Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


“Tìm” nông dân trong Đề án tái cấu trúc nông nghiệp

Minh họa

Minh họa

Nông nghiệp Việt Nam đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế quốc dân và ổn định chính trị - xã hội. Có được thành công này, ngoài những nhân tố hàng đầu là sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước, của các ngành chức năng thì người nông dân là nhân tố tích cực thực hiện sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

                                    
                                   

               Cơ giới hóa Nông Nghiệp là điều khó nhưng sẽ có người làm được
                            
                        
Tuy nhiên, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn, lợi ích dành cho người nông dân, chủ thể của nền kinh tế nông nghiệp lại chưa được trú trọng đầy đủ.



Theo đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến tham vấn tại một cuộc hội thảo tổ chức mới đây, ngành sẽ tập trung hướng tới những mục tiêu tăng trưởng cho các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường như nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia cầm, lợn và bò sữa. Đối với ngành trồng trọt, sẽ tập trung tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo lợi thế vùng, miền. Trong lâm nghiệp, sẽ ưu tiên phát triển rừng kinh tế và các dịch vụ môi trường rừng. Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, muối sẽ tăng cường chế biến sâu. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường các hoạt động nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực thương mại.



Một điều đáng chú ý là khi nhìn vào định hướng tái cơ cấu của ngành, hầu hết đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng, những người nông dân - chủ thể trực tiếp thực hiện, người được hưởng lợi từ đề án này - lại chưa được đề cập một cách cần thiết. Các doanh nghiệp trung gian, hệ thống phân phối - đối tượng hoạt động dựa trên thành quả của người nông dân nhưng lâu nay chưa tạo được lợi ích xứng đáng cho người nông dân - cũng chưa thấy đề án có phương án gợi mở... Với tinh thần cầu thị, chúng ta cũng nên lắng nghe những lời nhận xét, góp ý của họ để từ đó có thể suy nghĩ, tính toán thêm, cốt làm sao để có những phương án xây dựng, triển khai đề án với hiệu quả cao nhất.



Đánh giá về quá trình phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Steven Jeffee, quan chức Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Việt Nam là quốc gia thành công trên thế giới đạt được được mục tiêu giảm nghèo, phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tính bền vững chưa cao, mở rộng xuất khẩu nhiều nhưng lợi ích cho vùng nông thôn còn thấp. Tái cơ cấu phải gắn kết các mục tiêu đã đề ra, cân bằng tốt hơn các mục tiêu quốc gia có tính đến an sinh nông thôn và quyền lợi người tiêu dùng.



Theo bà Lê Minh, đại diện Oxfam, những bất cập trong việc tiếp cận và sử dụng đất, công nợ cao, khó vay tín dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thường xuyên dẫn đến nông dân luôn bị động. Nông dân thường bị ép giá cả đầu vào và đầu ra nên có phần không thật mặn mà đầu tư sâu và lâu dài vào nông nghiệp. Do đó, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần xây dựng nền nông nghiệp mới với sự phát triển tiên tiến mà trong đó, nông dân được chủ động gắn bó với nghề  và sản xuất hiệu quả để tương lai của nông dân được đảm bảo trên hành trình Tam nông.



Các chuyên gia quốc tế cũng biết là Nghị quyết "tam nông" của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề chiến lược về sự nghiệp nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó đề ra chủ trương, nhiệm vụ hết sức quan trọng là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ðây là một chủ trương có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội; tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nền kinh tế của đất nước. Theo đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp lại chưa "có gì" để gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia này. Do đó phải làm thế nào để hiện đại hóa ngành này, gắn kết nó với các chương trình đã có. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho nông dân, bảo hiểm cho nông nghiệp là một chủ trương, định hướng đúng đắn của nhà nước, nhưng đề án cũng chưa đưa ra được cơ chế, chính sách nào để khuyến kích lĩnh vực này phát triển.



Góp ý cho những mục tiêu tăng trưởng trong đề án, GS.TS Jikun Huang, Trung tâm chính sách nông nghiệp Trung Quốc, Viện Khoa học Trung Hoa, cho rằng xu thế thay đổi liên quan đến thị trường, có thể là thị trường (cả nội địa và quốc tế) có nhu cầu lên trong nhóm hàng A, nhưng số lượng sản xuất nhóm hàng A này lại phát triển nhanh hơn nhu cầu thị trường, cộng với sự hỗ trợ có thể gây hại cho nông dân do làm cho giá thị trường sụt giảm so với con số tăng trưởng sản xuất.



Chỉ ra bài học đắt giá từ Trung Quốc, GS.TS Jikun Huang cho biết, 15 năm trước khi nhu cầu táo đỏ tăng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nông dân thay đổi cơ cấu thông qua việc chuyển đổi hết sang mùa vụ sản xuất táo đỏ. Với sự hỗ trợ từ chính quyền thông qua bao cấp giống và cung cấp vốn vay khiến cung vượt quá cầu gây rớt giá. Hậu quả là rất nhiều nông dân phải chặt bỏ cây táo đỏ hoặc để táo thối trên cây hơn là lỗ chi phí thu hoạch. Như vậy có thể nói, mục tiêu hay mục đích có ý nghĩa cần phải dựa trên phân tích thị trường rõ ràng. Các mặt hàng nông sản do nông dân sản xuất ra chứ không phải Chính phủ, điều Chính phủ cần làm là tạo ra hạ tầng thị trường lưu thông tốt hơn và đưa ra các chính sách phù hợp giúp nông dân thực hiện được kế hoạch của mình.



Theo đó, GS.TS Jikun Huang chỉ ra, một nghiên cứu nhu cầu thị trường là rất cần thiết phục vụ cho các mục tiêu sản xuất trọng tâm đề ra trong đề án tái cơ cấu. Mục tiêu của chính sách trong thay đổi cơ cấu không chỉ để nông dân thấy cần làm gì mà còn giúp nông dân tự đưa ra quyết định của mình dựa trên nhu cầu thị trường và giảm thiểu các trở ngại giúp họ nhanh chóng đạt được kế hoạch sản xuất của mình.



Ông Steven Jeffee cho rằng, thị trường muốn có những sản phẩm bền vững, chất lượng nên phải phát triển phù hợp với tầm nhìn của thế giới và tầm nhìn thể chế cốt lõi là áp dụng hệ thống hóa các mối quan hệ “bốn nhà”, làm sao giúp người nông dân và các doanh nghiệp duy trì tính cạnh tranh, đạt được các mục tiêu tăng thêm cho toàn ngành.

Theo Tầm nhìn net
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây