Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Nông sản thời hội nhập: Quy trình Việt GAP, việc cần làm ngay

Minh họa

Minh họa

Chìa khóa đưa nông sản Việt Nam ra thế giới - Bài cuối: Cách nào để VietGap vào cuộc sống?
VietGAP được coi là “chìa khóa” để đưa nông sản Việt ra thế giới nhiều hơn với giá cao hơn. Tuy nhiên, để các vùng sản xuất nông sản đạt được quy chuẩn này không dễ bởi tư duy làm ăn riêng lẻ, trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng khi tiếp cận và áp dụng.

Từ câu chuyện của thanh long VietGAP

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2009, toàn tỉnh Bình Thuận phải có 3.000ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng đến nay, đã có trên 5.000 hộ tham gia sản xuất theo quy trình này với diện tích gần 4.000ha. Điều đó chứng tỏ phong trào trồng thanh long VietGAP ở Bình Thuận đang phát triển rất mạnh.

Thời gian qua, Bình Thuận đã hình thành 133 nhóm nông dân liên kết trồng thanh long VietGAP; tổ chức tập huấn cho hơn 7.000 lượt nông dân về kỹ thuật trồng thanh long VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP là yếu tố sống còn đối với người trồng thanh long. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi chủ trương phát triển các vùng chuyên canh thanh long sạch đòi hỏi phải có sự chung tay của các cấp ngành và sự quyết tâm của người dân.

Tuy vậy, tại chính nơi VietGAP phát triển mạnh nhất, người dân vẫn gặp khá nhiều khó khăn, lúng túng trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng; việc hình thành các nhóm sản xuất có độ chênh lệch quá lớn về tỷ lệ hộ trên diện tích đăng ký; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người thu mua và sản xuất để hai bên cùng có lợi. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải hướng dẫn các nhóm trưởng tập trung củng cố và giữ vững kết quả đã đạt được, đồng thời tiến hành rà soát cụ thể, kỹ lưỡng các nhóm trồng thanh long VietGAP làm đến đâu, có khó khăn gì để kịp thời tháo gỡ. Song song đó cần tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất.

Theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT:

“VietGAP hiện đang được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương và hướng tới sẽ hòa nhập với GlobalGAP. Các tỉnh cần xác định lại những loại rau, quả nào ưu tiên để áp dụng VietGAP, sau đó sẽ phát triển sang các loại cây khác. Cần phải tổ chức tập huấn và kiểm tra, cấp chứng nhận VietGAP chặt chẽ”.


Ngoài ra, cần tăng cường công tác vận động, thuyết phục, đồng thời ràng buộc về mặt hành chính, kết hợp nhiều biện pháp khác để các doanh nghiệp, cơ sở thu mua đóng gói, xuất khẩu thanh long phải đăng ký thực hiện tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận VietGAP như người sản xuất. Thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp để đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị gắn liền với việc xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường...

Đến chuyện của mọi nhà

Xuất khẩu nông sản Việt Nam thời gian qua liên tục tăng trưởng, nhưng lại lộ ra một “lỗ hổng” lớn và kém bền vững trong dây chuyền sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng sản phẩm và khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, trình độ và tay nghề của nông dân, đối tượng sản xuất chính, lại có quá nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với một nước mạnh về xuất khẩu nông sản.

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để nông sản có thể tiến tới và dần chiếm lĩnh thị trường quốc tế, nông sản Việt Nam cần có tấm “visa” mang tên VietGAP trong “hồ sơ” xuất khẩu.

Ông Joseph Ekman, chuyên gia quốc tế về an toàn thực phẩm nông sản cho rằng: “Chương trình VietGAP của Việt Nam trước hết phải tập trung vào an toàn thực phẩm vì đây là mối quan tâm hàng đầu của kỹ nghệ thực phẩm quốc tế. Chương trình VietGAP nên dựa vào mô hình GAPASEAN để bảo đảm rằng nó phù hợp với các chương trình liên vùng và quốc tế về an toàn thực phẩm”.

GS. TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang trăn trở: “Việt Nam vào WTO rồi nhưng nông dân vẫn còn làm ăn riêng lẻ, nông sản bán qua trung gian, khiến sản phẩm không có thương hiệu. Vì vậy, chúng ta phải xác định rõ khuyến khích nhà nông làm sản phẩm gì, vùng nào có thế mạnh thì phải phát triển bằng được. Muốn có thương hiệu tốt phải bắt đầu từ nguyên liệu ổn định”.

Nếu các “nhà” cùng chung tay giải quyết được những vấn đề khó khăn trên, chắc chắn các vùng chuyên canh nông sản của nước ta đều có thể thực hiện tốt quy trình VietGAP.

Vân Nhi
Theo kinhtenongthon.com.vn

Chương trình VietGAP không chỉ là tấm giấy chứng nhận

Phong trào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đang được thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ dừng lại ở tờ giấy chứng nhận mà đây là cơ hội để nông dân thay đổi cách làm từ trước đến nay.

Thực trạng

Tiền Giang là tỉnh trọng điểm sản xuất lương thực, cây ăn trái của vùng ĐBSCL, trong đó có 67.000ha cây ăn trái, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Đến nay, tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hoà Lộc, bưởi long Cổ Cò, thanh long Chợ Gạo, khóm (dứa) Tân Lập, sầu riêng Ngũ Hiệp...

Tháng 11/2007, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã triển khai mô hình GlobalGAP với 33 hộ nông dân tham gia trên diện tích 12ha. Ngày 30/4/2008, HTX và 19 hộ dân trồng 7ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch HLV Tiền Giang cho biết: “Từ việc xây dựng thành công mô hình GlobalGAP trên vú sữa Lò Rèn, cuối năm nay tiếp tục chứng nhận thêm 40ha vú sữa theo tiêu chuẩn trên. Hiện tỉnh đang có chủ trương áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP sang các loại cây trồng khác”.

TP.Hồ Chí Minh cũng đang phát triển mạnh các mô hình VietGAP trên rau màu. Đến cuối 2009T, thành phố đã thẩm định được 2.400ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn (RAT). Trên địa bàn thành phố đã thành lập được 6 HTX và 14 tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ RAT. Ngoài ra, cũng đã chứng nhận mô hình sản xuất VietGAP cho 13 hộ dân tại hai xã Nhuận Đức và Xuân Thới Thượng với diện tích 6, 1ha. ông Lê Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đến năm 2010, thành phố sẽ phát triển 12.000ha rau và 100% HTX RAT trên địa bàn sẽ được cấp chứng nhận VietGAP”.

Tránh bệnh hình thức

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng VietGAP là việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất ở các địa phương còn chậm, diện tích quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung còn rất ít. Đến nay, tổng diện tích trồng rau an toàn cả nước mới chỉ đạt 8-8,5%, diện tích trồng quả và chè 20%. Thậm chí nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất an toàn hoặc còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng: “Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là đầu mối lây lan dịch hại, mầm bệnh. Không chỉ vậy, có đến 90% nông dân lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc không đúng liều lượng, dùng nhiều loại thuốc để phun và không đảm bảo thời gian cách ly”.

Các nhà chuyên môn lý giải rằng, thực trạng diện tích sản xuất manh mún, nhiều giống cây không đạt chất lượng, vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu vẫn chưa thể dứt bỏ, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, đầu ra còn bỏ ngỏ là thách thức lớn đối với việc thực hiện cũng như mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

GS.Nguyễn Thơ, Hội Bảo vệ thực vật lo ngại: “Đến nay nhiều nông dân vẫn còn rất bỡ ngỡ với VietGAP, nhất là việc ghi chép nhật ký đồng ruộng. Tâm lý người dân vẫn chỉ quan tâm đầu ra của sản phẩm VietGAP giá có cao hơn sản phẩm thường. Hiện các cơ quan quản lý cũng khá lúng túng trong việc triển khai và hiểu về VietGAP còn khác nhau. Tổ chức chứng nhận VietGAP cũng còn mới và quá mỏng khiến các khâu tổ chức thanh tra, cấp chứng nhận còn chưa hiệu quả”. Ông Thơ cho biết thêm: “Có một số đơn vị làm VietGAP vẫn nặng tính hình thức”. Mục tiêu của việc thực hiện VietGAP không phải chỉ để được cấp giấy chứng nhận, mà quan trọng là người dân phải tự thay đổi thói quen canh tác của mình.

Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2015, toàn bộ sản phẩm rau, quả, chè tại các vùng trồng tập trung sẽ phải đi vào sản xuất theo quy trình VietGAP. Tính đến cuối năm 2009, cả nước có 15 mô hình áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận.


Nên ưu ái hơn cho rau, hoa quả

 

Trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, trái cây, rau quả và hoa là những mặt hàng có ưu thế lớn trong sân chơi WTO với kim ngạch xuất khẩu gần 103 tỷ USD, trong khi đó lúa gạo, càphê, cao su chiếm không quá 10 tỷ USD /năm mỗi loại. Các loại nông sản khác như chè, điều và hồ tiêu càng nhỏ hơn với trên dưới 3 tỷ USD /năm. Vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư nhiều hơn cho trái cây, rau quả và hoa vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh?

Nước ta vẫn còn sử dụng hơn 7 triệu hecta đất để trồng lúa. Trong khi đó, chỉ có gần 1 triệu hecta để trồng dừa, cao su, chè, càphê và 1, 4 triệu ha trồng trái cây, rau quả và hoa. TS. Vọng cho rằng, đây là bước phát triển không cân đối vì rõ ràng lúa đã trở nên độc canh, chiếm 74% diện tích canh tác của cả nước, trong khi trái cây, rau quả và hoa có thị trường xuất khẩu lớn gấp 10 lần thì lại ít phát triển, chỉ chiếm 15%.

Bên cạnh đó, mức độ đầu tư về nhân sự, nghiên cứu, đất đai và lao động của ngành trái cây, rau quả và hoa so với lúa gạo cũng kém xa. Về mặt canh tác, yếu điểm của độc canh là dễ dàng phát sinh dịch bệnh nên phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để kiểm soát, làm ô nhiễm môi trường, đưa đến việc ngộ độc thực phẩm. Một minh chứng thực tế là bệnh rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hệ quả tất yếu của việc độc canh này.

 

Đối diện với 4 thách thức lớn

 

Theo TS. Vọng, thị trường xuất - nhập khẩu nông sản thế giới ngày nay được tổ chức rất chặt chẽ, phần lớn do các hệ thống siêu thị đa quốc gia khống chế kiểm soát. Do tri thức của giới tiêu thụ ngày càng cao nên yêu cầu của siêu thị về chất lượng nông sản - vốn dựa trên yêu cầu của giới tiêu thụ của các nước lớn và giàu - ngày càng khó khăn, trở thành rào cản đối với rất nhiều nước đang phát triển vốn xem xuất khẩu nông sản là đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Việt Nam “đi tắt đón đầu” nhờ lợi thế đi sau bằng cách du nhập, thử nghiệm, cải thiện và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật (KHKT) hiện đại của thế giới để xây dựng một nền nông nghiệp thích hợp. Nếu như năm 1995, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm sản chỉ có 1, 3 tỷ USD thì năm 2006 đã đạt hơn 7 tỷ USD. Nhưng trong quá trình phát triển, nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ những lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng sản phẩm và khâu an toàn vệ sinh, đặc biệt là tay nghề của nông dân - thành phần sản xuất chủ lực chưa được nâng cao ngang tầm với một nước mạnh về xuất khẩu nông sản. Tính bền vững trong nông nghiệp rất bấp bênh vì nông dân chưa thật sự có trình độ cao để đưa chất xám vào sản xuất.

Trong bối cảnh trên, việc gia nhập WTO vừa mang đến cho nông nghiệp Việt Nam triển vọng về một sân chơi khổng lồ, đồng thời cũng bắt buộc người sản xuất phải đối diện ngay với 4 luật chơi cực kỳ khó khăn. Đó là khẩn trương xây dựng quy trình nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices); tập trung sản xuất hàng hoá lớn; có chất lượng cao, bổ dưỡng và giá rẻ để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản. Trong những thách thức này, quy trình nông nghiệp an toàn GAP là chìa khoá thành công cho ngành trái cây, rau quả và hoa.

 

Khẩn trương xây dựng quy trình Việt GAP

 

TS. Vọng cho rằng, trong bốn luật chơi kể trên, cái khó nhất cho nông nghiệp Việt Nam hiện nay là quy trình nông nghiệp an toàn GAP. Một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Xingapo tuy có biên soạn quy trình GAP cho mình, nhưng việc xuất khẩu trái cây, rau quả và hoa của họ vẫn không thuận lợi hơn vì những quy trình này không đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Để có sự đồng thuận của các thị trường ôn đới, ASEAN đã yêu cầu chính phủ Ôxtrâylia biên soạn một quy trình nông nghiệp an toàn GAP cho ASEAN, gọi là ASEAN GAP. Sau 2 năm triển khai, ASEAN GAP đã được công bố vào trung tuần tháng 11 năm 2006, trở thành quy trình GAP chính thức cho các nước thành viên ASEAN.

Là bốn nước gia nhập tổ chức ASEAN muộn nhất, Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam cũng đã quan tâm đến an toàn thực phẩm nhưng chưa nước nào có quy trình GAP cho riêng mình. Các chương trình tập huấn về GAP, dự án GAP cho cây thanh long... do Ôxtrâylia, Canađa và các nước khác tài trợ gần đây chỉ là những chương trình nhỏ lẻ, chưa phải là chu trình an toàn có tính quy mô toàn ngành. Cho nên, nếu không xây dựng ngay chương trình Việt Nam GAP (gọi tắt là Việt GAP) thì làm sao nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu, kể cả cạnh tranh với hàng ngoại ngay ở thị trường trong nước?

Cam kết khi gia nhập WTO không cho phép Chính phủ Việt Nam trợ cấp xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ được phép trợ cấp khuyến nông và phục vụ phát triển nông nghiệp. Vậy thì để xây dựng chiến lược phát triển mạnh ngành trái cây, rau quả và hoa, việc trước mắt là nhanh chóng hoàn thành quy trình nông nghiệp an toàn Việt GAP và dấy lên phong trào tập huấn Việt GAP đều khắp cho nông dân mới là cách trợ cấp hiệu quả nhất để giúp nông dân tham gia vào cuộc chơi hào hứng nhưng đầy bất trắc, rủi ro.

 

Ông Joseph Ekman - Chuyên viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Ôxtrâylia

 

Chương trình GAP của Việt Nam trước tiên phải tập trung về an toàn thực phẩm bởi đây là mối quan tâm hàng đầu của kỹ nghệ thực phẩm quốc tế. Hầu hết các chương trình quốc tế được thiết lập trước tiên là về an toàn thực phẩm, rồi mới thêm các mô hình khác tuỳ theo sự đòi hỏi của khách hàng. Chương trình an toàn thực phẩm GAP của Việt Nam có lẽ nên dựa trên mô hình GAP của ASEAN để bảo đảm rằng nó phù hợp với các chương trình liên vùng và quốc tế về an toàn thực phẩm.

 

GS - TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang

 

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc để xúc tiến xây dựng quy trình GAP Việt Nam. Nông dân và doanh nghiệp hãy sát cánh cùng với chính quyền để thực hiện bằng được quy trình này vì đây chính là yếu tố sống còn của nông, thủy sản Việt Nam trong thời hội nhập.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây