Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Người chăn nuôi và người tiêu dùng đều... thiệt hại!

Minh họa

Minh họa

Ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết đang tích cực phát động người chăn nuôi, cửa hàng thú y “tẩy chay” chất cấm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, dư luận đang đặc biệt quan tâm cách thông tin về các vụ bắt giữ một số sản phẩm nghi là chất cấm trong thức ăn chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai vừa qua đã làm cho người chăn nuôi thiệt hại, còn người tiêu dùng thì… phát hoảng. Vì sao vậy?

TỰ CỨU MÌNH!

Theo ông Hoàng Sơn Hải, nhằm thực hiện quyết liệt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn, Chi cục vừa mời khoảng 400 hộ chăn nuôi, trang trại, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn cam kết không sử dụng chất cấm tạo nạc.

Cụ thể, tại huyện Trảng Bom hiện đã có khoảng 300 hộ chăn nuôi ký cam kết “nói không với chất tạo nạc”. Ngoài ra, chính quyền hai huyện Thống Nhất và Trảng Bom cũng đã cam kết bố trí, tổ chức lực lượng thường xuyên tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt việc các cơ sở có đàn heo xuất khỏi địa bàn tỉnh, kiểm soát chặt việc chăn nuôi mua bán heo tại các hộ chăn nuôi. Ông Hải cho biết: “Chi cục sẽ bố trí cán bộ thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát chặt hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, việc kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến TĂCN cũng được tiến hành thường xuyên”.

Theo tìm hiểu của NNVN, để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc thú y và lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đẩy mạnh điều tra các vụ vi phạm. Tiêu biểu ngày 24/3, Công an TP. Biên Hòa đã củng cố hồ sơ vụ phát hiện hơn 1 tấn thuốc thú y cho gia súc không rõ nguồn gốc của một công ty đóng tại TP. Biên Hòa. Cty này chuyên sản xuất thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi được quảng cáo “công nghệ châu Âu, nguyên vật liệu nhập khẩu”. Thế nhưng, qua kiểm tra, công an phát hiện hơn một tấn thuốc thú y không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng. Giám đốc công ty thừa nhận tự mua nguyên liệu tại… TP.HCM về dùng máy trộn thủ công, tự mua bao bì, nhãn mác đóng gói thành 4 loại sản phẩm với công suất khoảng 100 kg/ngày rồi đem đi tiêu thụ, chứ chẳng có công nghệ Âu, Mỹ gì!

Ngoài ra, Công an TP. Biên Hòa cũng vừa tiến hành kiểm tra một cơ sở buôn bán thuốc thú y tại KP.3, P. Long Bình Tân. Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1 tấn thuốc vào diện “tình nghi” với nhiều loại khác nhau đang được bày bán. Tuy nhiên, do cơ sở này chưa đủ giấy tờ, thủ tục chứng minh tính hợp pháp của các sản phẩm trên nên Công an Biên Hòa đã niêm phong để xử lý.

“BẤN LOẠN” VÌ NHIỄU THÔNG TIN

Dư luận đang cho rằng, việc nhiễu thông tin về chất cấm thời gian qua cần sớm được chấn chỉnh, tránh gây thiệt hại đáng tiếc cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Đơn cử như trong 3 ngày 8, 10 và 12/3, QLTT Đồng Nai đã bất ngờ “đột kích” 3 DN chuyên kinh doanh các sản phẩm thức ăn bổ sung tăng trọng, tạo nạc cho heo. Cứ sau mỗi lần kiểm tra thì thông tin được “xì” ra với kết quả phát hiện và “bắt giữ” chất tạo nạc ngày một kinh khủng hơn. Ác thay, vào thời điểm đó dư luận lại đang sôi sùng sục chất tạo nạc, hầu hết ai cũng nghĩ rằng đó là chất cấm nên sau mỗi lần người ta công bố số liệu kiểm tra cho báo chí biết, cũng là lúc dư luận sốc và trở nên hoang mang hơn.

 

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, chúng tôi đã có phối hợp với một số cơ quan chức năng kiểm tra định lượng lại các mẫu thịt phát hiện dương tính thì chỉ khoảng 3% mẫu có sử dụng chất cấm. Điều này khẳng định việc sử dụng chất cấm trong nuôi heo ở địa phương không nhiều như nhiều người nghĩ. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoảng sợ đến độ phải tẩy chay thịt heo!” (ông Phan Minh Báu - PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai).

Do phát ngôn lúc đó chỉ có cơ quan QLTT “độc quyền” cung cấp, nhưng đây lại không phải là cơ quan chuyên môn nên dù chưa có kết quả kiểm nghiệm, trên các phương tiện thông tin đều qui kết rằng các loại chất “tạo nạc” bị bắt giữ đều là thuốc siêu tạo nạc, trộn vào thức ăn có công dụng tăng trọng nhanh, nở mông vai, giảm mỡ, kích thích cho lợn ăn ngon miệng, hồng da, mượt lông, tăng sự hấp thu dưỡng chất, kích thích thèm ăn ngủ nhiều, tăng khả năng sinh đẻ, rút ngắn thời gian xuất chuồng. Như vậy, nếu không gọi đó là chất cấm thì còn gọi là chất gì nữa? Đến nước này đúng là người chăn nuôi điêu đứng bởi người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy chất tạo nạc, tức chất độc hại nên tẩy chay thịt heo cũng không có gì là lạ!

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm thì sao? Cuối cùng chỉ có Cty TNHH thực phẩm Dinh Dưỡng Vàng do ông Nguyễn Văn Liên làm giám đốc, phát hiện có pha chất cấm vào sản phẩm “Super tạo nạc”: pha thêm hoóc-môn tăng trưởng là Ractopamine và Salbutamol với hàm lượng 0,8 mcg/kg và 11,3 mg/kg. Đây là kiểm nghiệm định lượng nên kết quả không có gì phải bàn cãi. Ngay cả ông giám đốc Liên thành lập công ty chưa tới 7 tháng, không có mặt bằng phải đi thuê, ban đầu cũng chối đây đẩy. Nhưng sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm tra đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, tự giác lên giao nộp giấy phép kinh doanh và cả con dấu cho cơ quan chức năng vào ngày 22/3.

Riêng hai công ty kia được “giải oan” tức không có chất cấm. Tuy vậy, từ lúc QLTT kiểm tra đến lúc công bố báo chí, DN cũng bị bầm dập, bởi không chỉ các đại lý từ chối nhận hàng mà còn bị dư luận “ném đá” do đánh đồng sản phẩm của họ là chất cấm. Điều đáng nói là, sau khi được “giải oan”, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa tha. Trong thông cáo báo chí được gửi đi ngày 23/3 từ Sở Công thương, ngoài Cty TNHH thực phẩm Dinh Dưỡng Vàng, họ vẫn bị “đánh đồng” tiếp tục bị đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, niêm phong hàng hóa vi phạm chờ xử lý theo quy định. Tại sao lại có cách nói và cách hành xử bất cập như vậy?
Nguồn Báo Nông Nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây