Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Thực phẩm không an toàn vẫn công khai lưu thông

Minh họa

Minh họa

Trong khi nghị định xử phạt hành chính vẫn chưa được ban hành thì nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn vẫn công khai buôn bán. Tại các bếp ăn tập thể nguyên liệu đầu vào cũng khó kiểm soát khiến nguy cơ ngộ độc luôn rình rập.
Hàng loạt vấn đề đã được đặt ra tại buổi giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì (ngày 26/4). Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa nhận: “Hiện nay tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn công khai lưu thông trên thị trường”.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra chất lượng VSATTP tại TPHCM
Theo Bộ trưởng, công tác kiểm soát thực phẩm an toàn tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp vẫn còn khó khăn, vì khó kiểm soát được các nguyên liệu đầu vào. Đáng lo ngại là tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn tại những nơi cung cấp thức ăn nhỏ lẻ. Trong khi đó nghị định xử phạt hành chính lại chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, vấn đề phụ gia thực phẩm cũng gây nhức nhối trong trong tác quản lý. Thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy tại các cơ sở buôn bán nhỏ, việc tuân thủ quy định về bảo đảm VSATTP chưa tốt chiếm tới 50%. PGTP đang được sử dụng rộng rãi với 70-90% các loại thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng quy định còn diễn ra ở hầu hết các địa phương với hai nhóm hành vi chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép hoặc với hàm lượng vượt quá giới hạn.
Trước tình hình trên, Đại tá Trần Trọng Bình, đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm kiến nghị Bộ Y tế cần sớm xây dựng danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Hàm lượng bao nhiêu trong 1kg thực phẩm/dung tích thực phẩm thì sẽ xem xét xử lý hình sự. Bên cạnh đó, vi phạm về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng cũng diễn ra khá phổ biến. Nhiều nhất là dạng thực phẩm chưa được thẩm định nội dung quảng cáo hoặc quảng cáo sai nội dung đã được thẩm định.
 
Tình hình ATVSTP tại các tỉnh trong năm 2011
 
Đối với tỉnh Điện Biên, năm 2011, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã kiểm tra gần 4.000 lượt cơ sở, trong đó xử lý nhắc nhở trên 990 cơ sở, cảnh cáo 17 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 6 cơ sở, xử phạt hành chính 29 cơ sở nộp 128 triệu đồng vào ngân sách nhà nước. Các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đều bị đưa đi tiêu hủy.
 
Trong năm 2011, toàn tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 43.000 lượt, trong đó có gần 7.000 trường hợp vi phạm.
 
Tại Bắc Kạn, năm 2011 công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ ngộ độc giảm so với năm 2010. Trong năm toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, 1 người tử vong, 40 người phải nhập viện.
 
Tại Bắc Ninh, trong “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” đã thành lập 135 đoàn thanh tra, kiểm tra ở các tuyến tỉnh, huyện và xã. Các đoàn tiến hành thanh, kiểm tra 2553 lượt cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh tiêu dùng và dịch vụ ăn uống, qua đó nhắc nhở 160 cơ sở, phạt tiền 14 cơ sở với tổng số tiền 4.000.000 đồng, tiêu hủy 45kg thực phẩm không rõ nguồn gốc và đóng cửa 1 cơ sở. Trong Tháng hành động không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
 
Tại Đắk Lắk, trong năm 2011, toàn tỉnh đã tiến hành thanh kiểm tra 11. 457 cơ sở. Qua thanh kiểm tra cho thấy tỷ lệ cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm 71,4%. Trong năm đã cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 871 cơ sở, tăng 4,7% so với năm 2010.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây