Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Thi tốt nghiệp năm 2012: Người mừng, người lo

Minh họa

Minh họa

Trong khi HS các thành phố lớn lo lắng bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT có cả 2 môn xã hội là Địa và Sử thì HS vùng cao lại khá thoải mái bởi đã có sự chuẩn bị từ đầu năm học. Chủ trương học đều, phân loại đối tượng… được nhiều Sở GD-ĐT áp dụng.

HS thành phố: Chạy đua với môn Lịch sử

Theo GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội thì việc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 3/6 môn thi thuộc lĩnh vực xã hội là chuyện bình thường vì HS nên học gì thi đó chứ không theo cách thi gì học nấy. Các môn đã học, các em nên xác định đều có thể thi và học tập đàng hoàng để đánh giá kiến thức ở mức hoàn thành.
 
Thi tot nghiep nam 2012 Nguoi mung nguoi lo
HS thành phố phải chạy đua với thời gian để ôn tập môn Địa và Sử.

Nói là vậy nhưng trên thực tế, hầu hết HS thành phố đều nhắm vào mục tiêu “thi đỗ ĐH” nên từ học kỳ II đến giờ chủ yếu tăng tiết ôn tập 3 môn chắc chắn sẽ có trong kì thi tốt nghiệp THPT (Toán, Ngoại Ngữ và Văn học), 3 môn còn lại thì đợi Bộ GD-ĐT công bố thì mới bắt tay vào “chạy đua”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ: “Quan điểm của các trường là yêu cầu HS không được học lệch, học tủ. Việc Bộ GD-ĐT chọn Địa và Sử trong kì thi năm nay không khiến nhiều HS bất ngờ. Tuy nhiên để đảm bảo cho việc ôn tập tốt thì trong tuần tới trường sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành chương trình chính khóa. Sau đó sẽ cho HS ôn tập hai môn học này”.

Cũng theo TS Lâm, với môn Địa Lý thì khâu ôn tập sẽ nhanh hơn bởi các em được phép sử dụng bảng Atlat. Thầy cô chỉ cần hướng dẫn các em rèn luyện kỹ năng sử dụng Atlat tốt thì việc kiếm điểm trung bình không quá khó.

Đối với môn Lịch sử thì liên quan đến con số, mốc thời gian… nên việc ôn tập phải được đầu tư nhiều hơn. Với việc ở chương trình chính khóa chỉ học 1-2 tiết/mỗi tuần nên chắc chắn thời gian tới, thầy cô phải lên phương án ôn tập hiệu quả cùng với việc tăng thêm tiết để đảm bảo hoàn thành việc ôn tập trước khi kỳ thi diễn ra.

Nếu để ý xu hướng chọn ngành những mùa tuyển sinh gần đến cho thấy, phần lớn thí sinh đều chọn các ngành thi khối A, B. Đối với khối C thì tỷ lệ chiếm ở một phần hết sức khiêm tốn. Qua đó cho thấy HS ngày nay, đặc biệt ở các thành phố chú trọng vào các môn tự nhiên nhiều hơn xã hội. Đây cũng vấn đề mà nhiều thầy cô dạy ở các trường THPT thành thị lo lắng ở kì thi năm nay. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều thầy cô ở Hà Nội, Hải Phòng…, nếu chịu khó thì những HS học lệch vẫn còn đủ thời gian để bổ sung kiến thức để có thể đạt điểm tối thiểu ở mức trung bình.

“Bản thân em và không ít bạn dùng phương pháp loại trừ để loại trừ những môn không thi. Chính vì thế nên khi nghe tin thi hai môn Địa và Sử ai cũng bất ngờ bởi đây là những môn mà gần đây liên tục thi. Tuy nhiên với thời gian còn hơn hai tháng đủ vẫn kịp để bọn em ôn tập, quan trọng là đầu tư môn Lịch sử bởi môn này mà không học thì chắc chắn là cắn bút!” - em Hoàng Văn Hưng, HS lớp 12 một trường THPT ở ngoại thành Hà Nội chia sẻ.

HS vùng cao: Không ngại môn xã hội

Khi được hỏi có bất ngờ về việc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay xuất hiện nhiều môn thi xã hội, ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên chia sẻ: “Việc thi môn nào đối với HS Điện Biên giờ đây không quan trọng bởi các trường đều định hướng các em học đều các môn”.

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Đức Minh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu bày tỏ sự hoan hỉ: “Việc xuất hiện nhiều môn thi xã hội sẽ khiến cho nhiều HS vùng cao phấn khởi hơn, bởi các em chỉ cần chịu khó học thì không khó để đỗ tốt nghiệp. Nếu có nhiều môn tự nhiên thì các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi các môn này mà không biết thì không thể làm được bài”.

Sở dĩ nhiều địa phương vùng cao, vùng khó giờ đây không còn phải lo lắng với kì thi tốt nghiệp THPT bởi nhiều trường THPT vùng cao tổ chức ôn tập và phụ đạo HS yếu kém ngay từ đầu năm. Quan trọng hơn là tâm lý nhiều em xác định đích đến đầu tiên là kì thi tốt nghiệp THPT sau đó mới tính đến kì thi ĐH, CĐ.

“Ngay từ đầu năm học, Lai Châu đã tổ chức ôn tập cả 8 môn học, trong đó chú trọng đến việc phân loại HS để đảm bảo phát huy được môn thế mạnh và cố gắng đạt điểm ở mức vừa phải đối với môn khó có khả năng. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi thì loại bớt hai tiếp tục phân loại một lần nữa để tổ chức ôn tập chuyên sâu thêm” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu tiết lộ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng Lai Châu mà nhiều tỉnh vùng cao khác đều áp dụng hình thức phân loại đối tượng HS để qua đó đánh giá mức độ cần phải ôn tập cho HS đạt được mức điểm ứng với từng môn thi. Chẳng hạn như nếu em có thế mạnh về môn Toán thì ôn tập chuyên sâu để đạt điểm cao, còn môn mà khả năng không thể đạt được điểm cao thì cố gắng truyền đạt kiến thức cơ bản để đạt điểm 2-3. Miễn làm sao tổng số điểm (điểm môn thi và điểm khuyến khích) đạt ở ngưỡng đỗ tốt nghiệp. 
 
Với cách thực hiện hiệu quả như vậy nên nhiều năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT vùng cao liên tục tăng. Tất nhiên số HS đạt tốt nghiệp loại khá, giỏi ở mức khá khiêm tốn mà phần lớn đều đỗ ở loại trung bình.
 
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) thì Sở GD-ĐT cần chỉ đạo các trường THPT triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng HS nhằm tổ chức tốt việc ôn tập cho HS lớp 12, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Về phía các trường THPT, cần chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp; có hướng dẫn, gợi ý trả lời. Bên cạnh việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, SGK theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, nhà trường và GV cần tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các chương, bài khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập.

Bên cạnh đó, GV bộ môn cần chú trọng hướng dẫn HS biết cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho các em tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

“Một vấn đề cũng rất quan trọng là các nhà trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần hết sức chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của từng HS, từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho HS, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập” - ông Chuẩn nhấn mạnh.

 (Theo Dân trí)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây