Minh Phát Đắk Lắk

https://minhphatdaklak.com


Xăng, điện “ăn theo” lạm phát, tăng lương?

Minh họa

Minh họa

Thông tin về việc tăng lương tối thiểu vừa được công bố, nhiều mặt hàng thiết yếu trong đó có điện và xăng dầu đã rục rịch đòi tăng giá.
Thông báo mới nhất của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, lương tối thiểu sẽ tăng thêm 26% kể từ ngày 1/5 tới. Tuy nhiên, việc lạm phát kéo dài và thông tin tăng lương đã ngay lập tức trở thành cái “cớ” để hàng loạt mặt hàng thiết trong đó có xăng và điện “đòi” tăng giá để “bù lỗ”.

 

(Ảnh minh họa)

Đợt tăng giá mới nhất của mặt hàng xăng dầu diễn ra vào ngày 7/3 vừa qua khi xăng thêm 2.000 đồng/lít, dầu tăng dao động từ 600 – 2000đồng/lít. Mới đây, 4 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối xăng dầu gồm Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro và Công ty Xăng dầu Đồng Tháp lại gửi đề nghị tăng giá bán lẻ xăng dầu lên Bộ Tài chính.

Theo các doanh nghiệp này, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng cao, dẫn tới giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ nên doanh nghiệp đang bị lỗ là nguyên nhân của việc các doanh nghiệp này đề nghị tăng giá bán lẻ Xăng dầu. Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, các doanh nghiệp không đưa ra một mức giá cụ thể nào mà chỉ đề nghị Bộ xem xét mức tăng hợp lý.

Các doanh nghiệp cho rằng, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp đang phải bù lỗ 800 - 1.000 đồng. Nếu trích Quỹ bình ổn xăng dầu (300 đồng/lít) thì mức lỗ của các doanh nghiệp vẫn còn 500 - 700 đồng/lít. Để giảm lỗ, các doanh nghiệp đầu mối cũng bắt đầu cắt giảm hoa hồng cho hệ thống đại lý. Điều này đồng nghĩa với việc để “bù lỗ” cho các “ông lớn” ngành xăng dầu, người dân sẽ phải chi thêm 500 - 700 đồng/lít.

Cơn sốt xăng dầu đòi tăng giá chưa qua thì điện cũng đang “rục rịch” tăng giá khi chủ trương tăng giá bán than cho ngành điện đã được Thủ tướng chấp thuận.

Theo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá bán than cho điện mới chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất than năm 2011 và bằng khoảng 60% giá thành sản xuất than năm 2010 khiến tập đoàn này bị thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng. Để bù lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính đến phương án tăng giá điện để bù đắp chi phí đầu vào đang tăng mạnh.

Không chỉ xăng dầu, điện tăng giá mà nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đang sẵn sang cho việc tăng giá bán. Mặt hàng sữa nhập ngoại cũng bắt đầu tăng từ 7-15% khiến sức mua của người tiêu dùng sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác nữa như thực phẩm, vật liệu xây dựng, vé tàu xe,.. cũng đồng loạt lên kế hoạch tăng giá.

Thế mới biết, đừng tưởng tăng lương là mừng, mừng cho một người mà khổ trăm người.
Theo người đưa tin

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây