Người phụ nữ kỳ dị 10 ngàn đêm dật dờ như bóng ma khiến chồng khiếp vía
- Thứ tư - 29/02/2012 06:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Thế nhưng sau khi sinh nở lần duy nhất, điều khác thường xảy ra khi 25 năm nay bà chưa từng một lần chợp mắt, gần 10 ngàn đêm dật dờ như một bóng ma khiến ông chồng cũng sợ phát khiếp mà trốn nhà ra đi. Đó là bi kịch của bà Đinh Thị Anh (SN 1963, ngụ xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Bà Anh với mẹ ruột là bà Phạm Thị Luyến
Phát khiếp với bà vợ trắng đêm trên giường
26 năm trước, cô gái Đinh Thị Anh là con thứ bảy của bà Phạm Thị Luyến (85 tuổi) đi lấy chồng ở làng bên. Một năm sau, chị sinh được một cô con gái và hết thời gian ở cữ bỗng dưng mất ngủ triền miên, dù cố uống đủ các loại thuốc từ thuốc Tây đến thuốc Nam nhưng vẫn không tài nào chợp mắt. Ban đầu, mọi người cứ nghĩ chắc lần đầu tiên sinh con rồi lo lắng thái quá nên nhiều khi không ngủ và đó có thể là chuyện bình thường, một thời gian sau sẽ hết.
Thế nhưng một tháng, 3 tháng; rồi một năm trôi qua, bà vẫn chưa một lần chìm vào giấc ngủ hay ít nhất có được một phút líu ríu mắt chập chờn. Điều đặc biệt là không ngủ được nhưng mắt bà Anh lúc nào cũng ráo hoảnh và không hề có vết thâm quầng để lại.
Ở cái làng quê nghèo này, ban đầu ai biết chuyện cũng thấy thú vị, nhiều khi còn… mong thức mãi như bà để “làm được nhiều việc”. Nhưng rồi theo những người hàng xóm của bà Anh, lâu dần họ lại bắt đầu chuyển sang sợ sệt. “25 năm qua tui chứng kiến nó lục đục làm cả đêm, đi lại như một bóng ma rồi chỉ biết nhìn thiên hạ… ngủ. Hỏi ai mà không ghê?”, một người hàng xóm của bà chia sẻ.
Nhìn dáng người gấy, ốm yếu của bà Anh, khó ai tin rằng người đàn bà này đã có đến 25 năm không ngủ nhưng vẫn còn sức để quần quật một mình với 3 sào ruộng rồi thêm việc chăn bò, lên núi lấy củi về bán, nuôi con ăn học. Bà Anh kể vì không ngủ được, trằn trọc mãi trên giường sợ làm phiền người thân nên đến đêm bà vẫn làm việc như ban ngày. Ngày trước ở khu vực xã Đại Hiệp chưa có điện, cứ tối đến là bà lôi bàn ghế ra ngoài mái hiên, chong đèn thái rau, giặt giũ, sắp xếp củi để ngày mai đêm phơi; làm chán chê mà trời vẫn chưa sáng nên có lúc còn tháo những thứ đã sắp xếp gọn gàng ra mà làm lại để giết thời gian.
Ban đầu, làng xóm cũng có cái lợi khi trẻ con, thanh niên trong xóm có thể đi chơi về khuya hơn một ít cũng không lo ngại vắng người; ban đêm khỏi sợ ma bởi biết có bà Anh luôn thức canh; kẻ trộm thì hết đường kiếm ăn trong khu vực… Về sau thì mọi người đâm ra sợ, rồi anh chồng thì không thể chịu nổi cảnh sống chung với người vợ quái dị.
“Từ ngày không ngủ, trí nhớ tôi giảm đi nhiều, đôi lúc nói trước quên sau, tính nết chắc cũng vì thế mà đâm ra hay cáu gắt, cằn nhằn. Đêm đi ngủ với chồng thì… chịu không “làm ăn” gì được, phải cố nhắm mắt nằm im thì nhiều khi bức bách lắm. Chính vì vậy chồng đành ôm gối ôm một thời gian rồi dần dần quên mất rằng mình có vợ. Một ngày đi làm đồng về, tôi nhận được thông tin anh bỏ mẹ con tôi vào Nam sinh sống, rồi bặt tin đến nay”, bà Anh chua chát nói.
Sau ngày ông chồng sợ hãi “chạy mất dép”, bà ngoại và hàng xóm thương cảm nên chung sức xây cho hai mẹ con bà căn nhà. Việc chăm con thuở nhỏ thì không sao, nhưng khi con lớn lên bà cũng cố tách cho con gái ra ngủ một mình bởi lo sợ cô bé cũng giống chồng mình, sợ “người mẹ quái dị” mà bỏ bà ra đi. Sau này khi con gái lấy chồng, một thời gian để không ảnh hưởng đến con cháu trong gia đình, hàng đêm khi mọi người đi ngủ, bà cũng lên giường nằm và tắt điện.
Nhưng ai đã thức đêm mới biết đêm dài, bà kể lại thế giới của riêng mình trong 25 năm qua khi mặt trời lặn là một thế giới cô đơn, lạnh lẽo. Hết trở mình, bà lại nằm lắng nghe tiếng lá rơi ngoài vườn và tiếng côn trùng kêu. Cuộc sống của bà chỉ vui khi nghe tiếng gà gáy sáng, được nói, được cười với mọi người, được thoát khỏi thế giới đêm đen dài vô tận mà chỉ bà mới cảm nhận hết được.
Từ ngày không ngủ, bà cũng trở nên nổi tiếng ở khắp xã huyện vì có nhiều người tới chỉ xin được ở lại nhà với mục đích mục sở thị... kỳ nhân. Hàng xóm bà cho biết, có sự xuất hiện của khách khứa cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống mà bà còn thấy vui hơn bởi có người thức cùng và cũng để bà minh chứng cho hàng xóm biết rằng mình “không hề điên”.
Mơ một lần chợp mắt
Khổ một nỗi là cuộc sống còn nghèo, thế nên bà Anh cũng không có tiền để đến các bệnh viện lớn thăm khám xem nguyên nhân căn bệnh quái dị của mình từ đâu. Theo lời bà Anh, trước đây bà cũng ăn và uống đủ thứ thuốc theo lời mách bảo của mọi người, cũng đi khắp nơi để tìm thầy chữa trị từ tây y, đông y cho đến… cúng bái mê tín dị đoan nhưng mất ngủ vẫn hoàn mất ngủ.
Một vài trung tâm y tế địa phương có khám qua loa cho bà, đưa ra những kết luận có vẻ khá loằng ngoằng và khó hiểu như những chữ ghi trong cuốn sổ khám bệnh của bà: “Giảm lưu lượng tuần hoàn qua não do cường độ tống máu lên não giảm ở cả 2 hệ động mạch cảnh và đốt sống, sự biến đổi điện trở xảy ra chậm ở hệ động mạch đốt sống… bất đối xứng giữa hai bán cầu - đặc biệt ở hệ động mạch đốt sống”.
Bà thở dài: “Đọc chẳng hiểu chi, chỉ biết nhận thuốc uống nhiều mà cũng có hết bệnh mô. Hết tiền nên tôi thôi uống. Mà rồi tôi cũng không biết có phải kết luận nớ là nguyên nhân căn bệnh của tôi thiệt không nữa”. Bà hy vọng một ngày nào đó sẽ có người cho bà phương thuốc chữa trị căn bệnh quái gở này. “Bây giờ con gái tôi đã đi lấy chồng nên tôi chẳng mơ gì ngoài một giấc ngủ như mọi người. Tôi già rồi, cộng thêm bệnh mất ngủ kinh niên khiến khuôn mặt khô gầy, có muốn sống lâu để chăm sóc cho con cháu mà chúng không sợ hãi thì chỉ có cách được ngủ thôi”, bà Anh tâm tình
Khi chia tay, bà Anh bất giác nhớ ra rồi mừng rỡ khoe rằng khoảng thời gian trong Tết vừa qua, không biết có phải do uống được ít rượu hay thoải mái tinh thần mà thỉnh thoảng bà cũng ngồi gà gật được ít phút. Thế nhưng chỉ được vài lần, sau này có uống rượu nữa thì những cơn “líu ríu” đó cũng chẳng đến nữa.
Bác sĩ Đỗ Đức Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cho biết để xác định có phải vì biến cố hậu sản gây ra chứng mất ngủ kinh niên cho bà Anh hay không thì cần có cuộc kiểm tra tổng thể, xét nghiệm chứ không thể “tự chẩn đoán”. “Trong y văn thế giới từng ghi nhận một số trường hợp trên thế giới bị chứng mất ngủ hoàn toàn nhưng việc điều trị vẫn còn nhiều hạn chế”, bác sĩ Hải cho biết.
Theo Vân Anh
Pháp luật Việt Nam