Thu tiền tỉ từ đồ bỏ đi trong nông nghiệp
- Thứ hai - 25/06/2012 23:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
"Vỏ hạt điều không còn bị xem là thứ phế phẩm, mà đang trở thành nguyên liệu có giá trị. Công nghiệp chế biến dầu vỏ điều có thể mang lại hàng trăm triệu USD mỗi năm...", ông Trần Văn Phúc, Giám đốc công ty TNHH Phúc Dung, một trong hàng chục doanh nghiệp chế biến dầu vỏ điều tại Bình Phước, khẳng định.Số liệu từ Hiệp hội điều VN (Vinacas) cũng cho biết, chỉ riêng trong năm 2011 vừa qua, các doanh nghiệp chế biến dầu vỏ điều đã sản xuất được khoảng 80.000 tấn, trong đó xuất khẩu hơn 60.000 tấn, thu về hơn 50 triệu USD.
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas cho rằng, dầu vỏ điều và các sản phẩm chế biến sâu từ dầu vỏ điều là ngành sản xuất rất tiềm năng để phát triển trong tương lai, đây cũng là một hướng đi mới cho ngành điều trong tương lai bên cạnh sản phẩm chủ lực là xuất khẩu nhân điều.
Theo một số doanh nghiệp, công nghệ chế biến dầu từ vỏ điều không quá phức tạp, được phát triển trong nước với chi phí thấp, do đó đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp tham gia. Chỉ riêng tại địa bàn Bình Phước, theo Vinacas, hiện có khoảng 15 doanh nghiệp chế biến dầu vỏ điều, với công suất vào khoảng 100.000 tấn vỏ điều mỗi năm.
Ông Lê Bông, giám đốc công ty TNHH Thiện Ân (Bình Phước) cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu vỏ hạt điều lớn, cung không đủ cầu nên đang xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp sản xuất dầu vỏ hạt điều trên địa bàn. "Ðây là cao điểm của ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều, nhưng do giá điều nhân thấp, các doanh nghiệp trữ hàng chờ giá tăng, nên nguồn cung vỏ điều không đáp ứng được nhu cầu" - ông Lê Bông giải thích.
Bã mía, vỏ cam... cũng "hái ra USD"
Khởi đầu với mặt hàng phụ phẩm duy nhất là bã mía, đến nay Công TNHH Kim Nghĩa (quận Tân Bình, TP.HCM) đã có thêm sản phẩm từ bã dứa, lá khoai mì, vỏ cam... Những lúc cao điểm, mỗi tháng công ty này xuất khẩu trên 30 container hàng phụ phẩm (24-26 tấn/container), với doanh thu hằng năm lên tới hàng chục triệu USD.Khác với hình dung của chúng tôi, xưởng chế biến các phụ phẩm nông nghiệp của Công ty Kim Nghĩa tại Bến Lức (Long An) sạch sẽ và thơm mùi đường, mùi dứa. Ðây là nơi tập kết nguyên liệu bã mía, vỏ dứa, vỏ cam và nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác trước khi được chế biến, đóng gói và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Kim Nghĩa, cho biết người Nhật xem đây là thực phẩm chứ không phải thức ăn gia súc nên yêu cầu khắt khe về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ cần lô hàng kiểm tra bị vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là họ trả hàng hoặc bắt bồi thường. "Trước khi xuất khẩu lô hàng nào, chúng tôi đều lấy mẫu gửi cho cơ quan phân tích của VN và Nhật Bản, chỉ khi đạt mới xuất đi" - ông Nghĩa nói.
Anh Trung, một đầu mối cung cấp bã mía đồng thời xuất khẩu bã mía tại Bình Dương, cho biết nhu cầu bã mía để chế biến thức ăn gia súc xuất khẩu hiện nay rất lớn, chỉ riêng cơ sở này mỗi ngày cung cấp hàng chục container bã mía lên men, ép bánh hoặc ép khối cho các nhà chế biến xuất khẩu. Ðể có đủ nguyên liệu, công ty phải mua bã mía của các nhà máy từ miền Nam đến miền Trung về sơ chế.
Có thể thu về hàng tỉ USD mỗi năm
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, các đối tác Nhật Bản cho biết chỉ riêng nhập khẩu thức ăn cho bò sữa và bò thịt của Nhật Bản mỗi năm đã lên tới trên 10 tỉ USD. Trong khi doanh số xuất khẩu của các công ty VN xuất sang thị trường này chưa đạt 1%. "Nếu nâng được thị phần tại Nhật Bản từ dưới 1% hiện nay lên 10%, mỗi năm VN có thể thu về 1 tỉ USD từ tiền bán thức ăn cho bò sữa và bò thịt, chưa kể thị trường Hàn Quốc cũng có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng này" - ông Nghĩa khẳng định.
Chẳng hạn, chỉ riêng bã mía, mỗi năm VN có thể cung cấp cho thị trường xuất khẩu hàng triệu tấn. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường VN, với khoảng 10 triệu tấn mía mỗi năm và tỉ lệ bã mía thu được sau khi ép mía từ 25-30%, tính ra có thể thu được 2,5-3 triệu tấn mía. Tuy nhiên, nguồn bã mía này hiện đang sử dụng không hiệu quả, phần lớn được sử dụng làm phân hữu cơ, giá thể trồng nấm.
Một lãnh đạo của Công ty TNHH Kiều Loan, doanh nghiệp có quy mô hơn 20.000 tấn vỏ hạt điều mỗi năm tại Bình Phước, khẳng định thị trường tiêu thụ dầu vỏ hạt điều hiện rất tiềm năng. Tuy nhiên, do hầu hết các doanh nghiệp VN hiện nay chỉ mới dừng ở dạng sản xuất dầu thô rồi xuất khẩu nên giá trị sản phẩm này chưa cao. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chủ lực dầu vỏ điều VN - đã sử dụng dầu vỏ điều để sản xuất những sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao hơn nhiều như sơn cao cấp, vật liệu kết dính, vật liệu cách điện, bố thắng xe máy...
Ngoài ra, VN còn là quốc gia có sản lượng trái cây lớn của khu vực Ðông Nam Á với nhiều loại quả có thể tận dụng phụ phẩm (cuống, vỏ) như cam, dứa, thanh long... Theo Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruits), ngày càng có nhiều công ty trong nước tận dụng các loại phụ phẩm như vỏ, lõi, cuống... để chế biến thức ăn cho gia súc xuất khẩu. "Nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng này rất lớn, nhưng VN vẫn chưa tận dụng tốt do sản xuất không tập trung và sử dụng nguồn nguyên liệu này còn lãng phí..." - ông Huỳnh Quang Ðấu, phó chủ tịch Vinafruits, nói.
Ông Trần Thanh Phú, giám đốc Công ty TNHH Tân Đông (Thủ Đức, TP.HCM), cho biết nhu cầu về lá khoai mì, lá dứa cũng như các loại lá thơm và đặc sản của VN vẫn tiếp tục được khách hàng tại châu Âu ưa chuộng. Hiện mỗi tháng công ty này xuất khẩu 5-6 container các loại lá, bánh và nông sản của VN sang thị trường EU.Riêng lá khoai mì, mỗi năm Công ty Tân Đông xuất khẩu trên 100 tấn lá đã qua chế biến (tương đương 1.000 tấn lá tươi) nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, nhiều loại lá ít giá trị khác của VN như lá dứa, lá chuối, lá dong... cũng được Công ty Tân Đông sơ chế để xuất khẩu sang châu Âu. Năm 2011, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu các loại lá của Tân Đông đạt hơn 150.000 USD.
Theo Tuổi Trẻ