Thịt heo bị đầu độc
- Chủ nhật - 11/03/2012 07:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Heo độc
Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT) vừa công bố kết quả phân tích mẫu kiểm tra tại các lò mổ trên địa bàn TPHCM cho thấy có tới 43% mẫu nước tiểu và 24% mẫu thịt heo nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists. Trước tình trạng đáng báo động này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận việc ngăn chặn chất cấm gây hại trong chăn nuôi phải được xem như đấu tranh với nạn ma túy.
Bất chấp vì lợi nhuận
Theo giới kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, những chất cấm này được người chăn nuôi ở Đồng Nai sử dụng nhiều nhất, chiếm đến 50% số hộ chăn nuôi. Kế đến là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số hộ sử dụng từ 20%-25%, Bình Dương khoảng 10% và Tây Ninh khoảng 5%. Những chất cấm này nhiều năm gần đây còn xuất hiện tràn lan ở các địa phương khác mà trước đây chưa từng sử dụng như: Bến Tre (khoảng 20% số hộ chăn nuôi sử dụng), Bình Phước, Bình Thuận...
Một thương lái heo lâu năm tại Đồng Nai cho biết những chất cấm này có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc, được đóng gói từ 20 đến 50 kg, không nhãn hiệu, vận chuyển sang Việt Nam lẫn lộn cùng các loại bột nông sản, thực phẩm… nên dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết ăn thịt heo có chất Beta Agonists rất có hại cho sức khỏe. Nhiều tài liệu khẳng định nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh, các cơ và đặc biệt nếu sử dụng trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư.
Chất Beta Agonists khi được chế biến làm thức ăn cho heo thì có tác dụng rõ rệt làm tăng trọng nhanh do tích nước, tỉ lệ nạc cao, tạo nạc giả tạo và màu sắc của thịt đẹp hơn. Đáng ngại hơn, theo Cục Chăn nuôi, ngoài chất Beta Agonists, các chất cấm khác như Sabutamol và Clenbutanol cũng được người chăn nuôi sử dụng cho heo ăn.
Xử lý thiếu kiên quyết
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết hiệp hội cùng ngành nông nghiệp, thú y địa phương đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nuôi heo bằng chất cấm trên địa bàn và nhận không ít lời đe dọa từ giới lái heo. “Họ còn cảnh cáo chúng tôi nên làm vừa vừa thôi, nếu không coi chừng tính mạng” - ông Công lo ngại.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT TPHCM, xử lý các lô heo nhiễm các chất trên hiện nay vẫn căn cứ vào Thông tư 54 của Bộ NN - PTNT. Phương pháp kiểm tra nhanh chỉ mang tính chất định tính, sau đó phải lấy mẫu kiểm tra lại để định lượng nên mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho quá trình xử lý. Sở cũng đang kiến nghị Bộ NN - PTNT chỉnh sửa lại Thông tư 54 để tạo điều kiện xử lý nhanh hơn các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định hành vi buôn bán và sử dụng chất thuộc nhóm Beta Agonists đều vi phạm pháp luật. Theo Bộ Luật Hình sự, hành vi này sẽ bị phạt tù từ 3 đến 5 năm. Ngoài ra, người sử dụng chất cấm này có thể bị phạt tiền từ 10 đến 40 triệu đồng. Đối với đàn heo đã phát hiện có chất cấm Beta Agonists, cần tiêu hủy 100%. “Quy định pháp luật xử lý hành vi này đã có đủ, vấn đề là lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có kiên quyết vào cuộc và xử nghiêm hay không” - ông Dương nói.
Không thể bưng bít cho hành vi sai trái này mà phải công khai để người dân không ăn phải thịt có chứa chất cấm. Đây là tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát |
Người Lao động