Nước sạch lại đòi tăng giá với mức gây sốc
- Thứ bảy - 12/05/2012 06:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh hoạ
Sau một thời gian dài dư luận ca thán về chất lượng nước sạch tại Thủ đô, mới đây, công ty nước sạch một lần nữa dội “gáo nước lạnh” vào người dân khi phát đi thông điệp đòi tăng giá. Lý giải về đề xuất này, ông Nguyễn Như Hải, tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, hiện nay, tất cả các chi phí đầu vào đều tăng trong khi giá nước vẫn giậm chân tại chỗ gây ảnh hưởng đến doanh thu của công ty.
Doanh nghiệp nhấp nhổm đòi tăng giá nước sạch.
Theo lời ông Hải, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2012, Công ty đã bị lỗ 32 tỷ đồng, thu nhập của công nhân giảm sút (từ 5 triệu/tháng năm 2011 xuống còn 4,2 triệu/tháng).
Trước thông tin trên, nhiều người cho rằng, khi mọi mặt hàng thiết yếu đều bước vào cuộc đua tăng giá thì đề xuất này chẳng khác gì “té nước theo mưa”. Với chất lượng phục vụ kiểu “một chăng hai chớ” như hiện nay, việc tăng giá nước liệu có công bằng.
Không ít chuyên gia kinh tế lo ngại, mức tăng 30-35% sẽ gây một “cú sốc tinh thần”, điệp khúc “trăm dâu đổ đầu dân” sẽ tiếp tục lặp lại.
Hàng tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (Cầu Giấy) tiêu thụ hơn 40 mét khối nước (khoảng 160.000 đồng/tháng). Với mức tăng như đề xuất, hàng tháng tiền nước của gia đình ông Tiến sẽ “đội” thêm 56.000 đồng. “Mức tăng như thế là quá cao trong thời buổi khó khăn như hiện nay. Tôi hi vọng các cơ quan chức năng xem xét một mức hợp lý hơn để người dân đỡ khổ”, ông Tiến chia sẻ.
Anh Vũ Văn Phong (Thanh Xuân) lại cho rằng: “Tăng giá mà có nước sạch đầy đủ thì tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ sợ tăng giá rồi thỉnh thoảng lại có một vụ vỡ đường ống, mất nước 5 - 6 ngày như đợt vừa qua thì chẳng có ai đồng tình với chủ trương này”.
Được biết, đây là lần thứ 3 Công ty Nước sạch Hà Nội đề xuất tăng giá nước. Trước đó, cuối năm 2010 và năm 2011, công ty đã hai lần kiến nghị nhưng chưa được đồng ý. Đại diện công ty này cho biết, quá trình xây dựng mức giá mất rất nhiều thời gian. Trong lần tăng giá trước, công ty đề xuất tăng giá từ năm 2008 nhưng đến năm 2010 mới được phê duyệt. Lúc đó, mức giá đã lạc hậu với chi phí thực tế.
Trao đổi với Người đưa tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Cơ sở tăng giá nước được minh bạch, người dân sẽ dễ chấp nhận hơn. Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, khách hàng sẵn sàng chia sẻ nhưng nếu họ tận dụng cơn lốc tăng giá để “chuộc lợi” thì không thể chấp nhận”.
Theo ông Hùng, từ trước đến giờ, luôn tồn tại nghịch lý, giá tăng thì bắt người dân gánh, đến khi giảm chẳng thấy người dân được lợi. Vẫn biết rằng giá thành tác động mạnh đến chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến lỗ lãi kinh doanh.
Song lợi ích của doanh nghiệp và người dân đều phải hài hòa chứ không nên “bênh vực” một bên. Không thể vin vào cớ muốn chất lượng tốt phải tăng giá. Biết đâu, sau doanh nghiệp lại “giở quẻ”, liên tục đẩy giá với lý do “chạy” theo chất lượng thì người dân biết kêu ai.
Chỉ nên tăng dần dần
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận định, thời điểm “nhạy cảm” này, tăng giá bất cứ mặt hàng thiết yếu nào cũng gây bất lợi về mặt tâm lý. Người dân sẽ cảm thấy bất an và cho rằng Nhà nước không “thấu hiểu”, đồng cảm với khó khăn của họ. Đó là chưa kể các doanh nghiệp sẽ “sống dở chết dở” bởi họ tiêu thụ lượng nước còn nhiều gấp hàng chục lần”.
TS Phạm Chi Lan thừa nhận: “Giá nước sạch của ta hiện nay còn thấp, Nhà nước vẫn phải bao cấp. Tôi đồng tình với việc điều chỉnh giá nước tuy nhiên phải có lộ trình tăng dần. Mức 35% là mức quá cao. Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cũng cần giải trình về mức tăng này”.
Chất lượng phập phù
Trước đó, sáng ngày 4/2, đường ống dẫn nước từ Hòa Bình về Thủ đô đã bị vỡ trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Sự cố nghiêm trọng này đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của 40.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Người dân phải sống trong tình cảnh không có nước sạch để dùng trong vòng 6 ngày.
Theo NDT