Vingroup xây nhà máy sản xuất vaccine ở Hoà Lạc
- Thứ năm - 29/07/2021 20:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt danh mục các dự án trọng điểm cấp bách được hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất vaccine được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, do Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart làm chủ đầu tư.
Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công, đảm bảo phòng chống dịch. Công trình có khuôn viên độc lập phải hàng rào khép kín, kiểm soát ra - vào đáp ứng các điều kiện phòng dịch và phải thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc "một cung đường hai điểm đến".
Các công trường thi công phải xây dựng kịch bản ứng phó khi có ca mắc, nghi nghiễm Covid-19, tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống.
Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Covid-19 đạt tiêu chuẩn quốc tế để "hình thành công nghiệp sản xuất vaccine" được nêu tại Nghị quyết của Chính phủ cuối tháng 6.
Vingroup gần đây đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 với Công ty Acturus (Mỹ). Nhà máy sẽ có công suất từ 100 đến 200 triệu liều mỗi năm. Dự kiến tháng 8, vaccine có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.
Trước đó, Vingroup đã góp 69%, tương ứng 138 tỷ đồng, thành lập Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Vinbiocare, trụ sở chính tại Tòa văn phòng Techno Park, Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội. Theo đăng ký thành lập, Vinbiocare đăng ký 12 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính của là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.
Tại phiên họp thường niên năm 2021, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, cho biết, Vinbiocare tạo ra môi trường, hệ sinh thái về công nghệ sinh học chứ không phải riêng vaccine. Tuy nhiên, trong giai đoạn Việt Nam chống Covid-19, Vinbiocare sẽ làm dự án vaccine phi lợi nhuận, không nhắm đến kinh doanh. Mọi chi phí sẽ cố gắng thu về nhưng nếu cần thiết sẽ tài trợ, hỗ trợ để dự án thành công.
Chủ tịch Vingroup còn khẳng định, có thể chấp nhận rủi ro ban đầu, ký hợp đồng sớm, làm sớm, thử nghiệm các loại vaccine dù không chắc thành công sau giai đoạn 3. "Nếu chờ đợi, Việt Nam còn mất lượt mua vaccine chứ chưa tính đến việc chuyển giao công nghệ", ông Vượng cho biết khi đó.
Ngoài dự án Nhà máy vaccine tại Hoà Lạc, Hà Nội còn có 4 nhóm công trình, dự án trọng điểm cấp bách khác được phép hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 17, gồm nhà giải phẫu bệnh lý - Bệnh viện Quân y, các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa Thường Tín, Sơn Tây, Hà Đông, công trình Bệnh viện K; 19 dự án chống sạt lở kè bờ sông và công trình thoát lũ; Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố, trụ sở của Viện khoa học hành sự; Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam.