“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ…” vẫn còn nguyên giá trị
- Thứ tư - 14/08/2013 14:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hình Minh Hoạ
Mô hình trồng khoai tây sử dụng phân bón sinh học ở Trọng Quan (Đông Hưng) có bản lá to, xanh đẹp, cứng cây, nhiễm sâu bệnh nhẹ, năng suất cao hơn so với sản xuất thông thường. |
>> Thời sự phân bón mùa mưa tại Đak Lak, ngày 27/7
>>Phân bón sinh học "cứu" cây trồng
>>Tưới nước việc làm không thể thiếu
Thực tế cho thấy, nước, phân bón, sự cần cù chịu khó, giống tốt là những yếu tố không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Xác định được điều này, trong những năm qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị cây trồng được ngành Nông nghiệp triển khai, hướng dẫn tới từng hộ nông dân gieo cấy giống gì, bón phân gì, như thế nào… để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.
Dùng phân bón sinh Học giúp cây trồng ổn định và năng suất hơn (Ảnh Minh Phát)
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang diễn ra gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đồng ruộng ngày càng bị chua mặn xâm nhập sâu, mưa, bão, lũ lụt diễn biến bất thường làm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển kém và phục hồi chậm sau thiên tai. Vì vậy, ngoài yếu tố giống, nước và sự cần cù của người nông dân thì yếu tố phân bón rất quan trọng để giúp cây trồng đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không phải loại phân nào cũng có thể cải tạo được đồng ruộng hoặc thích ứng với cây trồng sau thiên tai gây ra. Phân bón sinh học là một trong những điển hình giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao đã được khảo nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh là lời giải cho một phần của câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân...”
Bón phan sinh học đúng sẽ giúp cây trồng phất triển tốt (Ảnh Minh Phát)
Đối với phân sinh học là một trong những loại phân có ưu điểm giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng và phục hồi sau thiên tai nhanh. Ông Đào Văn Hợi, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hanh Cát cho biết: Vụ đông năm 2012, Công ty đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Thái Bình thực hiện mô hình sử dụng phân sinh học cho một số cây trồng ở một số huyện, bước đầu kết quả đạt được rất khả quan; cây trồng sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với cây trồng ngoài mô hình; đặc biệt là sau cơn bão số 8, những diện tích bón phân sinh học cây trồng phục hồi rất nhanh.
Điển hình như mô hình phân sinh học trên giống ngô nếp lai số 05 và 09 tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), với diện tích 1,14 ha. Giống ngô nếp lai 09 được thử nghiệm sử dụng phân bón tại thôn Đoàn Xá; giống đối chứng là các ruộng xung quanh thực hiện theo quy trình của người nông dân. Cụ thể, ngô nếp lai 09 trong mô hình được bón lót 0,8 tạ phân chuồng + 5 kg phân đạm/sào; đồng thời phun 4 lần phân sinh học, mỗi lần 0,25 lít/sào, trong đó có 1 lần pha thêm 4kg phân đạm. Ruộng đối chứng sử dụng bón lót 25 kg NPK Ninh Bình và 2 kg đạm; các lần tiếp theo sử dụng 3 kg đạm để bón. Giống ngô nếp lai số 05, khảo nghiệm tại thôn Quảng Bá. Ngô trong mô hình bón lót 25 kg NPK Ninh Bình và phun 4 lần phân sinh học, mỗi lần 0,25 lít/sào, trong đó có 1 lần pha thêm 4 kg phân đạm. Diện tích ngô đối chứng bón lót 1 tạ phân chuồng/sào, tổng bón thúc 15 kg NPK Ninh Bình và 8 kg đạm/sào.
Kết quả cho thấy, diện tích ngô sử dụng phân sinh học có chiều cao cây và chiều cao đóng bắp lớn hơn và thời gian trỗ cờ, phun râu sớm hơn so với diện tích ngô đối chứng. Đặc biệt, sau bão số 8 diện tích ngô đối chứng thiệt hại khá nặng nề, phục hồi chậm; diện tích ngô sử dụng phân sinh học phục hồi tốt hơn và hạn chế được sâu bệnh. Nhìn chung cả 2 mô hình ngô sử dụng phân bón sinh học đều cho năng suất cao, giống ngô nếp lai 09 đạt 45,9 tạ/ha, ngô đối chứng đạt 43,9 tạ/ha; giống ngô nếp lai 05 năng suất đạt 40,6 tạ/ha, ngô đối chứng đạt 37,4 tạ/ha.
Ngoài khảo nghiệm trên ngô, ngành Nông nghiệp còn khảo nghiệm trên rau su hào và cải bắp ở Quỳnh Hải, với diện tích 1,7 ha. Kết quả khảo nghiệm bón phân sinh học trên rau su hào cho thấy, phục hồi sau bão nhanh, rễ phát triển mạnh, rễ mới ra nhiều, củ to hơn so với diện tích su hào đối chứng; năng suất trong mô hình đạt 19,3 tấn/ha, ngoài mô hình đạt 12,15 tấn/ha.
Đối với rau cải bắp trong mô hình phục hồi sau bão nhanh, rễ mới ra nhiều, đường kính tán cây trải rộng hơn so với mô hình đối chứng; năng suất trong mô hình đạt 19,17 tấn/ha, ngoài mô hình 11,11 tấn/ha. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hanh Cát còn khảo nghiệm trên cây khoai tây tại xã Trọng Quan (Đông Hưng), với diện tích 2 ha. Các hộ dân tham gia sản xuất khoai tây trong mô hình sử dụng phân sinh học đều có chung nhận xét, khoai sinh trưởng đều, thân cứng, lá xanh đẹp, không thẫm màu, bản lá to, bệnh héo xanh nhẹ, số củ trên khóm nhiều, mẫu mã củ đẹp, năng suất cao hơn so với sản xuất thông thường. Cụ thể, khoai tây trong mô hình bệnh héo xanh là 3, bệnh sương mai 1, 10 củ/khóm, năng suất đạt 207,3 tạ/ha…; ngoài mô hình bệnh héo xanh 5, bệnh sương mai 1, có 7 củ/khóm, năng suất 162,5 tạ/ha.
Ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Qua khảo nghiệm sử dụng phân sinh học, nhất là sau cơn bão số 8 năm 2012 cho thấy, phân Sinh học giúp cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt cao hơn so với những diện tích ngoài mô hình. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục khảo nghiệm thêm ở một số địa phương trong tỉnh và trên nhiều loại cây trồng khác nhau để đánh giá toàn diện, chính xác về phân bón sinh học, nhằm khuyến cáo nông dân sử dụng trên diện rộng. Trước mắt, cây màu vụ hè được ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương nên sử dụng phân sinh học để giúp cây trồng sinh trưởng tốt và phục hồi nhanh nếu có ngập úng xảy hạn hán ra.
Theo báo thái bình