Sử dụng chế phẩm sinh học trong thâm canh cây cà phê
- Thứ sáu - 29/01/2016 16:59
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh Hoạ
Những năm trước, do chưa được chăm sóc chu đáo nên vườn cà phê hơn 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết ở làng Đăk Đe, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum còi cọc, chậm phát triển. Đã qua mấy vụ thu hoạch mà cành nhánh khẳng khiu, quả vừa thưa vừa bé, chẳng thể so bì với năng suất vườn cây của bà con trong vùng. Sau vụ thu hoạch năm 2012, song song với đầu tư phân bón, anh Quyết chọn dùng chế phẩm sinh học NPK Gap của Công ty Minh Phát. Loại chế phẩm sinh học này được dùng bằng cách pha loãng, phun trên lá và hòa vào nước, tưới trực tiếp vào gốc cây với liều lượng theo quy trình hướng dẫn. Trải qua mùa khô khắc nghiệt, sang đầu mùa mưa 2014, toàn bộ diện tích đã có dấu hiệu khởi sắc. Cà phê lá xanh, thân khỏe, cành vươn dài. Riêng khoản sử dụng phân hóa học đã giảm hẳn chi phí. Vụ thu hoạch năm 2014, năng suất vườn cây đã nâng từ chưa đầy 12 tấn quả tươi / ha những năm trước lên 16- 17 tấn quả tươi/ ha. Không chỉ yên tâm với bài toán năng suất trước mắt, điều đáng kể hơn là vườn cà phê cũ đã có dấu hiệu hồi phục, phát triển cành, nhánh ổn định, là điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh trưởng bền vữngnhững năm sau.
“Chế phẩm sinh học”, hiểu một cách đơn giản, là sản phẩm có chứa vi sinh vật sống, có tác dụng phát triển vật nuôi, cây trồng một cách hợp lý, bền vững, đồng thời lại thân thiện với môi trường, cải thiện sức khỏe con người. Theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, những năm gần đây, việc sử dụng chế phẩm sinh học trên cây trồng, nhất là cây cà phê đã được bà con nông dân của tỉnh Kon Tum thực hiện. Từ một vài mô hình thử nghiệm, mô hình khuyến nông, diện sử dụng chế phẩm sinh học từng bước đã được nhân rộng. Ông Nguyễn Duy Khương - Lão nông ở thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà có “thâm niên” trong nghề làm cà phê, nên từ nhiều năm trước, đạt năng suất trên 20 tấn quả tươi / ha vẫn là chuyện thường niên của gia đình ông. Chọn sử dụng chế phẩm sinh học của Công ty cổ phần Thanh Hà, năng suất cầm chắc 26-27 tấn quả tươi/ ha. Không chỉ thấy rõ hiệu quả năng suất, chất lượng vườn cây cũng được cải thiện đáng kể. Kết hợp với chế độ chăm sóc cà phê bằng phân chuồng, đất vẫn đảm bảo độ mùn, tơi xốp. Đáng kể, là trong giai đoạn thu hoạch, quả cà phê chín đều, thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà theo chủ trương của huyện. Gắn với yêu cầu xây dựng thương hiệu “Cà phê sạch” theo tiêu chuẩn UTZ, năm 2012, công ty TNHH MTV Cà phê 731 tiến hành thí điểm sử dụng sản phẩm Vườn sinh thái Rainbow. Từ kết quả ban đầu, đến nay, công ty đã sử dụng đại trà chế phẩm sinh học này trên 70% diện tích vườn cây cà phê của doanh nghiệp.Ông Nguyễn Thái Sơn, công nhân của công ty cho biết: Sau 2 năm sử dụng, vườn cây trên 30 năm tuổi của gia đình ông năm nào cũng cho năng suất cao và ổn định, quả chín đều, to và giảm đến 80% sâu bệnh hại. Đáng chú ý, việc sử dụng chế phẩm sinh học này còn giúp bảo vệ sức khỏe, không độc hại như việc phun thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ...
Thực tế minh chứng sinh động cho hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học trên cây cà phê. Với những vườn cà phê có tuổi đời từ 20 năm trở lên, trong đó, tập trung nhiều tại huyện Đăk Hà, việc sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp, đúng cách càng cần thiết, đem đến sự hồi phục, tiếp tục sinh trưởng và phát triển, cho năng suất cao và ổn định của vườn cây. Hiện nay, trên thị trường có nhiều chế phẩm sinh học sử dụng cho cây cà phê. Lựa chọn và thích hợp với sản phẩm nào tùy thuộc vào thực tế của người sản xuất. Tuy vậy, trong cách sử dụng, bà con cần lưu ý nguyên tắc cơ bản, là sử dụng chế phẩm sinh học bằng phương pháp phun qua lá và tưới bón gốc ít nhất 3 lần/ 1 mùa vụ, tập trung vào các giai đoạn trước khi ra hoa, sau khi ra hoa và giai đoạn phát triển quả. Không nên phun vào giai đoạn cây cà phê đang trong quá trình thụ phấn./. Nguồn: Công TTĐT Kon Tum |