Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Tăng giá điện để làm gì?

Minh họa

Minh họa

Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết chưa có đề xuất tăng giá điện nhưng thực tế thì ai cũng biết việc điều chỉnh giá điện để “giảm lỗ” cho ngành điện chỉ là vấn đề thời gian.

Có thật EVN lỗ vì giá điện thấp?

Năm 2011, EVN lỗ 3.500 tỉ đồng, ít hơn nhiều so với mức lỗ 8.416 tỉ của năm 2010, chưa tính vào đó mức lỗ 15.000 tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá năm 2010 còn “treo” lại chưa hạch toán. Thêm vào đó, EVN còn nợ tiền mua điện từ tập đoàn Dầu khí và tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản năm 2011 là 11.000 tỉ đồng. Những con số trên cho thấy, áp lực tăng giá điện từ EVN là thường trực, cho dù mỗi lần tăng phải qua nhiều bước thẩm định của các cơ quan chức năng liên quan.

Từ nhiều quyết định của cấp thẩm quyền, giá bán điện theo thị trường đã từng bước được điều chỉnh theo lộ trình, dù các cơ quan chức năng cho rằng chưa phản ánh hết được biến động của chi phí “đầu vào”. Hay nói như bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính trước đây thì “trong mỗi lần điều chỉnh giá điện đều lấy mục tiêu giảm lỗ và yêu cầu ổn định thu nhập cho các đối tượng sử dụng điện là hàng đầu”. Trong khi đó, mục tiêu quan trọng hơn là tăng giá điện để dần hướng đến tăng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất điện thì chưa lần nào được đặt ra nghiêm túc.

Sở dĩ đặt vấn đề như vậy là vì thị trường phát điện cạnh tranh sẽ chính thức hoạt động từ quí 3 năm nay sau gần một năm vận hành thí điểm. Nhưng các nhà máy phát điện, nhất là các nhà đầu tư độc lập (IPPs) đến nay chỉ được nới thêm một bước là tham gia chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh. Trong khi đó, cái khó lớn nhất của họ là các hợp đồng ký với EVN đều có khoản ràng buộc đến 40 năm không điều chỉnh giá bán. Trong khi đó thì giá điện của EVN lại được điều chỉnh theo thị trường và điều chỉnh nhiều lần trong năm.

Nếu tăng giá điện để giảm lỗ cho EVN thì cần xác định có đúng thật là EVN lỗ vì giá điện thấp hay không?

Theo phân tích của ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, thì không phải như vậy. Ngày 20-12-2011 giá điện bình quân tăng thêm 5% so với giá bán hồi đầu năm. “Nhưng để có giá điện bình quân, thì những yếu tố cấu thành giá là gì? Người tiêu dùng không ai biết”, ông nói và dẫn ra, chỉ trừ những hộ nghèo có đăng ký sử dụng dưới 50 kWh/tháng thì được áp giá 993 đồng/kWh (nhưng số hộ này rất ít). Còn  đại đa số người dùng điện đều phải chịu mức giá cao.

Nếu lấy giá điện bình quân năm 2011 là 1.242 đồng/kWh (giá này chỉ tính cho các hộ dùng 100 kWh/tháng trở xuống) thì bậc thang thứ 3, với 50 kWh tiếp theo sẽ cao hơn 6%, ở bậc thang thứ 4 cao thêm 34%. Đến bậc thang thứ 7 (tính từ 401 kWh điện trở lên), giá bán lẻ điện cao hơn 59% so với giá bình quân.

Tất nhiên giá bán lẻ điện theo bậc thang tăng dần nhằm mục đích hạn chế việc sử dụng điện, song một hộ gia đình ở thành thị có mức sử dụng điện bình quân khoảng 200 kWh/tháng, thì phải trả gần 2.000 đồng/kWh, một mức không hề thấp. Mức giá đó tác động mạnh đến người tiêu dùng và bù lỗ đáng kể cho EVN, trong khi các nhà máy điện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN lại phải “chịu trận” với ràng buộc “40 năm không được điều chỉnh giá bán”.

IPPs đâu có lợi gì

Nhân cuộc hội thảo về giá điện theo cơ chế thị trường tại Hà Nội hồi tuần trước, ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu hàng loạt câu hỏi với Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường. Ông Thuyên hỏi khi tăng giá điện lên 5% (giá bình quân sẽ hơn 0,06 đô la Mỹ/kWh), liệu nhà đầu tư đã ký hợp đồng, bán điện cho EVN với giá 0,0495 đô la Mỹ/kWh cho cả đời dự án, sẽ được hưởng bao nhiêu phần trăm của việc tăng giá? Và khi giá điện bình quân có thể tăng lên 0,1 hoặc 0,15 đô la Mỹ/kWh thì các nhà máy điện vẫn bán cho EVN với giá gần 0,05 đô la Mỹ như đã ký? Nếu chỉ xử lý bài toán tăng giá để giảm lỗ cho EVN thì có thể kêu gọi đầu tư các nhà máy mới được không? Trong khi thực tế tính toán của ngành điện được nêu ra trong Tổng sơ đồ VII (2011-2020) cho thấy chi phí biên cho ngành điện tính ra sẽ đạt đến mức 0,096 đô la Mỹ/kWh trong vài năm tới.

Việc tăng giá điện hiện tại không làm thay đổi giá bán điện của các IPPs nhưng họ có quyền nghi ngờ, với suất đầu tư mỗi ngày một tăng như hiện nay thì họ cầm chắc lỗ. Song có thể nhờ độc quyền, EVN sẽ dùng nhiều hình thức khác nhau để bù đắp chi phí cho các nhà máy mà họ nắm giữ quyền lợi. Ví dụ như lập lịch huy động nhiều hơn các IPPs, còn các nhà máy của EVN được phát điện vào các giờ cao điểm vì giờ này có giá cao hơn...

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh điều này tại kỳ họp Quốc hội khóa 2 (ngày 24-11-2011): “Người tiêu dùng quan tâm anh chào tôi giá dịch vụ đắt hay rẻ nhưng điều họ quan tâm hơn là cơ chế hình thành giá đó có thông qua cạnh tranh một cách minh bạch hay không?”. Các nhà đầu tư cũng có mối quan tâm tương tự mỗi khi lập dự án. Nên không phải vô cớ mỗi ngày, Cục Điều tiết điện lực nhận được rất nhiều văn bản của các IPPs đề nghị xem lại cơ chế giá mua điện của EVN và cơ chế huy động điện.

Việc xây dựng một cơ chế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phát điện đã được nói đến nhiều. Gần đây nhất, tại diễn đàn Quốc hội cuối năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng thừa nhận có chuyện mua điện giá thấp khiến nhà đầu tư gặp khó khăn và giá mua điện sẽ phải tính toán lại. Ông Hoàng cũng khẳng định Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2010 quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện... nhằm yêu cầu EVN xem lại những hợp đồng đã ký với IPPs trên tinh thần sửa đổi hợp đồng cho phù hợp và việc đàm phán các hợp đồng mới cũng phải trên cơ sở này. Song chính ông lại cho biết tiến độ rà soát hợp đồng của EVN rất chậm. Nên đến nay chưa có nhà đầu tư nào được điều chỉnh hợp đồng.

Những năm tới, cần phải có khoảng 5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để đầu tư phát triển 4.000-5.000 MW điện và EVN không thể một mình gánh nổi. Vốn thì thiếu, tiền tăng giá điện thu từ người tiêu dùng chỉ có lợi cho EVN. Vậy tăng giá điện để làm gì? Cần phải có một giải thích khác.
Theo SGTT

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây