Tây Ban Nha: tỷ lệ thất nghiệp gần 25%
- Thứ tư - 02/05/2012 08:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Số liệu của Cục thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho thấy trong ba tháng đầu năm nay, thêm 367.000 người Tây Ban Nha bị mất việc làm. Điều này đồng nghĩa 5,6 triệu dân số Tây Ban Nha đang thất nghiệp (tương đương 24,4% lực lượng lao động), gần mức cao kỷ lục thiết lập vào năm 1994.
Trước khi số liệu trên được phát hành không lâu, xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha bị hạ xuống lần nữa. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel García-Margallo cho biết: “Với mỗi người dân và chính phủ Tây Ban Nha, số liệu này quá khủng khiếp”. Ông so sánh Liên minh châu Âu ( EU) với tàu Titanic sắp chìm, cho rằng hành khách cần đồng tâm hiệp lực tìm ra giải pháp mới có thể được cứu.
Ông García-Margallo phát biểu trên truyền hình quốc gia Tây Ban Nha: “Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chính phủ trung hữu của Thủ tướng Mariano Rajoy thực hiện cải cách sẽ khôi phục sức khỏe cho nền kinh tế Tây Ban Nha.
Hiện, khoảng một nửa thanh niên Tây Ban Nha dưới 25 tuổi không có việc làm, hơn 1,7 triệu hộ gia đình thất nghiệp cả nhà. Điều này tương phản sắc nét với tỷ lệ thất nghiệp của Đức, đang ở mức thấp nhất kể từ khi thống nhất Đông - Tây Đức vào năm 1990.
Số liệu trên được công bố khi toàn châu Âu đang tranh luận việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng của các chính phủ có đặt ra mối đe dọa cho triển vọng tăng trưởng kinh tế hay không. Tuy nhiên, Bộ trưởng kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos cho biết Tây Ban Nha không từ bỏ kế hoạch thắt lưng buộc bụng và công bố kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng trong năm tới - chính phủ Tây Ban Nha đã nhiều lần cam kết sẽ không tăng thuế giá trị gia tăng.
Trước đó, cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ hai bậc xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha, lần nữa giáng đòn mạnh giáng vào niềm tin của người dân Tây Ban Nha. S&P dự đoán suy thoái kinh tế tại Tây Ban Nha bắt đầu trong năm nay sẽ kéo dài đến năm 2013.
Việc hạ bậc tín dụng tác động đến thị trường tài chính khu vực đồng euro (eurozone) ngày 27-4, tăng chi phí vay vốn của Ý và Tây Ban Nha.
Nhà chiến lược cao cấp Matt King của Citigroup cho biết: “Việc hạ bậc tín dụng khiến các nhà đầu tư lo lắng trái phiếu chính phủ của Ý và Tây Ban Nha không an toàn như tưởng tượng”.
Lần hạ bậc này cũng khiến các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng vì Tây Ban Nha có thể cần hỗ trợ tài chính. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đầu tuần qua đã đề cập đến vấn đề này.
(theo FTChinese)