Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Thị trường cà phê dậy sóng

Minh họa

Minh họa

Sau mấy ngày đầu tuần âm trầm, giá cà phê kỳ hạn và nội địa đều tăng mạnh lại trong những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, giá trừ lùi trên thị trường xuất khẩu vẫn cao làm số người mua khá vắng vẻ.

Sóng nổi cuối tuần

Giá cà phê robusta trên thị trường nội địa tại các tỉnh Tây nguyên sáng nay đã bật qua mức 40.000 đồng/kg, tăng trên 1.000 đồng/kg so với tuần trước và 3.000 đồng/kg cách đây chừng nửa tháng.

Biểu đồ 1: Dao động giá robusta NYSE Liffe London

Giá cà phê trong nước đang tranh thủ lướt theo sóng của thị trường kỳ hạn robusta NYSE Liffe. Tuần trước, chỉ trong vài ngày, thị trường đã chứng kiến một đợt “vắt giá” (price squeezing) đầu tiên trong năm. Qua lần vắt giá này, giá tháng 3-2012, hiện là giao hàng (spot month) cho các hợp đồng kỳ hạn, đã có khi vượt qua trên 200 đô la Mỹ/tấn so với giá tháng 5-2012, là tháng giao dịch chính.

Ngay sau những ngày giá tăng mạnh ấy, thị trường lại chìm nghỉm với giá âm liên tiếp trong ba ngày đầu tuần. Nhưng…giá kỳ hạn robusta bất ngờ trỗi dậy trong 2 ngày cuối tuần. Đóng cửa phiên hôm qua tức rạng sáng hôm nay thứ bảy 25-2-2012 giờ Việt Nam, giá kỳ hạn tháng 5-2012 đã vượt qua mức 2050 đô la Mỹ/tấn và chốt mức 2056 đô la Mỹ/tấn, tăng 62 đô la so với cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 1 dao động giá TTKH robusta NYSE Liffe phía trên).

Chỉ trong 2 ngày cuối tuần này, thị trường kỳ hạn robusta NYSE Liffe xuất hiện một đợt vắt giá mới. Đặc biệt, lần này, giá 2 tháng gần nhất đều “vắt”, có nghĩa là giá tháng giao hàng cao hơn tháng 5 và giá tháng 5 lại cao hơn tháng 7-2012.

Đến hết phiên giao dịch hôm qua, giá đóng cửa tháng 3 cao hơn tháng 5-2012 là 1 đô la Mỹ nhưng giá tháng 5 cao hơn giá tháng 7-2012 đến 35 đô la Mỹ/tấn. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trên thị trường khi các mùa vụ cà phê của các nước sản xuất lớn còn ở phía trước là Brazil và Indonesia cộng với vụ mùa của Việt Nam đã thu hái xong và được xem là sản lượng không đến nỗi.

Tồn kho giảm trầm trọng

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê châu Âu ECS xuống mức thấp kỷ lục (tác giả tổng hợp)

Thị trường vắt giá là phải khi nỗi lo tồn kho đã thực sự giảm nhanh. Báo cáo mới nhất trong tuần qua cho thấy lượng tồn kho cà phê châu Âu (European Coffee Stocks-ECS) tính đến hết tháng 12-2011 xuống mức thấp kỷ lục với 10.033.118 bao, tương đương với 601.987 tấn (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Trong khi đó, lượng tồn kho robusta được xác nhận chất lượng của NYSE Liffe (certified stocks – certs) nay chỉ còn 210.970 tấn, sau 2 tuần giảm thêm 16.200 tấn. Đây cũng là lần giảm thứ 16 liên tiếp tính từ ngày 11-7-2011 khi lượng tồn kho này ở đỉnh 417.420 tấn. Như thế, tính đến nay, lượng tồn kho này chỉ còn tương đương với 49,5% so với đỉnh nhưng lại ít hơn 13% so với cách đây 52 tuần tức bấy giờ tồn kho đến 241.870 tấn.

Biểu đồ 3: Tồn kho cà phê robusta “certs” NYSE Liffe đến 20-2-12 (tác giả tổng hợp)

Một điều đáng lưu ý rằng lượng hàng chờ xin xác nhận chất lượng NYSE Liffe hiện nay rất ít do lượng xuất khẩu không ồ ạt như xưa.

Nước lên, thuyền lên

Một vài hãng tin trong nước và thế giới báo rằng, chỉ trong nửa đầu tháng 2-2012, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất bán chừng 102.000 tấn. Song, theo nhận định của một nhà phân tích thị trường tại TPHCM: “với mạch thị trường kiểu này, con số ấy quả khá lớn. Hy vọng lượng xuất khẩu cả tháng 2 chỉ chừng 170.000 - 180.000 tấn”. 

Tuy nhiên, lượng xuất khẩu lớn ấy vẫn chưa đe dọa đến giá thị trường. Ông giải thích tiếp: “Trong thời gian qua, rút kinh nghiệm cách bán từ các năm trước, nông dân đã bán theo cách có tổ chức nhiều hơn, không ồ ạt để tạo nên sức ép bán tháo gây giá trong nước giảm và giá kỳ hạn rớt nhanh”.

Giá trừ lùi trên thị trường nội địa hiện nay khá cao, từ bằng đến trừ 30-40 đô la Mỹ/tấn dưới giá kỳ hạn. Với các mức này, các nhà kinh doanh nước ngoài không thể mua để giao hàng trên TTKH NYSE Liffe vì giá chính thức của thị trường này đã trừ 30 đô la Mỹ/tấn cho loại 2 giao hàng tại các kho châu Âu. Trong khi đó, để giao được hàng tại châu Âu, họ phải tốn tiền chuyên chở và nhiều chi phí khác. Hơn nữa, từ đầu tháng 3 trở đi, các hãng tàu tăng cước vận chuyển lên cao hơn. Do vậy, các nhà buôn nước ngoài khó có cơ hội đưa hàng sang giao cho TTKH NYSE Liffe nếu như giá xuất khẩu (trừ lùi) không rẻ hơn mức hiện nay.

Mặt khác trên thị trường, do thiếu khách mua nước ngoài, hàng cà phê có dịp được mua bán lòng vòng nên giá thành ngày càng tăng cao, chặn đà xuất khẩu. Và cứ mỗi khi giá lên, thị trường nội địa lại bung theo, mức trừ lùi lại thêm gắt so với trước. Đúng là nước lên, thuyền lên.

Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường nói thêm: “Không nên say trong chiến thắng. Vắt giá là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức. Vắt giá, tạo cho thị trường tăng. Đòi hỏi giá quá cao trên thị trường nội địa sẽ làm nghẽn mạch xuất khẩu. Đến đây, rất dễ trúng ý đồ của những người đang nắm hàng tồn kho certs, muốn giá nội địa cao để chặn lượng xuất khẩu đủ điều hòa thị trường. Đến khi hàng xuất khẩu đi không được, hàng ứ, lại dễ gây nên sức ép bán ra, tạo ‘vỡ bờ’ về sau cho hàng hóa cũng như giá cả.”
Nguồn (TBKTSG Online)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây