Những nông dân "máu" làm ăn lớn
- Thứ năm - 26/01/2012 09:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Một trong những địa phương đi đầu trong phong trào này là TPHCM, nơi ngày càng đông đảo nông dân có “máu” làm ăn lớn và khẳng định được vị trí của mình trong quá trình đưa ngành nông nghiệp thành phố đi lên chuyên nghiệp. Đặc biệt, rất nhiều chủ nhân của các khu “vườn sinh thái đẹp” (trồng cây kiểng, hoa, trái cây, chăn nuôi thú đặc sản, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng…) đã nhanh chóng trở thành “tỷ phú chân đất” nhờ xây dựng thành công mô hình này.
THÀNH “ĐẠI GIA” VÌ LỠ… SAY HOA, CÂY KIỂNG!
Ông Nguyễn Ngọc Ái (ngụ KP 7, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) được nhắc đến như một điển hình cho “máu” làm ăn lớn của nông dân Nam bộ. Từ một khu vườn tạp với diện tích 4.000 m2 đất trồng lúa, nhưng do bị ô nhiễm dầu của nhà máy điện và bị chuột phá hoại, mùa màng liên tục bị thất thu, ông Ái đã quyết chọn hướng đi mới cho mình, vẫn trên mảnh đất cha ông này. Bằng quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Ái nhanh chóng chuyển toàn bộ khu vườn tạp sang trồng cây kiểng như: Hoa mai vàng, bonsai, hòn non bộ, tiểu cảnh… và tạo ra bước ngoặt lớn cho gia đình.
Điều đáng khâm phục, từ một nông dân không biết gì về nghệ thuật cây cảnh, quanh năm chỉ biết quẩn quanh với mấy sào lúa, ông Ái đã nhanh chóng thể hiện khát vọng chinh phục nghề “làm đẹp cho đời” bằng việc thi thố tài năng tại các Hội hoa Xuân. Ông tâm sự: “Hội hoa Xuân là nét đặc trưng của dân tộc ta vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân cây cảnh trổ tài và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình ra công chúng. Tôi cũng vinh dự được tham gia hoạt động này nhiều năm tại công viên Tao Đàn, Đầm Sen TPHCM, Bình Dương… Đặc biệt năm 2010, tôi đưa 4 tác phẩm cây cảnh ra Bắc để dự lễ hội Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội và thu về trên 1 tỷ đồng từ những người biết thưởng lãm nghệ thuật cây cảnh mua về trưng bày”.
Rất nhiều khu vườn sinh thái đẹp tại TPHCM ra đời từ khát vọng và “máu” làm giàu của nông dân |
Nói về kinh nghiệm chuyển biến đột phá của mình, ông Ái cho rằng: “Trước hết phải có “máu” làm ăn lớn. Bởi lẽ, nông dân mà nhát không dám làm gì thì chẳng thể có thay đổi lớn được”. Cũng từ tiền đề này, ông Ái đã say sưa học hỏi kinh nghiệm từ những “lão làng” đi trước, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn KHKT chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tích lũy tay nghề. Ông còn xem việc giao lưu với các nghệ nhân các tỉnh thành bạn như một phương thuốc bổ ích để chắt lọc tinh hoa nghệ thuật cây cảnh. Đặc biệt, việc thường xuyên tham gia trưng bày sản phẩm tại các Hội hoa Xuân đã giúp ông nắm bắt thị trường, tìm hiểu được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để xây dựng “đầu ra” vững chắc cho khu “vườn sinh thái đẹp” của mình với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, nói đến “vườn sinh thái đẹp” không thể không nhắc đến vườn hoa mai Tết của ông Năm Đông (KP7, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM) – người đã đưa cây mai bonsai XK sang thị trường các nước Âu, Mỹ gần 10 năm nay với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Năm cho biết: “Với mỗi người VN, đặc biệt ở miền Nam thì thú chơi mai vàng ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
Cũng vì quá ư “say” với ý nghĩa tuyệt đẹp của hoa mai vàng Tết (người ta nói ông “nghiện” hoa mai như điếu đổ), mà từ cái thú chơi mai, ông Năm đã biến vườn mai vàng rộng 3.600 m2 của mình thành nơi cung cấp loài hoa tuyệt mỹ của mùa Xuân cho người dân cả trong và ngoài nước. Nhiều khách hàng “ruột” của ông Năm khi gặp chúng tôi đã không tiếc lời khen ngợi khi nói rằng: “Vườn mai của gia đình ông Năm Đông đã đem lại sự may mắn cho họ, cho rất nhiều người đến đây thưởng lãm và mang mai vàng về trưng 3 ngày Tết!”.
ĂN, UỐNG, NGỦ, NGHỈ… SINH THÁI!
Nằm ở phía Đông cách trung tâm TPHCM 30 km, vườn sinh thái của ông Nguyễn Văn Ký (Ba Ký) tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 đã nổi danh trong nhiều năm qua vì du khách đến đây hoàn toàn được ăn, uống, ngủ, nghỉ theo phong cách… sinh thái: Thưởng thức trái cây trĩu quả ngay trong vườn, câu cá và nghỉ mát ngay trên các con suối, hồ nước tự nhiên và thưởng thức thịt heo rừng “made in Ba Ký” nóng sốt (chọn lựa heo ngay trong chuồng nuôi).
Người ta hay nhắc đến cái “máu” làm giàu của ông Ba Ký như một gương điển hình, bởi lẽ không cam chịu loay hoay với vài ba mảnh ruộng đầu tắt mặt tối vẫn thiếu ăn, năm 2003 (thời điểm phong trào nuôi heo rừng mới phát triển), ông đã gạt bỏ tất cả quyết lặn lội lên rừng Nam Cát Tiên tìm mua cho được 1 con heo rừng đực và 7 heo rừng cái về gây nuôi. Chẳng ngờ đàn heo rừng phối giống và sinh sản dễ dàng như heo nhà, đàn heo ngày càng phát triển lên gần nghìn con.
Nhân đà này, lão nông Ba Ký đã tận dụng địa thế đất đai (có con sông Đồng Nai kế bên, có vườn cây trái và ao hồ, kênh rạch chằng chịt…) để hình thành khu vườn sinh thái nghỉ dưỡng độc đáo. Phải khi đến đây, được ông Ba Ký cho đi “tour” tham quan cảnh trí trên sông thơ mộng, ghé thăm làng cá bè Long Phước, trại heo rừng và thưởng thức các món ăn thuần túy như tôm, cá, gà, lươn, ếch, rắn, rùa, ba ba, chim nước, chuột đồng; và chiều đến trong ánh hoàng hôn, được thưởng lãm trên 10.000 con cò trắng bay về tìm chỗ ngủ, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng độc đáo, thì mới cảm nhận hết được cái tài và khát khao làm giàu của lão nông chân đất này.
Tương tự, vườn sinh thái Thiên Thanh của nông dân Nguyễn Thị Thanh tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 được mệnh danh là “khu vườn Châu Âu” vì có nét đẹp rất hiện đại. Từng là một nông dân chuyên trồng cây ăn trái, bà Thanh đã sớm khát khao hình thành riêng cho mình một khu vườn lớn kết hợp du lịch miệt vườn để thỏa chí nguyện “vườn sinh thái” của mình. Trong khu vực rộng 2 ha, bà bố trí nhiều loại cây trồng như dừa, mít, dâu, xoài, sầu riêng… một cách hài hòa, thông thoáng và hết sức đẹp mắt.
Nông dân Tống Hữu Châu cười tươi bên trại cá cảnh xuất khẩu (quận 12). Ông nói rằng: “Nếu nông dân có máu làm giàu thì sớm muộn cũng sẽ thành công!” |
Bước vào đây, với một không gian xanh thoáng đãng, du khách có cảm giác như lạc vào một khu vườn xinh xắn ở mãi xứ Âu Châu. Khu vườn này cũng là nơi đầu tiên áp dụng mô hình trồng cây ăn trái trên thảm cỏ xanh mượt, dịu mát và bắt mắt như trong một công viên tuyệt đẹp. Xung quanh đó là những gian nhà nghỉ mây tre lá, tạo cảm giác thoải mái, thu giãn cho du khách đến đây nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần, hay lễ, Tết.
Cũng “máu” làm ăn lớn ngay từ thời “chân đất”, nông dân Huỳnh Trọng Nghĩa đã sớm gây dựng được cho mình hẳn một tổ hợp vui chơi giải trí hoàn toàn sinh thái (Villa H2O) rộng tới 13.000 m2, tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Không chỉ có vườn cảnh, trái cây, câu cá, chèo thuyền trên sông; ông Nghĩa còn cho ra đời cả hệ thống nhà nghỉ, bar café, hồ bơi, sân tennis, bóng chuyền bãi biển, khu cắm trại dã ngoại…, để du khách đến đây được ăn, uống, ngủ, nghỉ 100% sinh thái. Hệ thống khu Villa H2O được xây dựng theo phong cách bungalow nhà vườn, tạo cho du khách cảm giác sảng khoái trong sự giao hòa với thiên nhiên, với không gian sống đặc trưng của người Nam bộ.
Ông Nghĩa bộc bạch: “Đất nông nghiệp sẽ chẳng phụ ta nếu mình biết trân trọng và có khát vọng làm ăn lớn”. Cũng vì tâm niệm này mà ông Nghĩa đã tạo được cho riêng mình một khu vườn sinh thái đứng hạng Nhất (Giải 1 vườn sinh thái đẹp năm 2010) giữa vô vàn khu vườn bề thế, đồ sộ của hàng trăm nông dân có “máu” làm ăn lớn tại TPHCM.
Ông Trương Văn Đa – Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TPHCM: Thông qua phong trào làm kinh tế VAC và trang trại, trong 5 năm qua, TPHCM có cả nghìn hộ từ nông dân sản xuất nhỏ lẻ đã xây dựng được trang trại, nhà vườn trồng cây ăn trái, cây cảnh, nuôi thú đặc sản, kết hợp du lịch, giải trí với thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/hộ/năm. Chính từ sự năng động và khát khao làm giàu ngay chính trên mảnh đất nông nghiệp, rất nhiều nhà vườn, trang trại đã tạo ra mô hình “vườn trong phố, phố xen vườn” độc đáo và hấp dẫn, mang phong cách rất riêng tại đô thị lớn nhất nước TPHCM. |
(Theo nongnghiep.vn)