một cuộc sống thành công, nhìn lại mình và phấn đấu hơn nữa thay vì tự hài lòng vội vã. Đây là điều mà không ít người Việt Nam đang nhấm nháp. Thậm chí, nhiều nhà tâm lý còn nhận định, nếu bạn cảm thấy quá hạnh phúc, bạn sẽ bị tổn thương… Theo nhà tâm lý Nguyễn Thu Nga, một khái niệm hạnh phúc liên quan chặt chẽ tới chất lượng cuộc sống: Thu nhập cao, quyền con người, sự tự do cá nhân và bình đẳng trong xã hội.
Người yếu thế mơ ước đơn giản Bà Phạm Thúy Anh, chủ tịch quỹ Hợp tác và Phát triển, người đã có nhiều thời gian làm việc, tiếp xúc, hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội cho biết: Tôi nghĩ dù là ai, dù có thiệt thòi hay không, ít hay nhiều đều có những nhu cầu và mong muốn được hạnh phúc. Với nhóm người yếu thế, điều này giản dị hơn rất nhiều. Họ hạnh phúc khi có được cơ hội tiếp xúc với nguồn vốn, với các cơ hội trao đổi thông tin. Thậm chí đơn giản là được đi về thủ đô cũng khiến họ hạnh phúc rồi!. Cảm nhận là mình có được những gì một người bình thường có và phải có. Đơn giản thế thôi, nhưng rất cần sự sẻ chia và đóng góp của toàn xã hội, của những người "bình thường" chúng ta. |