Thời của nông nghiệp hữu cơ
- Thứ bảy - 14/05/2016 21:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh Phát
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định về xu hướng tiêu dùng của thế giới tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam, xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP.HCM ngày 12.5.
Xu hướng thế giới
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh nói: Ngành y tế cho biết mỗi ngày có 400 trường hợp phát hiện ung thư. Phần lớn trong số này có nguyên nhân liên quan đến thực phẩm. Việc lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, thú y trong nông nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng. Chính vì vậy việc tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn và có lợi cho sức khỏe là yêu cầu của xã hội hiện nay.
Không chỉ ở Việt Nam, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ hiện là xu hướng của toàn thế giới. Các chuyên gia cho biết, năm 2012 tổng giá trị của thị trường hữu cơ thế giới đạt 63 tỉ USD; năm 2014 tăng lên 72 tỉ USD. TS Nguyễn Quốc Vọng, ĐH RMIT cho biết: Con số này chỉ chiếm khoảng 5% tổng nhu cầu thị trường trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó đang tăng trưởng rất mạnh với tốc độ bình quân từ 10 - 15% mỗi năm.
Ông Wouter Van Ravenhorst, đại diện của Control Uni-on, tổ chức chuyên thực hiện chứng nhận sản phẩm organic cho biết: Mỹ là nước có thị trường phát triển nhất với tổng giá trị trên 17 tỉ USD, kế đến là Đức với khoảng 8 tỉ USD cùng các nước châu Âu khác, bên cạnh đó còn có Canada, Úc và cả Trung Quốc. Còn tính theo bình quân đầu người thì Thụy Sĩ là nước tiêu thụ mạnh nhất sản phẩm hữu cơ.
TS Vọng cho biết: Trên thế giới có trên 37 triệu ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Úc hiện là nước có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất thế giới với gần 11,2 triệu ha đạt chứng nhận, đó là chưa kể phần diện tích đang trong thời kỳ “tiền chứng chỉ”. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam.
Cần có chính sách hỗ trợ
Doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn vì nó được hình thành trên một nền nông nghiệp manh mún. Theo TS Nguyễn Bá Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organic Đà Lạt, nhu cầu thị trường sản phẩm organic trong nước và thế giới rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hầu như khó nắm bắt được cơ hội vì 3 lý do chính sau: Số lượng hàng hóa không đủ lớn để xuất khẩu; Sản phẩm hàng hóa không đa dạng; Cuối cùng là không có khả năng cung cấp hàng hóa đều đặn trong suốt cả năm. Chính vì vậy, TS Hùng kêu gọi các doanh nghiệp cần mở rộng, liên kết sản xuất để có thể cùng phát triển và xâm nhập thị trường thế giới.
Để phát triển nông nghiệp hữu cơ theo TS Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, đơn vị sản xuất gạo hữu cơ Hoa Sữa kiến nghị: Nhà nước cần xây dựng chính sách quốc gia về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chính sách này bao gồm đất đai, về tín dụng, thuế và thị trường. Vì làm nông nghiệp hữu cơ cần có giai đoạn chuyển đổi trung bình là 3 năm nên phải cho doanh nghiệp vay vốn dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn các hình thức vay thông thường.
Thứ trưởng Khánh cho biết: Hiện nay Việt Nam có khoảng 23.400 ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm khoảng 0,2% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ và quan trọng là người tiêu dùng cũng không nhận biết được sự khác biệt của các sản phẩm này nên đầu ra còn gặp khó khăn. Chính vì vậy để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần phải rà soát lại những khu vực đất chưa bị ô nhiễm, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp này, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ.
Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: Cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ không phải là thách thức vì chúng ta đã có nhưng chưa hoàn chỉnh. Trong quá trình phát triển cái nào thiếu chúng ta sẽ bổ sung, cái nào chưa có sẽ đề xuất chính sách mới. Chúng tôi sẽ sẵn sàng ngồi lại với doanh nghiệp để cùng nhau tìm cách thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.
Kết nối cung cầu Tại hội thảo, nhiều hợp đồng hợp tác giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp và địa phương, nhà sản xuất và đơn vị phân phối đã được ký kết. Đặc biệt, ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op (đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood) cho biết, Saigon Co.op sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà cung cấp chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Riêng tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. |
Theo thanhnien.vn