Những phụ nữ tài năng trong thế giới công nghệ
- Thứ năm - 12/04/2012 10:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Đành rằng công nghệ vốn là một lĩnh vực thích hợp hơn với cánh đàn ông, tuy thế cũng không thể phủ nhận - ở một vài trường hợp – sự đóng góp không thể thiếu của những người phụ nữ.
Sheryl Sandberg – Giám đốc quản trị Facebook
Sinh năm 1969, tốt nghiệp ngành Kinh tế tại đại học Harvard và sau đó là thạc sĩ tại Harvard Business School, Sheryl Sandberg vốn là một ngôi sao sáng khi còn là sinh viên. Trước khi về làm việc tại Facebook vào tháng 3/2008 (ngay lập tức được bổ nhiệm vào vị trí COO – giám đốc quản trị), Sheryl là Phó Chủ tịch Google, phụ trách bán hàng và các hoạt động online.
Việc cô về đầu quân tại Facebook là một sự may mắn tình cờ đối với Mark Zukerberg (người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc của Facebook). Cuối năm 2007, Mark gặp Sheryl trong một bữa tiệc Giáng sinh, lúc này Sheryl đang cân nhắc cho một vị trí mới ở Washington Post. Mặc dù không chính thức đi tìm COO nhưng Mark cảm giác Sheryl chính là người phù hợp nhất cho vị trí này. Tới tháng 1/2008, họ gặp lại nhau tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và tháng 3 thì Sheryl đồng ý về Facebook làm việc.
Trước thời Sheryl, toàn bộ mục tiêu hoạt động của Facebook là trở thành một website thật hấp dẫn, và mang tư tưởng “tiền rồi sẽ tự đến”. Chỉ đến khi Sheryl tham gia vào bộ máy lãnh đạo, Facebook mới có một định hướng rõ ràng hơn về việc kinh doanh và Sheryl là người đã đưa được hệ thống quảng cáo vào Facebook, để tới năm 2010 thì hệ thống này bắt đầu sinh lời.
Ngoài vị trí Giám đốc quản trị tại Facebook, Sheryl hiện còn là thành viên Hội đồng quản trị của Walt Disney và Starbucks.
Trang cá nhân tại Facebook: http://www.facebook.com/sheryl
Padmasree Warrior – Giám đốc công nghệ Cisco Systems
Khác với Sheryl Sandberg, người được sinh ra cho ngành kinh tế Mỹ, Padmasree là người phụ nữ 100% công nghệ. Được sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ, tốt nghiệp đại học và cao học ngành Hóa, và ngay sau đó đã cống hiến 23 năm cuộc đời mình tại Motorola (kể từ năm 1984). Tại đây, Padmasree đã trải qua nhiều vị trí khác nhau, quan trọng nhất là chức vụ Giám đốc công nghệ. Trong thời gian làm việc tại Motorola, Padmasree đã được vinh danh bởi nhiều tổ chức khác nhau, như tạp chí Fortune bình chọn 50 phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh Mỹ năm 2006, tạp chí Fast Company bình chọn 100 người sáng tạo nhất trong lĩnh vực kinh doanh.
Giữ chức Giám đốc công nghệ của Cisco Systems từ năm 2007, ngoài ra bà còn kiêm nhiệm thêm vai trò Phó Chủ tịch, Giám đốc điều điều hành của Cisco Enterprises. Những thành công của Padmasree tại Cisco tuy không rõ nét như thời còn ở Motorola, nhưng với bề dày kinh nghiệm cũng như tiếng nói ảnh hưởng của bà, sự có mặt của Padmasree tại Cisco được ví như “một người truyền giáo” và đem lại nguồn khích lệ lớn đối với đội ngũ của công ty.
Bên cạnh công việc, Padmasree còn là một người rất tích cực hoạt động trên các mạng xã hội. Twitter của bà luôn được cập nhật hàng ngày, với những chủ đề liên quan đến sở thích cá nhân như: hội họa, nhiếp ảnh, ẩm thực, thơ Haiku…
Profile cá nhân tại Twitter: https://twitter.com/#!/Padmasree
Meg Whitman – Chủ tịch, Tổng giám đốc Hewlett Packard (HP)
Sinh năm 1956 tại Mỹ, Meg Whitman cũng là tuýp phụ nữ dành cho công việc và kinh doanh. Vừa mới gia nhập Hội đồng quản trị của HP tháng 1/2011, đến tháng 9/2011 thì bà được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc. Thời gian tại chức chưa đủ lâu để đánh giá những thành công của bà tại đây, tuy nhiên trong giới công nghệ, Meg Whitman nổi tiếng hơn với thời gian làm việc của bà tại eBay. Bà gia nhập eBay tháng 3/1998, khi đó công ty mới chỉ có 30 nhân viên. Sau 10 năm giữ chức Tổng giám đốc, Meg đã đưa eBay lên con số 15.000 nhân viên và 8 tỷ USD doanh thu năm 2008.
Trong giới công nghệ và kinh doanh, có thể dùng câu “đàn bà dễ có mấy tay” để nói về Meg Whitman. Cùng với thành công và danh tiếng, bà cũng đã nhận không ít những lời chỉ trích cho sự nghiệp chính trị và kinh doanh của mình tại bang Californina (Mỹ). Nhưng người ta vẫn phải thừa nhận, đây là một người phụ nữ tài năng và nhiều quyền lực. Cũng như Padmasree, Meg Whitman đã nhận được một số tặng thưởng quan trọng như danh sách 5 phụ nữ quyền lực nhất do tạp chí Fortune bình chọn, danh sách 10 CEO thành công nhất trong 10 năm (1998-2008) do Havard Business Review bình chọn
Marissa Mayer – Phó Chủ tịch Google
Sinh năm 1975, Marissa Mayer là người trẻ nhất trong cấp lãnh đạo của Google (và có lẽ cũng là trường hợp hiếm của ngành công nghệ, đặc biệt là nữ giới). Marissa gia nhập Google năm 1999, khi công ty mới chỉ có 20 nhân viên, cô đồng thời cũng là nữ kỹ sư duy nhất tại thời điểm đó.
Trong suốt 11 năm làm việc tại Google, Marissa đã trải qua nhiều vị trí và công việc khác nhau, từ dịch vụ tìm kiếm, hình ảnh, đến sách, tin tức… Marissa hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch, phụ trách các dịch vụ về địa điểm và địa phương. Trước đó, cô phụ trách về dịch vụ tìm kiếm và giao diện người dùng. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất, đây là phần xương sống, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các dịch vụ của Google, mà thành tích nổi bật nhất của Marissa là thiết kế giao diện của Google Search và Gmail.
Trẻ tuổi, xinh đẹp và tài năng, không ngạc nhiên khi Marissa Mayer trở thành tâm điểm chú ý của báo chí và có mặt trong rất nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau liên quan đến Google.
Profile cá nhân tại Google+: https://plus.google.com/118207880179234484610
Rashmi Sinha – Tổng giám đốc Slideshare
Thêm một người phụ nữ Mỹ gốc Ấn nữa được nhắc đến. Sinh ra tại Ấn Độ, học đại học chuyên ngành Tâm lý tại Mỹ, và tiếp tục hoàn thành PhD tại Mỹ, nhưng rồi Rashmi lại tìm thấy đam mê trong việc thiết kế web, vì nhận thấy sự tương đồng giữa tâm lý con người và những vấn đề mà những người phát triển web đang xử lý. (Quả là một lý do rất… tâm lý học!)
Rashmi thành lập một công ty chuyên tư vấn về thiết kế giao diện người dùng, và có một số dự án thành công như eBay, Blue Shield, AAA, MindCanvas. Đến năm 2008, cô sáng lập ra Slideshare và trở thành Tổng giám đốc.
Tuy vẫn còn là một công ty nhỏ, nhưng mức độ đóng góp của Slideshare cho cộng đồng người dùng Internet là rất đáng kể. Slideshare hiện là cộng đồng chia sẻ tài liệu dưới dạng các bài trình bày lớn nhất thế giới hiện nay, với số lượng người dùng trung bình khoảng 2 triệu người/1 tháng.
Công việc hàng ngày của Rashmi tại Slideshare là phụ trách kinh doanh chung, thiết kế và phát triển cộng đồng.
Trang blog cá nhân: http://rashmisinha.com/
Caterina Fake – Đồng sáng lập Flickr
Không giống như những người phụ nữ mà Salander chọn giới thiệu trên đây. Caterina Fake là một hình ảnh hoàn toàn khác, một người điển hình cho thế hệ doanh nhân trên Internet: tràn đầy ý tưởng, ưa mạo hiểm và luôn sẵn sàng làm lại từ đầu.
Flickr là trường hợp thành công nhất mà Caterina có được nên người ta hay nhắc đến cô với Flickr. Tuy nhiên không chỉ có vậy.
Từ những năm 1990, Caterina là Giám đốc nghệ thuật của Salon.com, một tạp chí trực tuyến của Mỹ. Năm 1997, Cateria nhận nhiệm vụ quản lý cộng đồng trên các diễn đàn của Nescape. Sở dĩ nói Caterina là một doanh nhân Internet điển hình, bởi con đường mà cô đã đi qua cũng giống như rất nhiều người đã tham gia vào ngành này: xuất thân từ một người làm công với nhiều đam mê nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm, cộng với một ý tưởng bùng nổ - và alehap, xây dựng một công ty Internet.
Nhưng câu chuyện ra đời của Flickr hóa ra lại bắt đầu từ một thất bại của Caterina: Năm 2002, cô cùng với Stewart Butterfield (người sau này trở thành chồng của Caterina) thành lập một công ty sản xuất game trực tuyến, nhưng đến năm 2003 thì công ty phá sản. Tuy nhiên, Caterina và Stewart đã lấy lại một phần chức năng chia sẻ ảnh trên game trực tuyến kia và phát triển nó thành Flickr.
Flickr thành công và nổi tiếng, đến năm 2005 thì nó được Yahoo! mua lại và Caterina về đầu quân cho Yahoo! và làm việc trong nhóm Phát triển công nghệ, đến năm 2008 thì cô rời Yahoo! và năm 2009 lại cùng với Chrix Dixon thành lập ra Hunch.com, với dịch vụ hoàn toàn mới được định nghĩa là “taste graph”, mà gần đây chúng ta hay thấy với tên gọi quen thuộc hơn là infographic. Vừa mới đây, Hunch đã được eBay mua lại với giá 80 triệu USD, sau khi từ chối Google trước đó với giá 60 triệu!
Vẫn chưa dừng lại, giữa năm 2011, Caterina lại tham gia sáng lập tiếp một dịch vụ mới: Pinwheel, một dịch vụ về địa điểm và hiện vẫn đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.
Theo Dientutieudung