Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Thị trường cà phê may rủi khó lường

Thị trường cà phê may rủi khó lường
Tâm bão tài chính vẫn còn quanh khu vực sử dụng đồng euro (eurozone). Tình hình khó khăn Hy Lạp chưa kịp dịu, lại đến chuyện lùm xùm của các ngân hàng Tây Ban Nha. Thị trường cổ phiếu và hàng hóa thế giới tuần qua rụng rời. Giá cà phê trên sàn thế giới và nội địa rớt đến xanh mặt. Người có cà phê trong tay, bán hay để, đó vẫn là câu hỏi quanh vận may rủi.

Một tháng đầy cảm giác mạnh

Sự phân liệt sâu sắc giữa hai thị trường kỳ hạn cà phê arabica Ice và robusta Liffe NYSE trong tháng 5 vừa qua đã đưa một anh lên bồng lai, một người xuống địa ngục. Với arabica Ice, nếu giá đóng cửa ngày đầu tháng mức 184,15 cts/lb thì ngày cuối tháng 31-5 chỉ còn 160,65 cts/lb, mất chừng 518 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, robusta Liffe NYSE được kéo lên chín tầng mây vối ngày 1-5  đóng cửa mức 1.980 đô la thì ngày cuối tháng tăng thêm cả 200 đô la/tấn ở mức 2.180 đô la/tấn.

Biểu đồ 1: Cuộc phiêu lưu của giá robusta Liffe NYSE trong tháng 5 (tác giả tổng hợp)

Có người cho rằng giá arabica Ice vừa qua bị bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới”ám” khá nặng, thì giá robusta được đầu cơ ưu ái chọn làm “địa đàng” hay nơi trú ẩn tạm thời cho dòng vốn của họ.

Riêng về robusta, giá từ mức thấp đã bật mạnh lại một cách bất ngờ, lên các mức trên 2.250 đô la/tấn. Nhờ vậy, giá nội địa đã bùng lên nhanh trong những ngày đầu tuần qua. Có khi cà phê nhân xô được trả quá mức 43.500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên. Đấy cũng là mức cao kỷ lục ở nước ta trong niên vụ này, bắt đầu từ ngày 1-10 năm ngoái đến nay.

Sau một thời gian dài giằng co quanh mức 40.000 đồng/kg, giá xuất khẩu đã bung khỏi khung chật chội trong các mức trừ 30/20 đô la/tấn dưới giá sàn kỳ hạn. Thị trường buộc đưa “liệu pháp sốc” bằng cách tạo vắt giá để giúp giá FOB rẻ hơn.

“Vắt giá” là hiện tượng đưa giá tháng thực hiện hợp đồng thời gian gần cao hơn giá tháng xa hơn nhằm khuyến khích người có cà phê đưa nhanh hàng đang giữ sang cho người mua. Cũng chính nhờ vậy, trong thời gian giá tăng nhờ “vắt”, giá xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ đã xuống khá mềm với mức trừ 50/60 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn.

Giá cao chỉ được không mấy bữa. Trong tuần rồi, giá robusta Liffe NYSE đã tuột nhanh liên tục nhiều ngày, để từ 2.241 đô la của cuối tuần trước, nay đóng cửa phiên cuối tuần khuya hôm qua chỉ còn 2.158 đô la/tấn, trước đó có khi đã xuống cận mức 2.100 đô la, giảm 83 đô la sau 5 ngày giao dịch, chấm dứt một đợt phiêu lưu đầy cảm giác mạnh của thị trường cà phê robusta thế giới (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Arabica Ice sau một tuần vẫn rớt thêm 10,30 cts hay chừng 230 đô la/tấn.

Sáng nay, thứ Bảy 2-6, giá nội địa xuống quanh mức 42.000 đồng/kg. Tiếc cho mức 43.500 đồng, nay đã cao chạy xa bay.

Giá vắt, dắt hàng chạy qua…sàn

Trong tháng 5 vừa qua, sàn kỳ hạn đã tạo nên hiện tượng “vắt giá” khá đẹp mắt. Một số chuyên gia cho rằng đây cũng là một phép “thử lửa” để xem hàng robusta trên thương trường có thiếu đến mức “gắt” lắm không.

Cũng trong thời gian này, sàn robusta Liffe NYSE đã cấp giấy chứng nhận cho 15.780 tấn robusta (certs) trong tổng số 15.970 tấn, hoàn toàn có xuất xứ từ Việt Nam, đạt 98,81%.

Đến hết ngày 28-5, báo cáo thường kỳ của Liffe NYSE thông báo lượng tồn kho sau 2 tuần đã tăng thêm 4.810 tấn lên 176.190 tấn. Như vậy, “vắt giá” đợt này đặt dấu chấm hết đợt phiêu lưu đi xuống của lượng hàng tồn kho certs robusta tại Liffe NYSE sau 21 lần giảm liên tục (xin xem biểu đồ 2 phía dưới).

Biểu đồ 2: Tồn kho Certs Liffe NYSE tăng trở lại (tác giả tổng hợp)

Có thể vì vậy mà giá trong tuần qua chỉnh xuống dần trên sàn kỳ hạn robusta do mức độ thiếu hàng xem ra không “đến nỗi” và khá giả tạo. Nhờ giá tốt, các cơ quan dự báo cũng ước lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong tháng 5-2012 tăng trên 150.000 tấn, cao hơn ước đoán trước đây chỉ dưới mức 130.000 tấn.

Phép thử “giá ló, có hàng ngay” ít nhiều phản ánh đúng thực tế của thị trường.

Quyết chiến với may rủi

Đáng ra, sàn kỳ hạn arabica Ice trong giai đoạn này ở những năm trước đã nhảy “xổm” vì thị trường thấp thỏm theo mùa sương giá tại Brazil. Năm nay hoàn toàn khác. Người ta ít bàn đến chuyện “rét đậm rét hại” dù bây giờ đã vào đầu tháng 6. Ở các năm trước, chuyện kinh doanh theo “thời tiết” có khi đã bắt đầu từ cuối tháng 4.

Thay vào đó, dự báo sản lượng cà phê Brazil và nhiều nước khác tăng, đồng real Brazil (BRL) liên tục mất giá so với đồng đô la Mỹ đã khuyến khích xuất khẩu. Cách đây không lâu, 1 đô la Mỹ ăn 1,7 BRL nay 2,04 BRL.

Cũng nên tỉnh táo để nhận định rằng: phải chăng vì cà phê năm nay được mùa lớn, nông dân Brazil đã tranh thủ bán ra và hệ quả nhãn tiền, giá sàn kỳ hạn arabica rớt nhanh từ vài tháng nay. Giá arabica hạ nhanh trong khi giá robusta sàn Liffe NYSE tăng liên tục đã đưa mức cách biệt giữa arabica với robusta xuống mức phải quan ngại.

Tính đến hết khuya hôm qua, mức cách biệt này (arbitrage) chỉ còn ở mức 1.327 đô la Mỹ/tấn (60,26 cts/lb) so với đầu tháng 5-2012 là 2.076 đô la và đầu tháng 9-2011 là 4.130 đô la/tấn. (xin xem biểu đồ 3 phía dưới).

Như vậy, cuộc chiến giữa arabica có sản lượng lớn và robusta  được nuôi bằng tiền đầu cơ tài chính thế giới đang bắt đầu. Đây là cuộc chiến “không cân sức” giữa một bên là loại cà phê ngon mang tính quyết định chất lượng cho tách cà phê (arabica) và loại cà phê chủ yếu dành để trộn (robusta).

Cuộc chiến lại càng không cân sức, khi bề dày kinh nghiệm đã có đến hàng vài trăm năm để dành thị phần của dân kinh doanh và nông dân Brazil trong lĩnh vực cà phê. Tuy hiện tượng còn khó phân biệt, thông số kỹ thuật này đang ở mức báo động “đỏ”.

Biểu đồ 3: Mức cách biệt giá giữa 2 loại cà phê xuống nhanh (tác giả tổng hợp)

Giả sử như cục diện thị trường không thay đổi, thời gian sắp đến, người kinh doanh cà phê robusta sẽ gặp lắm khó khăn nếu thiếu nghiên cứu kỹ càng cung - cầu. Hay nói đúng hơn, ai có lượng hàng robusta đầu cơ trong tay nhiều bao nhiêu, sẽ phải quyết đấu với may rủi lớn bấy nhiêu ngay từ hôm nay.
Theo
(TBKTSG Online)
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây