Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Những cây cỏ bảo vệ gan

Atiso

Atiso

Gan là một nhà máy thải độc quan trọng cho cơ thể. Bên cạnh việc ăn uống sinh hoạt điều độ chúng ta vẫn có thể bảo vệ lá gan của mình bằng các loại thảo dược xung quanh ta và dễ chế biến.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, theo dược sĩ Lê Kim Phụng – nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM, chúng ta nên bảo vệ lá gan của mình trước khi nó có “vấn đề” bằng cách sử dụng thường xuyên những cây cỏ sau:

- Cây Atiso (Artichaut): từ thế kỷ 15, Atiso đã được người dân Hy Lạp, La Mã, Ai Cập sử dụng như thức ăn và làm thuốc, nó du nhập vào Pháp thế kỷ 16. Người ta sử dụng cả lá tươi, khô và rễ cây. Atiso có chứa hoạt chất cynarin có vị đắng, inulin, tanin, nhiều khoáng tố kali, canxi, magiê, natri với tỉ lệ cao, đặc biệt các nghiên cứu gần đây cho thấy nó chứa nhiều chất chống oxy hóa.

Atiso có rất nhiều tác dụng trong y học: giúp lợi tiểu, chữa sỏi thận, viêm thận cấp, cải thiện tuần hoàn máu, chống xơ cứng động mạch, làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, chữa sỏi mật, táo bón, bệnh đường ruột .v.v… đặc biệt là chữa các bệnh về gan như: viêm gan, vàng da, bảo vệ các tế bào gan, chống lại các tác nhân gây hại và tăng cường khả năng thải độc cho gan, nhất là cho các đối tượng lạm dụng rượu, do sử dụng nhiều thuốc tây có hại cho sự chuyển hóa của gan…

Atiso rất dễ sử dụng, là một thức uống rất tốt, an toàn và có lợi cho sức khỏe.Có thể dùng mỗi ngày ở dạng trà túi lọc, cao lỏng 2-10g, cao mềm hay cao khô 1-2g hòa tan vào nước nóng uống , hoa, lá , rễ cũng có thể sắc nước uống  hoặc nấu canh ăn mỗi ngày (khoảng 200g tươi hoặc 20g khô)

- Cây Chó đẻ răng cưa (cây Diệp hạ châu): hoạt chất gồm alcaloit, flvonoit, vitamin C. Trong kinh Vệ Đà của y học cổ truyền Ấn Độ ghi nhận tác dụng chính của cây là giải độc và bảo vệ gan.

Những nghiên cứu sau này của các nhà khoa học cũng cho thấy cây chó đẻ chữa bệnh vàng da và viêm gan siêu vi B (ức chế sự sao chép tế bào của virut viêm gan B, không cho chúng phát triển). Có thể dùng cây chó đẻ răng cưa phơi khô(10-20g) , sắc lấy nước uống mỗi ngày.

- Cây Dành dành (chi tử): hoạt chất là gardenin, các chất chuyển hóa của gardenosid, acid chlorogenic. Các hoạt chất này (chỉ có ở trong quả, cây mọc ở miền Bắc mới cho quả)  giúp làm giảm sắc tố mật trong máu nên được dùng chữa bệnh hoàng đản (vàng da).

Nước sắc dành dành còn có tác dụng kháng sinh với một số vi khuẩn. Lấy 6-10g quả khô bỏ vỏ, dùng sống hoặc sao vàng, giã nhỏ, sắc lấy nước uống.

- Nghệ: rễ có chứa khoảng 0,3% curcumin có tác dụng thông mật và 1-5% tinh dầu (gồm curcumen và paratolylmetyl carbinol) có tác dụng kích thích sự bài tiết mật.

Xưa này người ta quen dùng nghệ trong việc chữa viêm dạ dày, kết quả nghiên cứu lâm sàng còn cho thấy nghệ còn có tác dụng giải độc gan, làm giảm lượng sắc tố trong máu và nước tiểu. Có thể dùng tươi hoặc bột khô tán nhuyễn , mỗi ngày dùng 6-10g bột khô trộn với mật ong thành viên hoặc pha trong nước ấm uống.

- Râu ngô (bắp): có chứa nhiều xitosteol, saponin, tinh dầy, viatmin C,K, canxi và kali. Uống nước râu bắp ngoài lợi tiểu còn làm tăng sự bài tiết mật, làm giảm tỉ trọng và sắc tố mật trong máu.

Dân gian đã sử dụng từ rất lâu để chữa viêm túi mật, viêm gan vàng da do tắc mật, làm thuốc thông tiểu, chữa tê thấp, đau thận, sỏi thận. Nhờ hàm lượng viatmin K khá cao nên râu bắp còn có tác dụng cầm máu. Mỗi ngày lấy 10-20g râu bắp cắt nhỏ, nấu sôi trong 200ml nước  uống hàng ngày.

- Xuyên tâm liên (còn gọi cây Công cộng, Lá đắng, Khô đảm thảo): Cây được xem là “vua của vị đắng” là loại thảo dược lâu đời của Trung Quốc, Ấn Độ, vùng Đông Nam Á. Xuyên tâm liên là loài thảo dược rất bổ ích cho ba cơ quan đầu não trong cơ thể là tim, gan và não. Nó vừa được xem là thuốc bổ đắng vừa được đánh giá cao trong điều trị các bệnh truyền nhiễm và phòng ngừa nhiều bệnh.

Theo y học cổ truyền nó có tính mát, vị đắng và được xếp vào nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc. Chất đắng trong Xuyên tâm liên có khả năng chống oxy hóa tế bào gan, giúp cải tạo các tế bào gan bị xơ và hư tổn do hóa chất, bia rượu, thuốc lá, tăng cường chức năng thải độc của gan. Là thuốc bổ đắng nên Xuyên tâm liên có khả năng kích thích sự tiết mật nhờ đó tiêu hóa dễ dàng hơn đồng thời chữa các bệnh: viêm gan, vàng da, ứ mật, mệt mỏi, mất ngủ, tiêu chảy do E.coli và nhiễm thương hàn do S.typhae. Sử dụng mỗi ngày 8-12g dạng dịch chiết nước rồi uống.

- Cây Cỏ mực (cây Nhọ nồi): xưa nay ở Việt Nam dân gian  biết đến cây này với tác dụng cầm máu. Tại Ấn Độ, cỏ mực được dùng để trị hói đầu, thuốc nhuộm tóc, nấm lác, phù trướng, ăn khó tiêu, chảy máu miệng, giúp lành vết thương, sưng gan, vàng da…

Khi dùng trị bệnh gan: dùng 100g cỏ mực sắc lấy 100ml cao, uống 1 muỗng cà phê dạng nước sắc hai lần/ngày. Tác dụng bảo vệ gan được ghi nhận có hoạt tính mạnh hơn khi dùng phối hợp Cỏ mực, Chó đẻ răng cưa và nghệ theo tỉ lệ: 2,5: 1,5: 1,0.

- Cây Bồ công anh (còn gọi cây Ma bay): Bồ công anh có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông sữa, lợi tiểu, được dùng chữa sưng vú, tắc tia sữa, đau dạ dày, tiêu hóa kém.v.v… Bồ công anh rất tốt cho gan mật nhờ vai trò kiểm soát được lượng mỡ vào cơ thể và tăng cường chức năng giải độc cho gan.

Các bệnh nhân đau gan, vàng da có thể sử dụng thường xuyên dạng nước ép (50-100g) hoặc dạng trà được bào chế sẵn (20g). Lá, rễ cây bồ công anh có thể phơi khô, nghiền thành bột làm trà túi lọc hoặc sắc lấy nước uống.

Nguồn petrotimes.vn

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây