Tiếng Việt ngày nay đang mất dần từ giới trẻ
- Thứ ba - 03/04/2012 04:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Nửa ta, half Tây
Khi thế giới ngày càng phẳng ra, kéo theo đó là những giá trị văn hóa không còn bị bó hẹp trong phạm vi vùng miền hay quốc gia thì ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, càng đóng vai trò quan trọng và nhanh chóng trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống giới trẻ Việt.
Hẳn mọi người đã không còn xa lạ với những thuật ngữ của cư dân mạng như load tài liệu, nghe playlist, nhận mail, search mạng… Thậm chí trong giao tiếp hàng ngày, tần số xuất hiện song ngữ Anh Việt này càng cao, điển hình như: thay vì nói “tạm biệt” sẽ là “Bye Bye” hay lời xin lỗi đơn giản chỉ là “Sorry nha!”, cảm ơn cũng ngắn gọn như “Thanks”… Cách sử dụng ngôn ngữ nửa Tây nửa ta như vậy ngày càng phổ biến do sự tiện lợi, ngắn gọn cũng như bởi “mốt” đi-kịp-thời-đại của giới trẻ.
Việc chúng ta tiếp thu những ngôn ngữ “không phải tiếng Việt chuẩn” vào kho tàng ngôn ngữ nước ta không phải lần đầu tiên. Trong 1000 năm chúng ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ, người nước Nam phải học tiếng Hán, học chữ Hán. Sau đó, chúng ta phải chịu ách cai trị của thực dân Pháp trong 80 năm. Hậu quả của thời gian bị đô hộ, cai trị này là một lượng không nhỏ ngôn từ hiện được sử dụng trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam là từ có yếu tố Hán Việt hay từ mượn của Pháp. Chúng ta vẫn sử dụng phu nhân, đại biểu, công vụ hay pê đan, sơ mi, cà phê, xe tăng, ca nông … một cách khá thoải mái, bởi những từ này khó có thể thay thế bằng các từ thuần Việt.
Tuy vậy, nhiều người trong chúng ta có cái nhìn khá lệch lạc về cách sử dụng ngôn từ, lẫn lộn giữa ngôn ngữ hành chính, văn bản và ngôn ngữ đời sống. Họ thích sử dụng từ có yếu tố Hán Việt hoặc các từ gốc ngoại quốc để tỏ ra trịnh trọng và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, nhiều khi việc sử dụng ngôn ngữ “quá lố” như vậy sẽ tạo cảm giác hợm hĩnh và khó chịu cho người nghe.
Từ lâu, các cơ quan truyền thông, báo chí, các nhà ngôn ngữ học đã vào cuộc để mổ xẻ ngôn ngữ của người Việt trẻ ngày nay, và thấy rằng, họ đã “sáng tạo” tiếng Việt thành loại ngôn ngữ “nửa nạc nửa mỡ”, Anh-Việt lộn xộn và khó hiểu.
Loại ngôn ngữ “nửa Ta, half Tây” này được sử dụng khá nhiều trong cộng đồng sinh viên – đặc biệt là sinh viên các trường Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ và cộng đồng nhân viên văn phòng.
Có thể dễ dàng nghe thấy những câu đối thoại rất phổ biến như: “Group tụi con có một cái urgent task cần phải complete để meet deadline nên về trễ…” thậm chí là “Hôm nay tôi đã tracking ra list các member bị warning 100K vì không log timesheet hoặc không được PM approve follow từng group trước thời gian deadline đã ghi trong rule dẫu đã được confirm nhiều lần. Sorry vì spam mail, please đừng có comment hay repply all”. Chỉ trong một đoạn với 49 chữ, đã có 20 từ tiếng Anh.
Bạn Nguyễn Thùy Linh (Ngân hàng SeaBank) cho biết: “Vì môi trường phải làm việc với nhiều người nước ngoài, hơn nữa, nói tiếng Anh nhanh hơn, tiện dụng hơn nên chuyện thêm các từ tiếng Anh vào đối thoại là chuyện bình thường”.
Ngoài ra, còn tồn tại một số biến chứng ra đời như là hậu phát minh của song ngữ Anh việt chẳng hạn: việc biến đổi cách phát âm như đe-le-te (de-lete), cơm-pờ-le-te (complete), thăng-sờ- kiều (thank you), Ai-lái-kịt (I like it)… hay những cách ghép từ có một không hai của giới trẻ ngày nay Know just die (biết chết liền), Like is afternoon (thích thì chiều), No four go (Vô tư đi) hay độc đáo hơn là “ Sugar sugar ajinomoto ajinomoto” (đường đường chính chính)…
Nhiều bạn còn tỏ ra khinh thường tiếng Việt, cho rằng phải dùng cả tiếng Anh thì mới “sang”, mới “hiện đại”, mới “đẳng cấp”. Chính quan điểm này đã khiến phần đông các bạn trẻ ưa chuộng và sử dụng kiểu ngôn ngữ “lai căng” một cách thản nhiên như vậy. Cũng chính quan điểm này đã khiến tiếng Việt mất dần sự trong sáng vốn có, đúng như PGS. TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển và Bách khoa thư) đã chia sẻ: “Tiếng Việt ngày nay hình như đang mất dần từ giới trẻ”.
Tình trạng nhiều người không thể diễn đạt từ mình muốn nói bằng tiếng Việt vì trong đầu chỉ toàn từ tiếng Anh, sinh viên có thể truyền đạt lưu loát bằng tiếng Anh nhưng lại thấy vấp váp khi diễn giải ra tiếng mẹ đẻ hoàn toàn không phải chuyện hiếm.
Để tiếng Việt trong sáng
Việc sử dụng ngôn ngữ ngoại lai không chỉ diễn ra trong cộng đồng những người trẻ, mà ngay cả Bộ Giáo dục Đào tạo cũng sử dụng cấu trúc ngôn ngữ “không thuần Việt”, đó là khẩu hiệu “Nói không với bệnh thành tích”. Với khẩu hiệu này, hẳn ai cũng có thể nhận ra cấu trúc “Say No” – một cấu trúc khá quen thuộc của tiếng Anh.
Có lẽ khi sử dụng cấu trúc này, những người sáng tác ra khẩu hiệu “Nói không với bệnh thành tích” đã không biết, hoặc không chú ý tới việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Vẫn biết rằng văn hóa – trong đó có ngôn ngữ – có tính chất giao thoa, tiếp biến lẫn nhau, nhưng việc một cơ quan đứng đầu về giáo dục sử dụng quá đà cấu trúc Tây, ngôn ngữ Tây dễ khiến cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh, ngộ nhận về việc sử dụng từ ngữ và cấu trúc không thuần Việt.
PGS. TS Phạm Văn Tình chỉ ra, trong tiếng Việt hiện nay, có tới 60% từ ngữ có yếu tố gốc Hán, một số lượng lớn từ mượn tiếng Pháp được sử dụng phổ biến, rộng rãi. Từ khi cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” của họa sĩ Thành Phong được xuất bản, rất nhiều người đã lên tiếng để bảo vệ “sự trong sáng của tiếng Việt” trước sức ảnh hưởng của các câu thành ngữ hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vấn đề “giữ gìn sự trong sáng” này theo một cách rộng hơn.
Giữ gìn sự trong sáng chính là việc hạn chế viết và nói thứ tiếng ngoại lai và tăng cường sử dụng tiếng Việt trong công việc và giao tiếp hàng ngày. Với các từ có gốc Hán, cần cân nhắc trước khi sử dụng, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà vận dụng linh hoạt. Thông thường, từ Hán Việt thường được dùng trong các văn bản phát ngôn mang tính chất nghiêm túc, hành chính chứ không phải ngôn ngữ dùng trong đời sống hàng ngày.
Thật khó hiểu nếu người Việt nói chuyện với nhau không bằng tiếng Việt mà bằng thứ ngôn ngữ của một quốc gia khác với hệ tư tưởng và nền văn hóa khác. Đó không những là hành động khinh thường tiếng Việt mà còn tỏ ra thiếu coi trọng lịch sử và nền văn hóa của chính đất nước mình.
trong bối cảnh đất nước ta còn bị người Pháp đô hộ, học giả Phạm Quỳnh đã từng cảnh báo: “Tiếng ta còn, nước ta còn” để ám chỉ sự cần thiết của việc giữ gìn những tinh hoa của tiếng Việt trước mối nguy nền văn hóa của ta bị “Tây hóa”. Và sự thật, những điều học giả Phạm Quỳnh lo ngại có giá trị đến tận ngày nay, chỉ có điều khác, là tiếng Việt biến mất bởi chính những người Việt trẻ.