Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Sự thật SV “cởi quần cho khách đi vệ sinh” ở Singapore

Minh họa

Minh họa

Theo xác minh của PV Nguoiduatin, bản chất của sự việc khác với những lời lẽ trong thư của một số sinh viên gửi về Việt Nam.

Mấy ngày nay, câu chuyện về các sinh viên được cho là xuất sắc bậc nhất của trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) gửi thư về nhà trường than phiền việc mình “bị bóc lột” và “phân biệt đối xử” trong một kỳ thực tập tại đất nước Singapore đã làm nảy sinh nhiều tranh luận.

Các SV Ngoại Thương chụp ảnh lưu niệm tại sân bay Changi

Điều đáng nói ở chỗ, những “cô, cậu” đang là sinh viên năm thứ ba, thứ tư của ngôi trường đại học danh giá này đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều của cả người sống trong và ngoài nước.

Được biết, đầu tháng 2/2012, 48 sinh viên của ĐH Ngoại thương Hà Nội được đưa sang Singapore thực tập và làm việc một năm tại sân bay Changi (37 sinh viên) và chuỗi bán lẻ thời trang Wingtai (11 sinh viên).

Theo nhà trường, kế hoạch đó nằm trong khuôn khổ chương trình “Internship-Singapore 2012” do Ban Đào tạo Quốc tế ký kết với các đối tác Interisland đến từ quốc đảo sư tử. Tại đây, các sinh viên vừa có cơ hội thực tập trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp vừa được nhận những mức lương hấp dẫn...

Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, nhiều sinh viên đã gửi thư về trường phản ánh việc mình bị “bóc lột sức lao động”, “phân biệt đối xử” cùng các điều kiện làm việc, sinh hoạt không đảm bảo đúng cam kết.

Các sinh viên viết thư phản ánh đều đang làm tại SATS (công ty cung cấp dịch vụ mặt đất cho sân bay quốc tế Changi). Họ cho biết, công việc hàng ngày là đẩy xe lăn dành cho người khuyết tật, một số em thậm chí còn bị ép giúp khách cởi quần đi vệ sinh, và thường xuyên bị xếp ca làm từ 1h đến 9h sáng.

“Bọn em đến đây để trải nghiệm công việc, cuộc sống chứ không phải đến đây để làm việc đến kiệt sức rồi vài tiếng sau lại thức dậy, bắt đầu ăn uống và chuẩn bị đi làm”, một nữ sinh viên L.T với giọng trách cứ trong thư.

Cũng chung sự phẫn nộ trào dâng, sinh viên L.T.H “tố”: “Công việc phần lớn của chúng em ở đây là đi đẩy xe lăn… Công việc này rất mệt mỏi và nặng nhọc. Điều quan trọng là chúng em chưa từng nghĩ đó là công việc chính của mình ở đây. Thậm chí, tụi em còn buộc phải giúp khách cởi quần đi… vệ sinh”.

Tuy nhiên, theo xác minh của PV Người đưa tin, công việc thực sự của các SV Ngoại thương Hà Nội được bố trí không khủng khiếp như trong thư phản ánh. Công việc này có tên gọi là dịch vụ đặc biệt (special service), là một mắt xích nhỏ nhưng rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống “dịch vụ mặt đất” của sân bay Changi.

Dịch vụ này nhằm hỗ trợ cho các hành khách quá cảnh hay lần đầu đến Singapore còn nhiều ngỡ ngàng, những người không nói được tiếng Anh, trẻ em dưới 18 tuổi đi một mình… và đẩy xe lăn cho những người khó đi lại. Tuy nhiên, những người làm công việc này có thể phải làm ca đêm bởi sân bay luôn là nơi tấp lập 24/24h, nhất là một sân bay lớn như Changi.

Cũng theo một tìm hiểu của PV, trong bản hợp đồng được công ty Inter Island đưa ra ký kết với SV Ngoại Thương Hà Nội có những điều khoản cam kết là rất rõ ràng.

Cụ thể SV sẽ được hưởng tổng cộng 520 SGD (tương đương 8.800.000đ) cho mỗi tháng làm việc, làm không quá 44 giờ/ tuần và nếu làm thêm sẽ hưởng lương thêm giờ theo đúng quy định của luật pháp Singapore.

Mọi việc rõ ràng là thế, nhưng không hiểu vì lý do gì, các sinh viên vốn được tiếng là rất giỏi ngoại ngữ lại có rất vẻ mơ hồ. Điều đó dẫn đến việc nhiều sinh viên có “cảm giác như bị lừa” khi đặt chân đến Quốc đảo sư tử.   

Bệnh cậu ấm cô chiêu

Chị Vi Phương - một Việt kiều tại Singapore tỏ ra khá thất vọng với những “lùm xùm” không đáng có của các sinh viên Việt Nam trên xứ người.

Trao đổi với PV Người đưa tin, chị Phương nói: “Ở những xã hội văn minh, việc giúp đỡ người già, người tàn tật đi lại hay thậm chí giúp họ đi toilet là hoàn toàn bình thường. Sinh viên bản xứ đi làm rất nhiều, và chẳng bao giờ phàn nàn chuyện đó. Bản thân sân bay Changi rất hiện đại, có nhiều toilet dành riêng người tàn tật với vị trí đi lại dễ dàng cùng thiết kế thuận lợi.

Theo tôi các “cậu ấm cô chiêu” này thể trạng yếu, lại vốn sẵn ảo tưởng vào tương lai màu hồng cũng như quen lề thói làm việc như ở nước ta nên đã bị shock là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, làm ầm ĩ như vậy là không nên chút nào, rất mất thể diện. Tôi cũng đang chờ xem báo chí Singapore vài ngày tới sẽ phản hồi lại sự việc này như thế nào”.

Các đã sinh viên biết rõ nội dung công việc

Trao đổi với PV, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Châu cho biết: Toàn bộ thông tin về chương trình thực tập đã được nhà trường thông báo đến SV và các em SV hoàn toàn tự nguyện tham dự.

Đặc biệt, việc này lại được chính nhà tuyển dụng, thông báo nên không thể có chuyện các em không biết về công việc mình phải làm. “Thậm chí hợp đồng còn được cả phụ huynh ký xác nhận vào”, thầy Châu cho biết.

Những người than vãn chỉ là thiểu số

Ông Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Đây chỉ là phản hồi bức xúc của 3/38 em SV đang làm việc tại công ty dịch vụ hàng không ở Singapore. Nhận được phản hồi bức xúc của một số sinh viên, phòng đã có trả lời cụ thể với từng trường hợp. Sau đó các em có trả lời lại. Việc làm thủ tục để các SV về nước không có gì khó. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, gần 50  SV đi thực tập tại Singapore đợt I chưa có em nào đề nghị muốn được về nước”.
Theo NLD
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây