kiểu tận diệt chim trời
- Thứ hai - 27/02/2012 19:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh họa
Nghề săn chim trời hốt bạc
Rừng Dak Lak trước đây được xem là thiên đường của các loài chim, trong đó có những loài quý hiếm của Việt Nam như: Vẹt lùn (Loriculus vernalis), Cú lợn lưng xám (Tyto alba), Gõ kiến xanh gáy đen (Picus canus), Khướu cằm hung (Garrulax rufogularis)…, tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, một số loài tuyệt nhiên đã không còn xuất hiện nữa. Do nhu cầu chơi chim cảnh của người dân tăng cao, kéo theo việc săn bắt chim rừng càng trở nên rầm rộ, với nhiều hình thức săn bắt kiểu tận diệt, số lượng các loài chim nơi đây đã giảm đi đáng kể. Theo chân anh Trương, một tay săn chim kỳ cựu ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp vào rừng, nơi giáp ranh với Campuchia, chúng tôi mới thực sự thấy hết sức mạnh của các bẫy chim rừng. Đây quả là một sự báo động lớn cho số phận các loài chim tự nhiên của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Chỉ với một vài con chim mồi, cùng các dụng cụ đánh bắt truyền thống như bẫy lồng, treo, lưới trùm, keo dính… được giăng đặt quy mô rộng và ngụy trang kín kẽ hơn, những thợ săn đã nhanh chóng dụ được bầy chim đang bay tự do phút chốc trở thành tù binh trong bẫy. Anh Trương tiết lộ: việc bẫy chim rừng thường phải đi theo nhóm (từ 2- 3 người/nhóm), phân chia theo từng lãnh thổ riêng để tránh trùng lặp với nhóm khác, vì thế, khi muốn đặt bẫy ở đâu họ thường thăm dò địa bàn trước cả tuần rồi mới kéo quân vào. Là thợ săn, phải hiểu rõ quy luật của các loài chim, xác định thời gian, địa điểm nào thường có những loài chim gì bay về, thì việc đánh bắt mới hiệu quả. Mùa này (sau tết Nguyên đán) những cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ giáp ranh biên giới (có mật độ cây còn dày) ở Dak Lak lại xuất hiện những con chim vành khuyên, chích chòe, vẹt, bồ chao… đua nhau khoe tiếng hót râm ran trong rừng, những loại chim này được người chơi chim cảnh rất mê, vì thế giá trị của chúng cũng được đánh giá cao trên thị trường. Anh Trương cho biết thêm: trước đây, người dân chỉ cần vào rừng lấy củi, đặt một vài bẫy nhỏ là cũng có thể bắt được chim, nhưng những năm gần đây, rừng bị tàn phá nặng nề, cây cối thưa thớt, đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh sống của các loài chim, nên để bẫy được chim phải đi vào sâu hơn. Mỗi lần đi săn (2- 3 ngày) nhóm của anh có thể bắt được từ 30- 40 con chim các loại, giá bán ra khoảng từ 50.000- 500.000 đồng/con, có khi may mắn bắt được những con chim quý như đại bàng, phượng hoàng đất, nhồng (yểng)… hay chích chòe, chào mào có màu lông lạ, chim tướng đầu đàn, người mua trả hàng triệu đồng mỗi con. Nhu cầu của thị trường tiêu thụ chim rất rộng, chỉ cần đưa ra khỏi rừng là có các thương lái gom mua ngay.
Cùng với việc săn chim rừng, thì hiện nay, trên nhiều cánh đồng lúa ở các huyện Ea Súp, Krông Pak, Ea Kar, Krông Ana… cũng xuất hiện những người bẫy cò, gà nước, chim ri, sẻ… bằng keo dính. Hình thức săn chim ở đồng lúa thường chỉ có 1- 2 người chung một bẫy, họ dựng lều bằng cành, lá cây ngay giữa bờ ruộng rồi ngồi chờ chim sập bẫy đã giăng sẵn cách đó chừng 10-20m. Quan sát việc bẫy chim ri, sẻ của anh Y Tuấn tại cánh đồng lúa xã Ea Uy, huyện Krông Pak mới thực sự bất ngờ, chỉ trong 30 phút đã có tới vài chục con chim bị dính bẫy. Hễ cứ sà xuống kiếm ăn, đậu phải cành cây đã được thợ săn quấn keo thì hầu như không con chim nào thoát ra được. Anh Y Tuấn cho biết, mỗi ngày bẫy của anh bắt được khoảng 250- 300 con chim, giá bình quân bán cho các cửa hàng chim cảnh 7.000 đồng/con, tính ra thu nhập cũng kha khá trên dưới 2 triệu đồng/ngày.
Dựng lều trên đồng lúa để bẫy chim sẻ, ri. |
Cứu lấy chim trời trước nguy cơ tuyệt chủng
Trên địa bàn Dak Lak, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con chim các loại bị đánh bắt để phục vụ cho nhu cầu thị trường trong, ngoài tỉnh. Đa phần những loài chim trời này đều phải chịu số phận bi thảm, nếu không bị “giam cầm” trong lồng thì cũng trở thành mồi nhậu. Chim ri sau khi bị bắt thường được thương lái nhập cho các cửa hàng bán chim cảnh tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột để đáp ứng nhu cầu làm chim phóng sinh. Còn các loại chim sẻ, cò, gà nước… thì được bán cho các nhà hàng, quán nhậu và người dân để chế biến các món ăn, làm mồi nhậu cho thực khách. Riêng đối với chim rừng, phần lớn là những loài chim quý, được bán cho giới chơi chim cảnh trong và ngoài tỉnh. Cũng như nhiều điểm bán chim khác ở TP. Buôn Ma Thuột, tại cửa hàng chim cảnh H.T trên đường Điện Biên Phủ, luôn có khoảng trên 10 loài chim được bày bán. Bà chủ cửa hàng nơi đây tiết lộ, thị trường chim cảnh bán rất chạy hàng, bình quân mỗi ngày chị bán ra khoảng 15- 20 con chim cảnh các loại, chưa kể chim ri để phóng sinh. Bên cạnh đó là đội ngũ bán chim dạo cũng khá đông, cùng với những lồng chim rộng chừng 1,5 m2 đan bằng lưới thép, được ngăn ra từng ô nhỏ để nhốt các loại chim khác nhau đặt đằng sau xe máy, đội ngũ này không chỉ có mặt ở khắp mọi nẻo đường thành thị mà còn tỏa về nhiều huyện trong tỉnh để rao bán chim.
Có điều lạ là việc đánh bắt, buôn bán chim trời diễn ra công khai như vậy, mà các ban, ngành chức năng Dak Lak gần như vẫn không hề hay biết. Ông Đỗ Ngọc Dũng, Trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên - Chi cục kiểm lâm Dak Lak cho hay, do lực lượng quản lý bảo tồn thiên nhiên còn mỏng, lại chưa có chuyên viên nghiên cứu kỹ về các loài chim cũng như môi trường sống tự nhiên của chúng trên địa bàn, nên việc đánh giá, nhận xét của ngành còn khá mơ hồ. Chưa hết, các công văn chỉ đạo từ cấp trên lại nói chung chung về các loài động vật hoang dã chứ không riêng gì chim tự nhiên, vì vậy, để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm rất khó. Hủy diệt chim muông đồng nghĩa với việc hủy diệt môi trường sống, làm mất cân bằng sinh thái, gây hậu quả khôn lường. Đã đến lúc các ngành chức năng trong tỉnh cần sớm có những giải pháp cũng như xử phạt răn đe các đối tượng săn bắt, buôn bán chim trời, để kịp thời cứu các loài chim thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Lê Thành Báo đak lak điện tử
Kẻ bắt người thả