Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Tín dụng vẫn âm ở khu vực kinh tế trọng điểm

Minh họa

Minh họa

Trái với chiều hướng tăng trưởng tín dụng dương của cả nước, mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở khu vực TPHCM vẫn âm 0,04%. Điều đó cho thấy khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn rất kém. Thông tin trên được công bố tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TPHCM với đại diện 16 ngân hàng cuối tuần qua.


 
Ngân hàng Nhà nước cho rằng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. (Ảnh: Lê Toàn)

(TBKTSG Online) - Trái với chiều hướng tăng trưởng tín dụng dương của cả nước, mức tăng tín dụng trong 6 tháng đầu năm ở khu vực TPHCM vẫn âm 0,04%. Điều đó cho thấy khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn rất kém. Thông tin trên được công bố tại cuộc họp giữa lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TPHCM với đại diện 16 ngân hàng cuối tuần qua.

Trong khi đó, theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước hôm 7-7, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng ở mức thấp. Tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%).

Cũng theo thông tin từ cuộc họp, nợ xấu trên địa bàn TPHCM tăng. Lợi nhuận của một số ngân hàng giảm, nhiều chi nhánh ngân hàng báo lỗ. Cả ngân hàng và doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý thận trọng với nợ xấu.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là vốn tuy chậm nhưng đã chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh ở TPHCM sau 6 tháng đầu năm đã chiếm tới 85% tổng dư nợ cho vay. Đáng chú ý, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ nhận vốn cao nhất. Tổng số doanh nghiệp được vay vốn theo lãi suất ưu đãi bằng tiền đồng đã đạt hơn 4.200 doanh nghiệp. Một số ngân hàng thương mại trên một số quận, huyện đã ký kết trực tiếp các bản cam kết hợp đồng tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM, khác với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất. Họ không đủ tài sản đảm bảo hoặc nếu có thì tài sản có tính thanh khoản thấp, giá trị thị trường thấp và khó chuyển nhượng, báo cáo tài chính không được kiểm toán, số liệu tài chính không đủ minh bạch, lành mạnh, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay không đầy đủ. Phần lớn các doanh nghiệp nhóm này không được nhận bảo lãnh từ quỹ bảo lãnh tín dụng.

Cũng theo thông cáo báo chí trên, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cho rằng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng về cơ bản an toàn nhưng cân đối vốn vẫn chưa được cải thiện, nợ xấu tăng, vẫn còn một số tổ chức vi phạm tỷ lệ an toàn.

“Cân đối vốn theo kỳ hạn chưa vững chắc do tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn trong tổng tín dụng vẫn duy trì ở mức 42% như cuối năm 2011, trong khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn. Đến cuối tháng 5-2012, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%). Lãi suất cho vay bằng tiền đồng mặc dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao vẫn còn lớn”, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để đề xuất kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng; tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, cho vay mới trả nợ cũ không nhằm che giấu nợ xấu.

Cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động làm việc ngay với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng để phối hợp tìm các giải pháp xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Theo Báo sgtt
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây