Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Tây Nguyên: Cây tiêu lại chết hàng loạt

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hiện nay, nhiều diện tích trồng cây tiêu ở Tây Nguyên đang bị dịch bệnh lan nhanh và có tình trạng chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.



Đổ xô trồng tiêu, bất chấp vùng đất, khí hậu dẫn đến tình trạng nhiều diện tích tiêu ở Tây Nguyên chết hàng loạt

Trong đó, nguyên nhân chính là do những năm gần đây, cây tiêu cho giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân đã đầu tư vốn liếng để trồng mà bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, nông dân ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật…

Tại tỉnh Đắk Lắk, còn khoảng gần 3 tháng nữa là bước vào mùa thu hoạch tiêu, nhưng 600 trụ tiêu mới trồng cuối năm 2010 của gia đình chị Lê Thị Lan, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột đến nay không hiểu sao có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 400 trụ và nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá chết dần không thể chữa nổi. Chị Lan cho biết trước đây là 6 sào cà phê, do cà phê bị già cỗi, sản lượng chẳng được bao nhiêu nên tôi chuyển sang trồng tiêu.

Cũng chung số phận với những vườn tiêu khác, vườn tiêu nhà anh Lê Văn Dũng, xã Quảng Phú, Cư M’gar có hơn 300 trụ cũng đã chết trên 100 trụ với triệu chứng tương tự. Theo anh Dũng, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình đã tìm mua thuốc chữa trị nhưng vẫn không hiệu quả. Không chỉ riêng tại huyện Cư M’gar, TP Buôn Ma Thuột mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như Ea H’leo, Buôn Đôn, Cư Cuin… cũng xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt. Theo phản ánh của đồng bào các dân tộc, khi có hiện tượng héo lá, khô dây, đồng bào cũng đã mua thuốc chuyên dùng phun lá, phun gốc nhưng vẫn không có kết quả.

Tương tự như tình trạng ở Đắk Lắk, trên địa bàn xã Ðắk R’moan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông có nhiều hộ dân với tổng số 10 ha tiêu cũng đang trong tình trạng bị chết hàng loạt, tiêu biểu như gia đình chị Triệu Thị Thủy ở thôn Tân Hiệp có 1,5 ha tiêu thì hiện tại trên 90% số cây đều bị rụng lá, thân bị khô. Trước đây, vùng đất này hầu như chỉ trồng cà phê, trong những năm gần đây, do thấy cây tiêu cho giá trị kinh tế cao nên nhiều người dân đã đầu tư vốn liếng để trồng tiêu, nhưng lại không áp dụng đúng khoa học kỹ thuật cũng như không tham khảo, học hỏi từ những mô hình thành công nên thiếu kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc tiêu.

Việc nông dân đổ xô trồng tiêu khi giá tiêu tăng cao là quy luật tất yếu. Điều này đã xảy ra với bất kỳ loại cây trồng nào mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông. Tình trạng “chặt-trồng, trồng-chặt” diễn ra như một căn bệnh khó chữa của người nông dân đối với lợi ích tức thời. Chọn cây trồng nào, canh tác ra sao là quyền của người nông dân. Không ai có thể ngăn cấm họ. Tuy nhiên, việc chạy theo cái lợi trước mắt mà không tính đến những hệ lụy về sau nên người nông dân phải đối diện với tình trạng “thừa cung thiếu cầu”, không làm chủ được thị trường, giá cả bấp bênh từ đó khiến nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.

Thiết nghĩ, câu chuyện về việc ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch của bà con nông dân ở các tỉnh trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng vừa mới diễn ra đã và đang để lại nhiều bài học cay đắng vẫn còn đó bài học đắt giá xuất phát từ việc người nông dân tự phát mở rộng diện tích, không theo quy hoạch, ham chút lợi ích trước mắt mà quên vấn đề chính là “đầu ra” ổn định cho sản phẩm.
Theo Văn Hóa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây