TRƯỚC THÔNG TIN CÀ PHÊ “BẨN” Ở MỘT SỐ CƠ SỞ SẢN XUẤT TẠI TP. HỒ CHÍ MINH: CHUYỆN CỦA NGƯỜI, VIỆC CỦA MÌNH
- Thứ bảy - 18/08/2012 23:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh Họa
Quản lý chặt chất lượng để bảo đảm thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.(Ảnh minh họa) |
Theo kết quả kiểm tra ở các cơ sở trên, “bí quyết” giúp cà phê “dởm” thơm ngon như là tẩm hóa chất vào bột đậu nành để chế biến cà phê bột, thêm bột bắp, bỏ ký ninh tăng độ đắng... Để sản xuất ra một ki-lô-gram cà phê bột cũng phải mất khoảng 100 nghìn đồng, bao gồm: chi phí nhân công, sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác. Ấy vậy mà trung bình giá cà phê bột trên thị trường khoảng 60.000 đồng/kg kể cũng giật mình về chất lượng! Điều đáng chú ý là từ trước đến nay mấy ai quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu pha chế tại các quán cà phê được lấy từ đâu. Đó chính là kẽ hở để những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ lẻ thậm chí không tên tuổi có “đất sống”. Kéo theo đó phần trăm khiêm tốn là cà phê, còn lại là hóa chất, chất tạo hương, tạo mùi cà phê, bột bắp, đậu nành trong mỗi ký cà phê là dễ hiểu.
Đón nhận thông tin này, một số chủ cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tỏ ra khá e ngại. Thương nhân Quách Thị Miên, chủ cơ sở chế biến cà phê bột Thanh Bảo (32 Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột) bức xúc: Cơ sở sản xuất của bà được thành lập đã trên 40 năm. Trong suốt quá trình hành nghề, bà thận trọng để bảo đảm độ nguyên chất của cà phê bột và giữ vững chữ tín trên thương trường. Không ít người đến thuê bà rang xay, chế biến, pha trộn theo yêu cầu và cả mua vỏ bao bì của cơ sở Thanh Bảo nhưng bà cương quyết không làm. Vừa rồi trước một số thông tin cà phê kém chất lượng ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng có khách hàng quen hỏi cà phê Thanh Bảo có pha trộn thêm nhiều không (chuyện trước đây bà chưa từng gặp). Bà Miên mong muốn cần có sự kiểm soát chặt chẽ để những người sản xuất cà phê chân chính không chịu thiệt thòi, mà thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột thứ thiệt cũng không bị ảnh hưởng. Đồng tình quan điểm này, ông Phan Hùng Anh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh - một trong số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn tại Dak Lak cho rằng, cần phải lên án mạnh mẽ cách làm ăn gian dối trong sản xuất cà phê, bởi tiếng xấu có thể sẽ nhanh chóng lan xa, gây hệ lụy đáng kể.
Còn về động thái của ngành chức năng, trong các ngày từ 30-7 đến 3-8, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Dak Lak đã thành lập đoàn kiểm tra giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm cà phê bột trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pak. Ông Trần Quốc Toàn, Phó Chi cục trưởng, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Quy trình trong sản xuất chế biến cà phê bột gồm: cà phê từ kho được đưa vào rang, phối trộn, xay, bao gói, kẹp chì, nhãn mác. Cơ sở chế biến phải bảo đảm các thủ tục cơ bản như: giấy kiểm tra sức khỏe định kỳ của người sản xuất, giấy chứng nhận tham gia tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; bao bì không được sử dụng bao bì tái chế. Tuy nhiên cùng đoàn kiểm tra đến một số cơ sở sản xuất chế biến cà phê bột trên địa bàn Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pak thì mới thấy lý thuyết là vậy nhưng thực tế vẫn có những cơ sở không đủ hoặc hết hạn một trong số các giấy tờ trên. Đặc biệt chẳng hiểu vô tình hay cố ý, một số xưởng chế biến của cơ sở đóng cửa tạm nghỉ hoạt động với lý do hàng bán chậm hoặc người quản lý đã xin nghỉ và cầm luôn chìa khóa nên không thể mở cửa để đoàn đến kiểm tra xưởng chế biến được như ở cơ sở chế biến cà phê bột Uy Tín có địa chỉ tại km 41, Quốc lộ 26. Tất nhiên đoàn kiểm tra đã lấy mẫu để phân tích chất lượng và kết quả còn phải chờ nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi nghi vấn về sự không rõ ràng khi đoàn kiểm tra muốn đến xưởng sản xuất, chủ cơ sở lại không có chìa khóa... Thêm nữa, thông tin trên bao bì của sản phẩm cà phê bột Uy Tín ghi rõ, cơ sở này có 3 văn phòng giao dịch là: 166 Nguyễn Văn Cừ (TP. Buôn Ma Thuột), 164/13A Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) và lô 77A Nam Cẩm Lệ (quận Hòa Vang, Đà Nẵng) nhưng khi được hỏi thì ngay cả chủ cơ sở là ông Nguyễn Quang Sỹ cũng cho biết đó là chỉ là cửa hàng bán nhỏ lẻ chứ chưa phải văn phòng giao dịch. Điều này đặt ra câu hỏi thông tin ghi trên bao bì xác thực đến đâu, trong khi đó là kênh chính để người tiêu dùng tìm hiểu và cũng luôn được ngành chức năng khuyến cáo: đọc kỹ thông tin sử dụng trước khi dùng, xem kỹ thông tin trên bao bì.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất thế giới. Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trở thành tài sản quốc gia. Dung túng cho những cách làm ăn gian dối, chất lượng cà phê không được quản lý chặt chẽ thì tài sản ấy bị đe dọa.
Theo Báo Đak Lak