Đak Lak; 2 tỉnh không nhận, vạ vật ăn ngủ trên xe suốt tuần vì 'giấy thông hành'
- Thứ sáu - 16/07/2021 18:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đắk Lắk cho phép tài xế test nhanh COVID-19 tại chốt - Ảnh: TRUNg TÂN
Giữa cái nắng thiêu đốt tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), anh Hoàng Văn Bằng (xã Tân Thành, TP Đồng Xoài, Bình Phước) vẫn vạ vật trên chiếc xe hơi của mình, tranh thủ chợp mắt vì quá mệt mỏi.
Ăn, ngủ trên xe hơi
Suốt 1 tuần qua, anh Bằng chạy đi chạy lại hàng trăm cây số xin mẩu giấy kết quả test nhanh âm tính để được về nhà ở thị xã Đồng Xoài nhưng đành bất lực…
Anh Bằng kể sáng 8-7, vì gia đình có việc gấp nên anh phải lái xe sang tỉnh Đắk Nông. Lúc đầu việc đi ra khỏi tỉnh dễ dàng do đã có giấy xét nghiệm âm tính được địa phương cấp cách đó 2 ngày.
Anh Bằng phải vạ vật nhiều ngày trên xe vì không thuê được nhà nghỉ, không quay về Bình Phước được - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Cùng ngày, anh Bằng quay về Bình Phước thì chốt kiểm soát dịch quốc lộ 14 (huyện Bù Đăng, Bình Phước) yêu cầu quay lại Đắk Nông làm test nhanh, giấy xét nghiệm của anh đã hết hiệu lực.
"Tôi yêu cầu được xét nghiệm test nhanh tại chốt kiểm dịch nhưng tại đây không cung cấp dịch vụ này. Họ buộc tôi quay lại Đắk Nông làm giấy xét nghiệm mới cho qua, dù tôi đã khai báo cụ thể địa chỉ nhà", anh Bằng ngao ngán.
Bất lực, anh Bằng đành đi hơn 50km quay lại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông (TP Gia Nghĩa) để xin làm xét nghiệm.
Thế nhưng tại đây CDC tỉnh Đắk Nông lại hướng dẫn anh quay về Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) để làm xét nghiệm vì anh không phải là… người địa phương. Quay ngược xe hơn 50km lần 2 về Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp, anh Bằng lại bị từ chối.
Suốt mấy ngày, do không thể xin ở nhờ hay thuê nhà nghỉ nên anh Bằng phải ăn ngủ trên xe hơi. Việc sinh hoạt, tắm rửa phải nhờ đến một vòi nước nhỏ của nhà người dân cạnh Trung tâm Y tế xã Đắk Ru (huyện Đắk R'Lấp).
Theo anh Bằng, không chỉ anh mà hiện nay còn rất nhiều tài xế khác đang sống lay lắt chờ được xét nghiệm.
"Hai tỉnh giờ không có tỉnh nào chịu tiếp nhận chúng tôi. Chúng tôi giờ không biết nhờ vào đâu. Ăn ở thiếu thốn, có nhà nhưng lại không về được", anh Bằng chia sẻ.
Chiều 15-7, sau một tuần vạ vật xin giấy thông hành, anh được chốt kiểm dịch COVID-19 Bình Phước 'tạo điều kiện' cho về nhà với điều kiện giữ lại căn cước công dân của anh.
"Tôi phải về làm xét nghiệm test nhanh tại địa phương rồi quay ra trình cho cán bộ y tế kiểm tra mới được lấy căn cước về', anh Bằng nói .
Đến Bình Phước, không có giấy thông hành mời quay lại, đi đâu thì đi - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Test nhanh thành... chậm
Anh Bằng không phải là trường hợp cá biệt. Mấy ngày gần đây, hàng trăm tài xế đường dài trên quốc lộ 14 - tuyến đường quan trọng nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ - cũng khổ sở vì thiếu "giấy thông hành" test nhanh COVID-19 này.
Tuy không buộc tài xế phải có giấy thông hành nhưng do nhu cầu thực tế của tài xế, Sở Y tế Đắk Lắk cho phép Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột được test nhanh cho 100 tài xế (có bằng C hợp lệ trở lên)/ngày.
Bình Phước không test nhanh tại chốt nhưng yêu cầu mọi người phải có giấy, lấy ở đâu... mặc kệ - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Vì đây là điểm duy nhất ‘cấp giấy thông hành COVID-19’ tại Đắk Lắk, những ngày qua nơi đây trở nên quá tải.
Ông Võ Minh Hùng, giám đốc Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột, cho biết từ ngày 10-7 đến nay sở cho đơn vị cấp 100 giấy test nhanh COVID-19, ưu tiên tài xế đường dài nên tình trạng người dân, các tài xế có nhu cầu khác vẫn chưa được cấp, bị ‘kẹt’ lại nhưng tỉnh chưa có chỉ đạo mới, "trung tâm không thể làm khác".
Tài xế, người dân nhốn nháo trước Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột chờ được test nhanh - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Nay Phi La - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - nhìn nhận việc các chốt kiểm soát yêu cầu test nhanh âm tính mới cho tài xế, người dân qua là "làm khó", "không đảm bảo công tác chống dịch".
Theo ông La, giấy xét nghiệm test nhanh COVID-19 chỉ có giá trị thời điểm, cũng không đảm bảo người này không bị nhiễm trong tương lai nên nếu một người đang ủ bệnh, làm xét nghiệm cho kết quả âm tính, nhưng sau đó bất cứ lúc nào họ cũng có thể phát virus lây cho người khác.
"Trên thực tế, giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính không có nhiều giá trị trong phòng, chống COVID-19, nhưng lại đang gây nhiều khó khăn cho ngành y tế và người dân, làm chậm lưu thông hàng hóa, tạo thêm áp lực kinh tế cho các địa phương", giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk phân tích.
100 mẫu test /ngày, hết veo trong chốc lát - Ảnh: TRUNG TÂN
Mỗi địa phương mỗi kiểu
Vậy tại sao nhiều chốt buộc có giấy thông hành? Ông La cho rằng Chính phủ trao quyền áp dụng phương án chống dịch cho chủ tịch UBND mỗi tỉnh, thành đề xuất, mà do những cách hiểu khác nhau nên đến nay mỗi địa phương một kiểu, chưa thống nhất và "phần lớn phụ thuộc vào quyết định của ban phòng chống dịch COVID-19 từng địa phương".
Theo ông Nay Phi La, vì nhiều nơi yêu cầu 'giấy thông hành' trong khi điều kiện các cơ sở y tế nhà nước đang căng mình chống dịch, sở đã đưa ra giải pháp tạm thời cho phép một số đơn vị y tế tư nhân thí điểm test nhanh COVID-19 để giúp người dân, tài xế cần di chuyển, lưu thông hàng hóa qua các trạm, chốt kiểm tra.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng việc cho các cơ sở y tế tư nhân test nhanh COVID-19 là một biện pháp tình thế - Ảnh: THẾ THẾ
"Tại cuộc họp làm việc với thứ trưởng Bộ Y tế mới đây, chúng tôi cũng đã bàn việc này và bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ có thống nhất giữa các tỉnh trong công tác phòng chống dịch để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế", ông Nay Phi La nói.
Một lãnh đạo Sở GTVT Đắk Lắk đưa ra quan điểm việc yêu cầu có giấy thông hành cũng có nguyên nhân ở việc giảm tải lượng người dân, tài xế di chuyển giữa các địa phương khi không cần thiết. Chỉ một số tài xế chở hàng hóa thiết yếu hoặc có việc quan trọng như chở người bệnh, chở rau củ quả đến hỗ trợ vùng dịch sẽ được tạo điều kiện.
"Khi chưa có sự thống nhất trên cả nước, việc phải có giấy xét nghiệm COVID-19 khiến tài xế phải đôn đáo. Đối với những người chở rau củ quả, hàng thiết yếu hỗ trợ vùng dịch, nên liên hệ với Hội chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc... để có giấy đi đường", vị này đề xuất.