Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Sống trong sợ hãi

Minh họa

Minh họa

Việc khai thác đá ở chân núi Phụng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Hàng trăm ngôi nhà bị nứt tường, thủng mái. Những vườn mãng cầu sum suê, trĩu quả năm nào giờ không còn nữa, thay vào đó là vườn hoang hoặc nếu còn thì năng suất đã giảm đi một nửa.

CÓ NHÀ MÀ KHÔNG DÁM Ở

Ngay từ tỉnh lộ 785 nhìn về chân núi Phụng, nơi có 5 doanh nghiệp đang khai thác đá, ở khoảng cách chừng 3 cây số đường chim bay, chúng tôi đã thấy một mảng chân núi loang lổ, xen lẫn màu xanh của cây rừng là những mảng đất đá trơ trụi. Bầu không khí phía trên đặc quánh một màu xám u ám.

Rẽ vào đường liên xã Khe Đol - Suối Đá chạy quanh chân núi Bà, cảnh tượng càng thê thảm hơn. Theo chỉ dẫn của anh Nguyễn Thành Trung, ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân (thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh), chúng tôi đi vào con đường đất nhỏ bụi mù, cây cối hai bên đường từ màu xanh chuyển sang vàng quạch bởi lớp bụi đóng lâu ngày. Đây là đường dẫn vào “địa phận” khai thác đá của các Cty Đất Việt, Quyết Thắng và Thắng Lợi, đồng thời cũng là đường giao thông của ấp Thạnh Đông. Căn nhà anh Trung nằm sát bên mỏ đá của Cty Thắng Lợi với một giàn máy xay hoành tráng chạy ầm ầm suốt ngày. Bầu không khí xung quanh lúc nào cũng mịt mù bụi đá. Trong nhà anh Trung, từ vật dụng đến cây cối trong vườn luôn được phủ lớp bụi dày.


Lớp bụi đá đóng dày trên thùng nước nhà anh Trung

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn mãng cầu chỉ cách mỏ đá một hàng rào kẽm gai, anh Trung nói: “Rảnh lúc nào là tôi dồn hết vào việc lau chùi, quét bụi. Nhưng bực nhất là từ 2 năm nay, tôi phải “sơ tán” 2 đứa con ra nhà bà ngoại sống vì sợ ô nhiễm và tiếng ồn chúng không học được. Cũng từ đó, tôi không có nhiều thời gian gần gũi, kèm cặp tụi nhỏ. Vợ tôi cũng không thích ở đây, thành ra tình cảm vợ chồng, cha con cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”. Anh Đoàn Hoài Linh, ở sát nhà anh Trung cũng nói: “Xóm này bây giờ chỉ có đàn ông và mấy ông bà già thôi chứ không có trẻ em, phụ nữ nữa. Vợ tôi vừa sinh cháu, nhưng cũng đã ra nhà ngoại ở từ lâu. Ô nhiễm thế này làm sao dám cho con ở”.

Ghé vào nhà ông Nguyễn Văn Ngoan, sát bên mỏ đá Quyết Thắng. Ông Ngoan cho biết: “Trước khi có mấy mỏ đá này, năng suất mãng cầu của tôi bình quân 10 tấn/ha. Bây giờ chỉ còn một nửa. Nguyên nhân là do bụi đá bám làm hoa không thụ phấn được. Đất trong vườn bị bụi đá xâm lấn làm chai cứng nên tiền đầu tư cũng tăng lên gấp rưỡi”.


Ông Nguyễn Văn Ngoan: “Đá cỡ này văng trúng thì trâu còn chết chứ đừng nói người hay cây”

Chỉ vào một cục đá xanh cỡ đầu gối nằm dưới gốc cây, ông Ngoan nói tiếp: “Cục đá cỡ này mà quất dzô thì cây nào chịu thấu?”. Cách nhà ông Ngoan không xa, mảnh vườn 2 ha trồng chuối, mãng cầu, xoài của hộ ông Nguyễn Thế Truyền cũng hư hỏng nặng. Dẫn tôi ra khu đất gần 1 ha nằm ngay phía dưới khu vực khai thác đá, ông Truyền xót xa: “Lúc trước mảnh vườn này mỗi năm tôi thu cả trăm triệu tiền mãng cầu, từ khi họ về khai thác đá, cây cứ bị phạt ngang, gãy đổ dần dần, năng suất thì giảm một nửa vì đất đá văng, bụi bám hoa. Bây giờ đất là vàng, vậy mà phải bỏ hoang thế này, còn nỗi đau nào hơn?”.

"CHÍNH QUYỀN IM RE"

Những người dân sống dưới chân núi Phụng đang phải hàng ngày hít thở bầu không khí vẩn đục với đủ thứ bệnh về hô hấp, chứng kiến vườn cây trái ngày một tiêu điều hơn. Còn những căn nhà của họ đều chung số phận là mỗi ngày hứng chịu vài trận mưa đá khiến mái tôn thủng lỗ chỗ như tổ ong.


Mái tôn bị đá văng thủng

Ông Nguyễn Thế Truyền bảo: “Mỗi lần họ nổ mìn là đá bắn tứ tung, xa cả cây số. Chỉ cần một viên bằng nắm tay văng trúng đầu thôi là coi như tiêu đời. Thời gian đầu, những cục đá cỡ 5-7 ký văng xuống mái tôn rầm rầm làm vợ chồng tôi đứng tim. Tôi đến khiếu nại với Cty thì họ cũng xuống kiểm tra, rồi mua tấm tôn khác thay. Được một lần, sau đó kêu khản cổ cũng chẳng ai đoái hoài. Trời mưa, dột, tôi chịu không thấu nên phải tự vá víu lỗ thủng lại. Nhưng ngày nào họ cũng nổ mìn, đá văng thế này, sớm muộn gì chúng tôi cũng phải sống trong cảnh “màn trời” mà thôi”.

Ngoài sân, vườn nhà ông Truyền, những viên đá xanh lớn nhỏ đủ cỡ nằm la liệt. Chỉ đoạn đường dài chừng 50 mét từ sân nhà ra đường, bà Diệu, vợ ông Truyền bảo: “Ông nhà tôi chỉ gom những cục đá văng quanh nhà thôi mà rải được cả con đường bằng đá rất chắc chắn như vầy”.


Ông Nguyễn Thế Truyền trước mảnh vườn bị mỏ đá “sát hại” phải bỏ hoang

Còn căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngoan, dù mới xây từ năm 2008, nhưng nay tường đã nứt chằng chịt. Mái tôn dập nát, đứng dưới cũng nhìn thấy bầu trời qua những lỗ thủng to bằng nắm tay. Ái ngại trước cảnh 2 vợ chồng già sống giữa “vùng động đất”, tôi hỏi: “Sao hai bác không bán quách chỗ này đi rồi kiếm chỗ khác ở cho yên thân?”, bà Võ Thị Căn, vợ ông Ngoan, thở dài: “Vợ chồng tui già rồi, sao làm lại từ đầu được. Mà bán đất này cũng chẳng ai mua. Mình ở quen còn chịu không thấu nói chi người khác”.



Nhà dân bị nứt hàng loạt 

 

Việc nứt nhà dân, thiệt hại cây trồng từ khai thác đá là có. Chúng tôi đã làm việc với doanh nghiệp, sau đó họ cũng đã thỏa thuận bồi thường cho bà con rồi mà? Chúng tôi chỉ khuyến cáo các doanh nghiệp phải tuân thủ các biện pháp an toàn khai thác đá, hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến dân chứ không thể đề xuất việc cấm khai thác được vì nhu cầu đá xây dựng trong tỉnh rất lớn, ông Lâm Hoàng Trong, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh.

Tại ngã ba Khe Đol, dù cách khu vực nổ mìn chừng 2 cây số, nhưng hầu hết những căn nhà xây của người dân đều bị nứt, có vết nứt hở toác như vừa trải qua một cơn động đất. Quả thật, mỗi lần mìn nổ, căn nhà giật rung bần bật như chúng tôi vừa chứng kiến như vậy thì có khác gì động đất! 

"Chúng tôi đã gửi cả trăm lá đơn khiếu nại, phản đối việc khai thác đá rồi, nhưng chính quyền im re. Mấy chú vào nhà mà xem, tường nhà nào cũng nứt ngang dọc. Mấy Cty bảo nứt không phải do nổ mìn mà do nhà chúng tôi chất lượng kém! Chẳng lẽ cả trăm căn nhà ở đây đều kém chất lượng? Kém chất lượng sao những nhà xây cách đây chục năm không nứt mà phải đợi đến khi họ nổ mìn mới nứt?”, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ấp Thạnh Đông nói.

Theo quan sát của chúng tôi, đa số nhà bị nứt là nhà cấp 4. Tuy nhiên, căn nhà đúc xây theo kiểu biệt thự của bác sĩ Thanh Điền ở đây cũng chung số phận với rất nhiều vết nứt. Ông Trần Lê, năm nay 82 tuổi, một cựu chiến binh từng trải qua 2 cuộc kháng chiến, khẳng định: “Ở đây cách khu vực nổ mìn khoảng 2 cây số tính theo đường chim bay. Vậy mà nhà nào cũng nứt, mỗi lần họ nổ, ngồi đây mà nhà rung như động đất. Như vậy, ít nhất mỗi khối thuốc nổ của họ cũng phải 5 - 7 trăm ký mới tạo độ rung, dư chấn xa như thế”. Căn nhà ở Khe Đol của ông Lê mà chúng tôi ghé vào vừa xây xong. “Nhà cũ nứt quá nhiều, tôi sợ không an toàn nên phải đập đi xây lại”, ông Lê nói.

 

XÓA SỔ DI TÍCH LỊCH SỬ

Tại khu vực mỏ đá của Cty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Ninh đang khai thác, từng có một quần thể hang là nơi Liên đội 7 Anh hùng (thuộc Phòng Quân báo - Bộ Tư lệnh Miền) trấn giữ, chiến đấu ngoan cường, chặn bước tiến của giặc suốt từ năm 1962 đến 1975.

Căn cứ Liên đội 7 là một tài sản có giá trị lịch sử - văn hóa - tinh thần rất lớn, không chỉ của riêng Tây Ninh. Ngày xưa, hàng tấn bom B52 của Mỹ đã dội xuống khu vực hang mà không suy suyển được nó. Thực ra, hang chưa bị mất hoàn toàn, chỉ bị sập bên ngoài, làm biến dạng và mất lối vào, bên trong vẫn còn. Bây giờ giữ lại còn kịp dù có thể mất nhiều công sức hơn để tôn tạo, trùng tu, ông Nguyễn Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tây Ninh.
Theo Báo Nông Nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây