Thị trường máy nông nghiệp Việt Nam: Thua trên sân nhà
- Thứ ba - 28/02/2012 06:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Thủ công vẫn là truyền thống
CôngThương - Theo ông Bùi Quốc Việt - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), hiện nay các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng 15-20% thị trường, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo máy kéo phục vụ cho sản xuất lúa, còn đối với máy móc cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn còn để trống. Ngay cả trong khâu sản xuất lúa, việc áp dụng cơ giới hóa cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như: Làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát. Còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công. Ông Việt khẳng định, đó là do các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ và quy hoạch.
Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết, Nghệ An là một điểm sáng của chương trình cơ giới hóa nông nghiệp. 10 năm trở lại đây, việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp tuy đã khởi sắc nhưng nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Lý do là thủ tục vay vốn của ngân hàng chưa thực sự thuận lợi.
Ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn - huyện Thanh Sơn - Nghệ An lấy ví dụ, năm 2009, tỉnh phân bổ cho xã được hỗ trợ lãi suất mua 8 máy hái chè. Trong quyết định của tỉnh Nghệ An, người nông dân được hỗ trợ 24 tháng với số tiền vay là 4 triệu đồng. Nhưng thời điểm đó, ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn vay nên chỉ hỗ trợ 12 tháng. Như vậy, giữa ngân hàng và người dân còn chưa thống nhất được phương án vay vốn. Thậm chí, vào một số thời điểm, ngân hàng khó huy động vốn nên nông dân không thể vay được để mua máy. Để khắc phục tình trạng này, ông Ngô Phú Hàn - Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) - kiến nghị, tỉnh cần có thêm kênh hỗ trợ khác ngoài ngân hàng để nông dân vẫn có thể vay vốn mua máy khi ngân hàng thiếu vốn.
Không chỉ ở Nghệ An, nông dân An Giang cũng rất khó khăn trong việc vay vốn mua máy. Mặc dù các máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước hiện nay đã có nhiều cải tiến, khắc phục được những yếu điểm của máy nhập là gặt được cả lúa đã bị đổ ngã, giá thành cũng rẻ hơn nhưng nông dân vẫn thích mua máy gặt đập liên hợp từ nước ngoài vì chất lượng và độ bền cao. Theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Chính phủ, chỉ hỗ trợ cho nông dân mua máy liên hợp sản xuất trong nước nhưng phần lớn nông dân không tận dụng được chính sách hỗ trợ này.
Theo đánh giá chung, máy trong nước sản xuất công nghệ lạc hậu nhưng giá thành lại cao. Chỉ riêng vùng nuôi tôm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt 24.000 máy nhưng chưa chắc đã tiêu thụ hết bởi người dân chuộng mua máy Trung Quốc hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc... Nguyên nhân là do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập 15 - 30%, hiệu quả lại kém hơn.
Ông Chu Văn Thiện - Phó viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (CĐNN&CNSTH) - nhận định, máy sản xuất trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có khoảng 10% máy trong nước. “Máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt” - ông Thiện nói.
Viện CĐNN&CNSTH đã chế tạo thành công một hệ thống máy thu gom, đóng kiện, bảo quản và chế biến rơm như máy thu gom, đóng kiện tròn rơm rạ trên đồng liên hợp với máy kéo. Ông Thiện cho biết, qua thử nghiệm tại một số cánh đồng ở Hải Dương và ĐBSCL, sản phẩm này đã cho kết quả tương đương với một số loại máy nhập ngoại cùng loại. Tuy nhiên, dù chất lượng sản phẩm đã được chứng minh nhưng để đưa vào thực tế rất khó bởi kinh phí để sản xuất các loại máy nông nghiệp tương đối lớn, nên nhiều doanh nghiệp trong nước còn e dè bỏ tiền đầu tư.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội - Đào Duy Tâm - khó khăn lớn nhất khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp chính là tình trạng ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún: Bình quân 4,8 thửa/hộ với diện tích 400m²/thửa, nhiều nơi chỉ đạt 200m²/thửa. Theo ông Tâm thì các hộ nông dân có ruộng liền kề cần liên kết để phá bỏ bờ vùng bờ thửa, tạo thuận lợi đưa máy móc vào sản xuất. Muốn vậy, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc dồn điền đổi thửa, tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả cơ giới hóa.
Theo quy hoạch đến năm 2015 của Bộ Công Thương, ngành sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp sẽ cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất, lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho cả 3 miền. Theo đó sẽ tập trung giải quyết những khâu cơ bản là đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đầu tư đúng mức cho công nghiệp sạch. Ngành phấn đấu giành lại phần lớn thị phần trong nước đối với các loại động cơ diesel cỡ trung và nhỏ, động cơ xăng công suất nhỏ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Sau năm 2015, có thể sản xuất được các sản phẩm trình độ cao như: Bơm dầu, vòi phun cao áp và động cơ đa hệ nhiên liệu.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, đưa sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp thành ngành sản xuất mạnh của Việt Nam và trong khu vực, quy hoạch đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó, đối với giải pháp thị trường, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường, lựa chọn một số sản phẩm mũi nhọn để có kế hoạch nhập mẫu, chế tạo thử nghiệm, đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu mạnh. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện các dự án thuộc Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn cũng như các dự án sản xuất máy nông nghiệp thuộc ngành công nghiệp mũi nhọn.
Nguồn Báo Công thương