Ô hô, tăng lương à?
- Chủ nhật - 15/04/2012 19:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Mới nghe tin lương tối thiểu chung sẽ tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng vào tháng 1-5 tới, anh bạn tôi làm công chức ở một sở của TPHCM bật cười ha hả: “Ô hô, tăng lương à? Nói bù trượt giá thì đúng hơn chớ tăng cái gì mà tăng?”.
Tôi lại cãi: “Bù đâu mà bù vì cái CPI tháng rồi tăng có chút xíu thôi mà, trong khi lương tối thiểu tăng tới hai mươi mấy phần trăm?”. Anh bạn tôi thở dài: “Thì bởi những người tính lương tối thiểu đang sống trên mây. Đừng có nói với tui là lương này còn nhân với hệ số này nọ nghen. Còn nếu muốn nói thì về học lại cái định nghĩa lương tối thiểu đi”.
Ai dám nói những cán bộ, công chức, viên chức này được "bảo đảm mức sống tối thiểu và tích lũy..." với tiền lương 1.050.000 đồng?
Bực mình vì cái “trình độ dân trí” của mình bị chê bai, tôi về tìm nát nước, cuối cùng cũng lôi ra được cái định nghĩa về lương tối thiểu trong hệ thống pháp luật của nước mình. Quy định đó là như vầy: “Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác… Khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế”.
Cái điều luật này soạn thảo từ năm 1994, quy định 3 khái niệm gồm: lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng và lương tối thiểu ngành. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì chỉ mới thực hiện được 2 thứ, đó là lương tối thiểu chung và lương tối thiểu vùng. Nói nôm na cho dễ hiểu, lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn lương tối thiểu vùng thì để xài cho khu vực sản xuất kinh doanh.
Tôi đem cái định nghĩa lương tối thiểu và mức lương tối thiểu chung được áp dụng từ ngày 1-5 tới hỏi thử mấy người quen đang làm việc ở “khu vực hưởng lương từ ngân sách” xem họ có “bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng” không thì ai cũng cười hì hì và bảo: “Hoang đường!”. 10 người được hỏi thì hết cả 10 đều cho rằng quy định mức lương tối thiểu như vậy là quá lạc hậu, hoàn toàn không có tác dụng khuyến khích các đối tượng được hưởng thụ làm việc hết khả năng của mình để phục vụ xã hội.
Câu hỏi đặt ra là, căn cứ vào đâu mà những người làm chính sách quy định mức chi phí để “bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng” ở thời điểm 1-5-2012 là 1.050.000 đồng? Một cán bộ từng làm ở cơ quan thống kê nói vui: “Mức lương ấy thì chỉ đủ để tồn tại, để sống ngáp ngáp thôi chớ làm sao mà đủ và còn tích lũy để tái tạo sức lao động mở rộng?”.
Vị cán bộ ấy làm một bài tính đơn giản trong vòng 30 giây đã cho ra kết quả: Chi phí tối thiểu để bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho 1 người tại TPHCM hiện nay phải là 3 triệu đồng. Chi phí ấy chỉ dành cho những nhu cầu cơ bản nhất là ăn, ở, đi lại, đau yếu, bệnh tật… Hoàn toàn không có chi phí cho hưởng thụ văn hóa tinh thần như vui chơi, giải trí, du lịch đó đây hoặc học hành để mở mang kiến thức nhằm tìm cơ hội việc làm tốt hơn.
Từ bài tính ấy, có thể nói, nếu phải sống theo khái niệm lương tối thiểu và quy định lương tối thiểu hiện nay (1.050.000 đồng) thì con người đã có “mức sống âm”, tức là tự ăn vào chính bản thân mình để sống!
Điều bất hợp lý thứ hai thể hiện rất rõ trong câu nói của chị thư ký ở văn phòng một sở nọ tại TPHCM: “Đứa em tui làm việc ở công ty, lương tối thiểu của nó là 2 triệu đồng; còn lương tối thiểu của tui thì chỉ có 1.050.000 đồng dù tui ăn, ở, chi phí “tối thiểu” còn nhiều hơn nó”.
Chuyện đã rõ như ban ngày. Lương tối thiểu không bảo đảm mức sống tối thiểu. Thế nhưng lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và những người “hưởng lương từ ngân sách Nhà nước” vẫn sống khỏe; thậm chí còn phải chen chân để có một chỗ trong khu vực ấy. Vậy thì, chắc chắn họ phải có một nguồn thu nhập nào đó ngoài lương để bù đắp vào khoản mà ngân sách chi không đủ?
Câu hỏi này xin dành cho những người làm chính sách vĩ mô! Chỉ có điều là, nếu cứ làm chính sách tụt hậu như thế thì mãi mãi người ta vẫn cứ đổ thừa để làm chuyện tiêu cực…
Và cái chuyện “tinh giản biên chế” mãi vẫn chỉ là một “chủ trương đẹp” bởi khi đi vào thực tế thì càng tinh giản, càng phình ra và ngân sách không kham nổi việc lương bổng cho một bộ máy “đông mà không tinh”.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, từ năm 2003 đến nay, mức lương tối thiểu chung đã điều chỉnh 7 lần từ 210.000 đồng /tháng lên 830.000 đồng/tháng. Mức điều chỉnh này cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 142,27% và mức tăng GDP là 85,9%. Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận: Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung chủ yếu dựa trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức; mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp nhiều khó khăn... |
Theo NLD