Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Tôi và Việt Nam

Minh họa

Minh họa

Sang Việt Nam làm ăn rồi bén duyên với một cô gái gốc Việt, Yan Lerval đã chọn nơi đây để xây tổ ấm cho mình từ hai năm nay.

Rể 'Tây' đón Tết Việt

Với Yan Lerval, gia đình nhỏ là điểm tựa vững chắc để anh yên tâm đi đó đây sáng tác ảnh. Qua mỗi chuyến đi, Yan đã hình thành một ‎y tưởng độc đáo là nhân văn là xuất bản một cuốn sách về sự giống và khác nhau trong cái nhìn của trẻ em trên khắp thế giới. “Tôi muốn chứng minh rằng trẻ em ở khắp mọi nơi, dù có khác biệt về màu da, văn hóa, địa l‎í, điều kiện sống thì chúng vẫn giống nhau ở sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh đáng yêu”, Yan nói.

Giải thích rõ hơn về sự giống và khác trong tiêu đề Terre de regards: nos ressemblences dans nos différences (Thế giới của những cái nhìn: sự giống nhau trong những khác biệt), Yan Lerval cho biết: "Tôi đã bắt đầu dự án này từ hơn một năm nay, bắt đầu bằng 4 nước Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam), sau đó qua Madagasca, Ấn Độ (khu vực sa mạc giáp ranh Pakistan và dãy Himalaya). Tôi luôn chọn đến những nơi có sự đa dạng chủng tộc, văn hóa, điều kiện sống... để rồi rút ra rằng những đứa trẻ ở những nơi tôi đi qua đều có những điểm chung trong cách hành xử, suy nghĩ. Chúng chơi đùa giống nhau, phản ứng giống nhau và cả giận dỗi cũng giống nhau nữa. Chẳng hạn, ở bất cứ đâu trong khu vực châu Á này, các em đều có cùng một động tác giơ hai ngón tay lên khi chụp hình như dấu hiệu chiến thắng. Tôi cũng mang theo mình một cuốn tập và đề nghị chúng vẽ một bức tranh. Những bức vẽ mà tôi nhận lại luôn là hình ngôi nhà, cái cây, chiếc xe, cô bé..."

 

Với Yan Lerval, Tết Việt là một điều tuyệt vời nhất mà anh được biết đến.

Theo Yan Lerval, khi đến một nơi nào đó, anh không giống như những du khách chỉ lướt qua, chụp vài kiểu ảnh rồi mà luôn dừng lại làm quen với con người nơi đó. Chụp hình trẻ em không dễ. Ở đây, anh học được cách kiên nhẫn trong việc tiếp cận chúng. Anh gây chú ý‎ bằng cách chụp bất cứ thứ gì, phong cảnh, cây cối... Ban đầu một vài đứa đến xem, rồi sau đó tất cả xúm lại. Khi đã xóa được những lạ lẫm ban đầu, anh mới làm công việc chính của mình là chụp những đứa trẻ. "Vui lắm, nhiều người dân còn mời tôi vào nhà họ uống rượu nữa", Yan Lerval nói.

Yan Lerval chia sẻ: "Tôi đã từng đi về Việt Nam trong suốt 9 năm. Công việc chính là nhập khẩu hàng nội thất vào châu Âu từ các nước châu Á. Cũng trong thời gian này, tôi quen với vợ tôi và chúng tôi lấy nhau được hai năm rồi. Cô ấy là người Tây Ninh. Chúng tôi mới chào đón con gái đầu lòng cách đây hai tháng. Thời gian tới, có lẽ tôi sẽ phải hoãn lại những chuyến đi đến Nam Mỹ để có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Cảm nhận về Tết Việt Nam, chàng rể Tây bộc bạch: "Từng đi lại Việt Nam nhiều nhưng phải đến năm ngoái, sau khi lấy vợ thì tôi mới biết đến Tết Việt. Chưa bao giờ tôi lại chứng kiến một điều tuyệt vời đến thế. Bỗng dưng trong hai ngày, TP HCM trống rỗng, chẳng có bóng người. Lúc đó tôi sung sướng tìm một góc trong công viên đọc sách suốt ba, bốn tiếng đồng hồ. Trong khi chỉ trước đó vài ngày, tôi xách máy ảnh ra chợ hoa, sân bay, nhà ga, bến xe..., chỗ nào cũng đông nghẹt người. Hai ngày trong một năm, điều đó cũng là quá đủ cho một thành phố lúc nào cũng náo nhiệt như TP HCM".

Mong một mái ấm...

Dù chỉ có một phần tư dòng máu Việt, nhưng hơn 30 năm sống tại nước ngoài Christian Routin vẫn giữ trong tâm hồn mình một góc Việt Nam trang trọng.

 

Christian Routin quyết giữ ‘căn cước’ Việt Nam.

Christian Routin có cha là người Pháp gốc Italy, mẹ là người Việt lai Pháp. Anh sinh ra tại Sài Gòn. Lúc Christan tròn 9 tuổi, anh và gia đình rời Việt Nam sang định cư tại Pháp. 

Cho dù cha là người Pháp lai Italy và ông ngoại là người Pháp nhưng bà ngoại Christan là người Việt. Vì thế, từ nhỏ Chistian sống trong một đại gia đình quây quần kiểu Việt Nam. Vì biến động lịch sử, anh buộc phải xa Sài Gòn, xa nền văn hóa thứ nhất – Việt Nam, để hòa nhập vào nền văn hóa thứ nhì, nước Pháp. Tại quê cha, nơi mọi người đều sử dụng tiếng Pháp, Christian quyết định nói tiếng Việt với mẹ. Anh cũng thường xuyên ăn cơm và thức ăn Việt. Đó là lý do mà anh nói tiếng Việt giỏi như một người đang sống tại Việt Nam.

Dù không thoải mái với môi trường sống ở Pháp, nhưng Christian học rất giỏi. Anh có thể nói được 5 thứ tiếng gồm Pháp, Việt, Anh, Ý, Đức. Anh lấy hai bằng thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh và ngành khoa học chính trị tại Universite Paris X Nanterre. Sau khi ra trường, ý định về Việt Nam cứ thôi thúc trong Chirstan, thế nên anh nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí nhân viên đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Năm 1991 anh được tiếp nhận vào làm việc tại phòng văn hóa thuộc đại sứ quán Pháp tại thủ đô Việt Nam.

Lúc này, anh phụ trách nâng cao tiếng Pháp cho sinh viên năm nhất và năm hai ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Anh cũng đã đến Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương tổ chức các lớp huấn luyện tiếng Pháp. Sở thích của anh vào thời điểm này là dạo chơi khu phố cổ Hà Nội. Với anh cảnh thiên nhiên và nhiều nét kiến trúc của Hà Nội biến thành phố này thành một cô gái đẹp một cách e ấp và kín đáo với đầy sự hoài niệm.

Hết hạn hợp đồng, Christan trở về Pháp. Anh làm hướng dẫn viên du lịch tại tháp Effel. Vào mùa đông, anh sang một hòn đảo gần Ấn Độ làm công việc dạy du khách lặn biển. Sau này, anh còn mở một công ty kinh doanh tại Đức. Tất cả công việc đều mang đến cho Christan tiền bạc và cảm xúc thú vị. Tuy nhiên, anh vẫn thấy dường như có một sự thiếu vắng vô hình trong tâm hồn mình. Mỗi ngày qua đi, anh nhận ra, đó chính là hình ảnh và hương vị Việt Nam.

Từ bỏ tất cả công việc khá lý tưởng, năm 2009, anh trở về Sài Gòn dạy tiếng Pháp tại IDECAF - Viện trao đổi văn hóa với Pháp đồng thời anh dạy tiếng Anh cho nhiều sinh viên Việt Nam. Chirstian bộc bạch: “Ngay lúc máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi cảm thấy mình được trở về nhà. Tôi đã dành suốt một ngày để lang thang trên những con đường quen thuộc ngày xưa. Tôi thấy mình trở về với một thời niên thiếu êm đềm”.

Ít lâu sau, Christian đầu quân cho công ty Navigos do người Mỹ làm chủ, với tư cách phụ trách quản lý nhóm tuyển dụng nhân sự.  Nhưng những công việc đem lại cho anh nhiều cảm xúc hơn cả là việc trở thành diễn. Chỉ trong một năm anh đã đóng các phim Bình Minh, Mẹ và con trai, Hai gia đình Trần Nguyễn, Chạm tới hoàng hôn. Ngoài ra, anh còn được đài truyền hình Việt Nam mời làm MC cho chương trình Việt Nam đất nước tôi yêu và Nụ cười Việt Nam. Anh cũng phụ trách dạy tiếng Anh trên truyền hình. Vào tháng 12.2011, anh được mời dạy tiếng Anh cho trường đào tạo người mẫu Allure tại Sài Gòn. Ngôi trường này có cơ sở tại Mỹ và Pháp và sau khóa đào tạo sẽ có một người mẫu được gửi sang một trong hai cơ sở kể trên để được đào tạo thành người mẫu chuyên nghiệp tầm quốc tế. Sở dĩ anh được mời giảng dạy vì trình độ tiếng Anh rất chuẩn và vốn kiến thức văn hóa sâu rộng của Việt Nam và Pháp của mình.

Dù công việc khá bận rộn nhưng Christian vẫn dành thời gian bù khú với bạn bè người Việt. Khi tiết trời Sài Gòn chớm lạnh báo hiệu năm mới sắp đến anh đã cùng các bạn lên kế hoạch sẽ về Châu Đốc, một thị xã biên giới, đón giao thừa và thưởng thức Tết nhà quê. Anh chia sẻ: “Tôi đã có nhiều cái Tết ấm cúng bên gia đình trong quá khứ. Giờ đây, tôi ở Việt Nam một mình mà Tết là dịp để xum vầy, cho nên tôi cần một mái ấm cho dịp này. Tôi hy vọng dư vị của Tết Việt Nam đẹp đẽ ngày xưa vẫn còn đọng lại mãi trong tim mình”.
Theo DVO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây