Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Nơm nớp nỗi lo thủy điện

Minh họa

Minh họa

* Thích xả là xả! Dải đất Nam Trung bộ từ Quảng Nam đến Phú Yên có chiều dài bờ biển chưa đầy 1.000km mà đã “gánh” đến hơn 100 công trình thủy điện (CTTĐ). Mùa mưa bão sắp đến, việc xả lũ bảo vệ CTTĐ luôn là mối đe dọa với những người dân vùng hạ du.

Chỉ lo mục tiêu lợi nhuận

Do có hệ thống sông suối dày đặc và có độ dốc lớn nên khu vực Nam Trung bộ là vùng “đất hứa” của những CTTĐ. Chỉ tính trong khu vực 4 tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên mà đã có đến 103 CTTĐ vừa và nhỏ với tổng công suất 2.738,9 MW. Dẫn đầu trong số này là Quảng Nam với 52 công trình (1.617,3 MW), Quảng Ngãi có 25 công trình (330,8 MW), Bình Định 20 công trình (409,8 MW) và Phú Yên có 6 công trình (381 MW). Hầu hết trong những công trình đó đều có quy mô công suất lắp máy nhỏ. Tại Quảng Nam có 75% công trình, Quảng Ngãi có 92% công trình và Bình Định có 83% công trình có công suất nhỏ hơn 30 MW.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Minh Việt, Phó Viện trưởng Viện thủy điện và năng lượng tái tạo (Viện Khoa học Thủy lợi VN) thì các CTTĐ có công suất lắp máy nhỏ chủ yếu chỉ khai thác cột nước địa hình để phát điện, các hồ chứa chủ yếu làm chỉ để điều tiết nước ngày đêm nên quy mô rất nhỏ, thường chỉ có dung tích vài trăm ngàn mét khối. Do vậy, các hồ chứa của các CTTĐ này không có tác dụng cắt giảm lũ cho hạ lưu khi xảy ra mưa lũ lớn. Bên cạnh đó, những công trình có công suất lắp máy lớn hơn 30 MW trong khu vực cũng chỉ có nhiệm vụ chính là phát điện, hồ chứa của một số nhà máy không có dung tích cắt lũ hoặc có nhưng rất nhỏ.


Lũ lụt ở miền Trung ngày càng dữ dội

Ông Việt đưa ra một số ví dụ tại Quảng Nam: CTTĐ Thủy điện A Vương có dung tích 343,5 triệu m3 ứng với mực nước dâng bình thường mà chỉ có 30,5 triệu m3 dung tích phòng lũ; TĐ Đắc My 4 có 320 triệu m3 nhưng chỉ có 38,7 triệu m3 dung tích phòng lũ; hoặc như TĐ Sông Tranh 2 có 729 triệu m3 mà chỉ có 89 triệu m3 dung tích phòng lũ. Tại Phú Yên, trên lưu vực sông Ba, TĐ Sông Ba Hạ có tổng dung tích là 350 triệu m3, dung tích phòng lũ chỉ có 90 triệu m3; TĐ Sông Hinh có tổng dung tích 363 triệu m3, dung tích phòng lũ chỉ 73 triệu m3; TĐ KrôngHnăng dung tích 172 triệu m3, dung tích phòng lũ chỉ 29 triệu m3; TĐ Ayun Hạ dung tích 253 triệu m3, dung tích phòng lũ chỉ 33 triệu m3; TĐ An Khê - Ka Năk dung tích 314 triệu m3, dung tích phòng lũ chỉ 38 triệu m3.

Những con số trên cho thấy, đối với 3 hồ chứa thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) chỉ có tổng dung tích phòng lũ là 158,2 triệu m3, trong khi đó, theo tính toán dung tích cắt lũ hiệu quả cho lưu vực cần con số tối thiểu 1,2 tỷ m3. Còn đối với lưu vực sông Ba (Phú Yên), tổng dung tích phòng lũ của 5 hồ chứa TĐ lớn trên lưu vực chỉ có 263 triệu m3, quá nhỏ so với lưu vực 13.900km2.

Rõ ràng, các CTTĐ trong khu vực chỉ bố trí dung tích phòng lũ đủ để bảo vệ cho công trình của mình chứ chẳng ngó ngàng gì đến yếu tố phòng chống lũ cho hạ lưu. Trong khi đó các hồ chứa TĐ với mục tiêu phát điện nên các chủ đầu tư thường tích nước ở mức cao để đạt mức tối đa về phát điện nhằm kiếm lợi nhuận, do vậy khi mới chớm mưa lũ là đã vội xả để bảo đảm an toàn cho công trình, mặc người dân phía hạ du ra sao thì ra. “Khi ngành chức năng dự báo có mưa bão lớn, lẽ ra các CTTĐ phải xả bớt nước trong hồ để đón lũ mới nhằm giảm lũ phía hạ du. Thế nhưng vì ngại dự báo sai, không có lũ về hoặc chỉ có lũ nhỏ, hồ không đầy nước làm giảm lượng phát điện mất lợi nhuận nên họ phớt lờ”, ông Giả Kim Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Thủy lợi miền Trung, cho biết thêm.

Thích xả là xả

 

“Chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị thành lập ban chỉ đạo vận hành các CTTĐ từ thượng nguồn xuống đến hạ du sông Ba để có sự thống nhất về quy trình xả lũ, đồng thời các CTTĐ có sự phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của địa phương để chúng tôi chủ động ứng phó trong những mùa mưa lũ. Thế nhưng đến nay đề nghị trên vẫn chưa được phản hồi. Giữa các CTTĐ thủy điện và chúng tôi cũng không có sự phối hợp gì nên chẳng biết đến bao giờ người dân vùng hạ du mới hết nơm nớp sợ thủy điện trong những mùa mưa lũ”, ông Biện Minh Tâm - GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên.

Vấn đề nhức nhối nhất của người dân đang sống phía hạ lưu là các CTTĐ ưng xả lúc nào thì xả, trước khi xả chỉ báo trước vài tiếng đồng hồ cho “có lệ” nên không ai trở tay kịp. Năm 2011 vừa qua, mặc dù tình hình mưa lũ diễn ra không dữ dội nhưng việc xả lũ bất ngờ của TĐ Sông Ba Hạ đã suýt cuốn mất mấy nông dân trong khi đang SX.

Nông dân Nguyễn Kim Hùng ở thôn Mỹ Lệ Tây, xã Hòa Bình 2 (Tây Hòa - Phú Yên) nhớ lại: “Tui nhớ hôm ấy là ngày 31/7/2011. Vào buổi sáng, nước sông Ba còn khô đến trơ đáy, thế nhưng đến chiều thì lũ ở đâu bỗng ùa về, lũ bò tui đang chăn liền bị trôi lủm ngủm giữa sông. Tiếc của, tui bơi ra cứu chúng thì bị nước xoáy nhấn chìm, may mà tui kịp bấu vào cái đuôi bò nên mới sống sót”. Ông Biện Minh Tâm - GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, bức xúc: “Mấy ông thủy điện trên thượng nguồn sông Ba ưng xả lũ lúc nào là cứ xả, chẳng cần thông báo gì, nếu có thì thông báo đến với ngành chức năng chỉ trước khi xả vài tiếng đồng hồ. Đến khi thông báo này đến được với dân hạ lưu thì lũ đã ùa về, đố ai trở tay cho kịp”.

Không chỉ gây hại vào mùa mưa lũ, việc xả lũ của các CTTĐ còn gây khó dễ cho vùng hạ du cả trong mùa khô. Theo ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, từ đầu năm 2012 đến nay, việc xả lũ của TĐ An Khê - Ka Năk ở Gia Lai đã làm ngành thủy lợi ở Bình Định lâm cảnh bị động trong việc điều tiết nước tưới. Việc xả nước của họ không theo kế hoạch gì cả, ưng xả thì xả, ưng đóng thì đóng, không hề có thông báo gì. Trong vụ ĐX, nhiều khi họ xả đến 40-50 khối/giây qua đường ống vào lưu vực sông Kôn làm cho đồng ruộng vùng hạ du úng nước. 1 ngày xả 2-3 lần khiến ngành thủy lợi của Bình Định không biết đâu mà lần.
Nguồn BNN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây