Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Ở Việt Nam đầu tư vào đâu lãi nhất?

Minh họa

Minh họa

Hiện nay việc đầu tư bảo vệ bờ biển, cửa sông là lãi nhất. Không phải một vốn bốn lời mà… 100 lời. Bởi nếu chúng ta không quan tâm đến lĩnh vực này ngay từ bây giờ thì đến đời con của chúng ta phải trả giá rất đắt.
Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn môi trường biển thuộc Viện Cơ học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
 
TS cho biết rằng, vùng ven bờ biển cũng là khu vực hứng chịu trực tiếp các hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua mực nước biển dâng. Nước biển dâng có thể dẫn đến những hậu quả rất lớn đối với sinh kế và sự thịnh vượng của cư dân ở những vùng này. Những vùng đất có giá trị cao có thể sẽ bị mất. Các đầm tôm, cua có thể bị di dời và các ngư trường ven biển có thể chịu thiệt hại. Những vùng không ngập mặn thường xuyên ở khu vực lân cận có thể bị ảnh hưởng và không còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. 
 
Sự đa dạng của các hệ động thực vật ven biển Việt Nam có thể bị suy giảm và một số môi trường sống đặc thù có thể biến mất. Rừng ngập mặn -  hệ sinh thái quan trọng ở vùng đất thấp – có thể bị giảm về quy mô hoặc hoàn toàn biến mất. Các vùng đầm lầy ở các vùng cửa sông hình phễu, những nơi trú ngụ của các loài chim sẽ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng. 
 
Xói ở nơi cần bồi, bồi ở nơi cần vét
 
 Bờ biển bị sạt lở
 
Trong những năm gần đây quá trình xói lở ở bờ biển nước ta phát triển mạnh và gây nhiều hậu quả xấu đối với cuộc sống của nhân dân ven biển. Nhiều nhà cửa, các công trình phúc lợi xã hội công cộng bị tàn phá và nhiều đất đai hoa màu bị thu hẹp lại. Những vũng bờ xói lở mạnh, điển hình như Cát Hải (Hải Phòng), Văn Lý, Hải Triều, Hải Hậu (Nam Định), Ngư Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa), Cảnh Dương (Quảng Bình), Phan Rí (Bình Thuận), Cần Thạnh (tp Hồ Chí Minh), Gò Công Đông (Tiền Giang), Hồ Tàu, Đông Hải (Trà Vinh), Cửa Tranh Đề (Sóc Trăng), Ngọc Hiền (Bạc Liêu)…
 
Hiện trạng xói lở bờ biển đang diễn ra ở hầu hết dải ven biển Việt Nam. Mức độ phát triển và thời gian xảy ra không đồng nhất, liên quan chặt chẽ với địa hình đường bờ, cấu tạo địa chất đối bờ và vai trò tác động lực biển (sóng, dòng chảy, thủy triều, nước dâng do bão và gió mùa, lượng bùn cát được vận chuyển…). Các hiện tượng xói lở xảy ra và phát triển mạnh mẽ ở các đoạn bờ thẳng hoặc hơi lồi của hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.
 
Có thể chia thành 5 cấp xói lở: Ngắn (có độ dài đoạn bờ nhỏ hơn 200 m); Đáng kể (có độ dài đoạn bờ 200 – 1.000 m), Trung bình (có độ dài đoạn bờ 1.000 – 2.000 m); Lớn (có độ dài đoạn bờ 2.000 – 6.000 m); Rất lớn (có độ dài đoạn bờ >6.000 m).
 
Có thể chia thành 4 cấp tốc độ xói lở trung bình/năm: Chậm (nhỏ hơn 5 m/năm); Trung bình (5 – 10 m/năm); Nhanh (10 – 30 m/năm); Rất nhanh (>30 m/năm).
 
Mức độ xói lở được phân cấp theo thời gian 10 - 12 năm: Đến năm 1940 có 14  đoạn xói lở; Đến năm 1950 có 81  đoạn xói lở; Đến năm 1962 có 92  đoạn xói lở; Đến năm 1970 có 129 đoạn xói lở; Đến năm 1980 có 198 đoạn xói lở; Đến năm 1992 có 244 đoạn xói lở. Hiện tượng xói lở bờ tăng dần từ năm 1930 cho đến nay.
 
Đặc điểm quan trọng nhất đối với bờ châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long là quá trình bồi tụ lấn biển rất mạnh và kéo dài liên tục, tốc độ nhanh (trung bình 80 m/năm). Tiêu biểu nhất là những khu vực bồi tụ của Ba Lạt, cửa Đáy ở phía Bắc, cửa Định Anh và vùng Tây mũi Cà Mau ở phía Nam. Tổng diện tích bồi tụ từ năm 1965 – 1995 là 33.000 ha. Nguyên nhân chính là do lượng phù sa rất lớn từ các sông đổ ra, lắng đọng và phân bố dọc vùng ven bờ. 
 
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, biến động bờ biển, cửa sông ở Việt Nam thuộc loại phong phú trên thế giới vì chúng ta có đủ các loại bờ biển, cửa sông. Ngoài ra, các điều kiện thời tiết nguy hiểm như bão, lũ là một trong những tác động gây ra sự biến động rất lớn. 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, một cơn bão có thể gây ra sự biến động bờ biển tương ứng với 20 năm tác động của các điều kiện thời tiết bình thường. Bên cạnh đó còn có một quy luật là tác động của bão lên các vùng bờ biển, cửa sông mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào các đặc điểm chế độ động lực của khu vực. Một cơn bão như bão số 5 (Linda, năm 1997) nếu tác động đến vùng bờ biển miền Trung thì chắc chắn sẽ không gây ra sự tàn phá ghê gớm như nó đã đổ bộ vào vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long và ven bờ biển Tây Nam Việt Nam, là một vùng bờ có động lực sóng yếu, bờ biển, bãi biển chủ yếu là cát mịn, bùn, sinh lầy.
 
Theo Trần Quang Vinh
Nguồn Tầm nhìn net
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây