Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Tây Nguyên: Lại ồ ạt trồng hồ tiêu

Minh họa

Minh họa

Đến thời điểm này, phần lớn diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã và đang bước vào thời “lão hóa” nên sản lượng, năng xuất quả của diện tích cà phê này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ. Ngược lại, hiện giá tiêu lại đang có xu hướng tăng (từ 120.000 -130.000/kg). Đây chính là nguyên nhân khiến bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang từng bước chặt bỏ cà phê và trồng hồ tiêu thay thế.
 
Tây Nguyên: Lại ồ ạt trồng hồ tiêu
CôngThương - Ông Nguyễn Bá Khẩn xã Tân Tiến, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông có 5 sào cà phê đã canh tác được 17 năm, đến nay hầu hết diện tích trồng đã già cổi nên sản lượng thu về chẳng được bao nhiêu, hiện cây tiêu đang có giá nên tôi đã chặt bỏ và trồng tiêu.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, diện tích tiêu của tỉnh không dừng lại ở con số 5.700 - 5.800 ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000 ha, các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300 - 400 ha sẽ là mối lo cho ngành nông nghiệp vốn bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.
Có hàng nghìn ha hồ tiêu trồng mới ở Tây Nguyên, nhưng người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, nông dân ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Hậu quả ghi nhận của bà Lê Thị Tám, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Gia đình tôi có hơn 600 trụ tiêu mới trồng cuối năm 2010, đến nay không hiểu sao vườn tiêu có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 300 trụ và nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá.
Việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững cây cà phê tại đây. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hiện đã và đang thực đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ”.  Tuy nhiên việc thực hiện đề án này cũng không hề đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, do vậy quy mô sản xuất là nhỏ lẻ, manh mún nhất là việc chuyển đổi cây trồng tự phát như hiện nay.
Ngoài ra, tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là khi bà con đi săn lùng trụ tiêu từ những cánh rừng, từ đó dẫn đến việc xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép... Việc chạy theo cái lợi trước mắt mà không tính đến những những hệ lụy về sau là phải đối diện với  tình trạng “thừa cung thiếu cầu”, không làm chủ được thị trường, giá cả bấp bênh khiến nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.
Bá Thăng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây