Nợ của EVN, trả bằng cách nào?
- Thứ ba - 08/05/2012 06:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Mới đây, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) chính thức kiến nghị Chính phủ phương án xử lý nợ tiền mua điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các bên bán điện bằng cách phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh tại thị trường trong nước. Cho dù PVFC hay đơn vị tư vấn nào đứng ra thực hiện việc này thì việc xử lý món nợ đó cũng không nên chậm trễ, do tác động xấu mang tính dây chuyền của nó đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp.
Theo bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, số liệu đã được kiểm toán của năm 2010 cho thấy, EVN lỗ từ sản xuất kinh doanh điện là 8.040 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là hơn 15.000 tỉ đồng. Năm 2011, EVN công bố chỉ lỗ 3.500 tỉ đồng.
Con số lỗ cả hai năm gần nhất đều không thể hiện số nợ tiền mua điện của EVN với các bên bán điện lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong khi đó, tính đến ngày 30-12-2011, tổng giá trị khoản nợ của EVN đối với PV Power khoảng 14.900 tỉ đồng (trong đó có cả lãi phạt 1.700 tỉ đồng do chậm thanh toán). EVN cũng nợ TKV khoảng 1.600 tỉ đồng (chưa tính lãi).
(Ảnh minh họa)
Các khoản nợ lũy kế kéo dài, lại chẳng biết tính vào đâu, cũng không có phương án thu hồi cụ thể nhưng lại hiển thị cụ thể trong sổ sách của các doanh nghiệp bán điện, từ PV Power đến Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) khiến cho kết quả sản xuất kinh doanh, và tính minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp này bị méo mó. Cụ thể, số nợ này hiện chiếm xấp xỉ 28% tổng tài sản của PV Power, bằng 105% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Đề xuất của PVFC là cho phép EVN phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Chính phủ bão lãnh trị giá 14.900 tỉ đồng (chỉ tính riêng số EVN nợ PV Power), thời hạn 10 năm (từ năm 2012), với lãi suất 9%/năm, ân hạn hai năm và bắt đầu trả lãi từ cuối năm thứ 3.
Trái phiếu phát hành theo dải kỳ hạn dài sẽ không tạo ra áp lực tài chính ngắn hạn đối với EVN do chỉ trả gốc vào năm thứ 10 khi hết hạn. Đồng thời nó lại minh bạch hóa được quan hệ tài chính giữa chủ nợ và con nợ và khối lượng trái phiếu phát sinh có thể được xem như tài sản để cầm cố, thế chấp, giao dịch trên thị trường trái phiếu và thị trường mở nhằm cho các chủ nợ có thể huy động vốn.
Tuy Chính phủ chưa có quyết định cuối cùng về việc sẽ xử lý các khoản nợ của EVN theo hướng nào nhưng thông tin mà TBKTSG có được cho thấy, EVN cũng không hào hứng gì với phương án trả nợ mà PVFC đề xuất. Lý do EVN đưa ra là việc tái cơ cấu khoản nợ, phát sinh lãi như vậy sẽ tiếp tục gây áp lực tăng giá điện.
Nhưng tất cả các bên bán điện hay các hộ tiêu dùng điện đều có quyền đòi hỏi các khoản mua - bán điện, nợ đọng từ sản xuất kinh doanh điện hay không phải được hạch toán công khai, minh bạch, thay vì treo lơ lửng và tù mù trên đầu những người mua điện. Có lẽ EVN mong chờ Chính phủ sẽ xử lý các khoản nợ này.
Nhưng thông tin từ bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11-2011 là năm 2012, Chính phủ dự tính phân bổ vào giá điện một phần tư số lỗ của năm 2010 (khoảng 2.000 tỉ đồng) và một phần ba chênh lệch tỷ giá (khoảng 5.000 tỉ đồng). Điều đó cho thấy, phương án xử lý riêng cho số nợ các bên bán điện nói trên là chưa có. Nó đòi hỏi bên nợ (EVN) và các chủ nợ (PV Power hay TKV) phải tự đề xuất phương án xử lý linh hoạt, mang tính thị trường hơn.
Vậy EVN muốn gì? Thông tin cho biết, phương án mà nơi này mong muốn là tiếp tục đi vay nợ nước ngoài với sự bảo lãnh của Chính phủ để tái cơ cấu lại khoản nợ với thời hạn dài là 10-15 năm.
Tuy chưa rõ phương án “vay nợ mới để trả nợ cũ” sẽ thực hiện dưới hình thức nào? Vay vốn ODA hay vay theo lãi suất thương mại? Việc xử lý nợ có được phép dùng vốn ODA không? Hơn nữa, kể cả vốn ODA của năm 2012, khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cũng không còn được mức lãi suất thấp như trước.
Chưa kể các điều kiện đi kèm với việc cho vay và ngoài lãi suất là chênh lệch tỷ giá “treo” trên đầu khiến cho khoản vay tính ra có thể không rẻ như mong đợi. Thêm vào đó, năm 2012, EVN đã có kế hoạch vay ODA trị giá 2 tỉ đô la và 1 tỉ đô la vốn vay theo lãi suất thương mại. Nguồn vay mới ngoài 2 khoản trên lẽ nào không được các chủ nợ tính đủ cả rủi ro khi nêu điều kiện vay kèm theo mức lãi suất.
Vậy thì EVN có đủ năng lực và điều kiện để tự giải quyết các khoản nợ của mình?
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn