'Mỹ nữ buôn voi' một thời của bản Đôn
- Thứ năm - 09/02/2012 23:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sao Thoon Chăn
Người đẹp buôn voi xuyên Quốc gia
Sao Thoon Chăn, ở Buôn Trí, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc giờ đã gần 90 tuổi. Với độ tuổi này, nhiều cụ cũng đã cỏ phủ rêu xanh nhưng trời vẫn cho bà sức khỏe đến lạ thường, vẫn minh mẫn để hồi tưởng chậm rãi lại quá khứ một thời vàng son của mình.
Trong câu chuyện lơ lớ tiếng Kinh, chúng tôi phải cố gắng nhờ người phiên dịch câu được, câu mất, chắp nối, xâu chuỗi lại cuộc đời của người đàn bà “hồng nhan bạc mệnh này”.
Thời ấy, Sao Thoon Chăn chỉ là một cô bé mới lớn lên nhưng đã phải chấp nhận cảnh bôn ba cùng mẹ xuôi theo dòng Sêrepôk từ nước bạn Lào lạc bước đến vùng bản Đôn. Cả hai mẹ con thấy vùng đất trù phú, cảnh buôn bán nhộn nhịp nên quyết định dựng lều an cư lập nghiệp.
Mỹ nhân bản Đôn Sao Thoon Chăn. |
Thế nhưng, cuộc sống ở đây lại khắc nghiệt hơn những gì mẹ của bà nghĩ. Không mảnh đất cắm dùi, không nghề nghiệp, hai mẹ con phải gõ cửa từng nhà xin làm thuê, lên rẫy xuống suối để tìm kế sinh nhai, bám trụ với cuộc sống.
Năm tháng qua đi, Sao Thoon Chăn càng lớn, càng xinh đẹp, khiến cho bao trai bản dòm ngó, ánh mắt đưa tình nhưng bà vẫn lắc đầu từ chối. Bước ngoặc bắt đầu rẽ ngang cuộc đời của bà khi có lần tình cờ nghe được câu chuyện của “vua” săn voi A Ma Kông, với những chiến tích lừng lẫy thuần phục hàng trăm con voi, tiếng danh vang vọng vượt khỏi núi rừng bản Đôn.
Chuyện già A Ma Kông là một huyền thoại sống về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng trong bản thì khỏi cần nói. Thế nhưng, chuyện Sao Thoon Chăn có nảy sinh ý định sẽ sống chết bằng nghề với voi thì lúc đó dường như là câu chuyện quá lạ lẫm, ngay chính người mẹ của bà khi biết chuyện bỗng nhảy cẫng lên như giẫm phải gai. Con gái đằng này tuổi ở trong bản đã có con bồng, cháu bế thì đứa con gái xinh đẹp, nết na của mình lại vẫn lẻ bóng đi về, giờ thêm nghề lạ lùng nữa thì thật không thể chấp nhận được.Vậy nhưng, bất chấp ý kiến phản đối, bà vẫn kiên quyết đi theo nghề lựa chọn.
Hồi đó ở bản Đôn, nhà nào cũng có voi, ra ngõ là gặp voi. Chiều đến, từng đàn voi tập trung ra bến nước sông Sêrepôk, hồ Đắk Minh giong vòi hút, phun nước trắng trời, đùa giỡn làm náo nhiệt cả một vùng sông nước giữa rừng già. Bản Đôn trước đây voi về cư ngụ đông đúc, đàn voi có lúc còn nhiều hơn cả dân số của bản. Tất cả các trai tráng trong làng đều tập hợp lại, bỏ rẫy vào rừng săn, bắt voi.
Tuy nhiên, nghề buôn voi thì ít người dân nào trong bản nghĩ tới. Hay nói cách khác, hai từ “kinh doanh” là một điều gì đó quá xa xỉ với người dân thời bấy giờ, nhưng bà đã dám nghĩ và làm được. Thậm chí là phất lên trở thành một thương nhân có quyền và tầm ảnh hưởng bao trùm khắp các tỉnh Tây Nguyên.
Có thể nói, Sao Thoon Chăn là người rất thức thời khi nắm bắt ngay cơ hội và nhận thấy tiềm năng của bản Đôn là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông Sêrepôk. Đặc biệt, qua tiếp xúc với nhiều lính thực dân Pháp sang đô hộ, bà đã biết được nhu cầu mua voi của nhiều lái thương nước ngoài nên nắm bắt ngay cơ hội làm ăn.
Lúc đầu, bà chỉ buôn bán voi nhỏ lẻ, buôn bán qua tay với nhiều người dân trong bản Đôn kiếm chút lời. Lâu dần, khi đã có “nghề” trong tay, bà mở rộng mạng lưới buôn bán voi ra các nước Lào, Thái Lan, và sang cả Châu Phi, Châu Âu… Chuyến đi nhớ nhất của bà là đưa voi vượt đại trùng dương ròng rã hơn 3 tháng trời mới đến được nước Pháp.
Lần ấy, có một vị tướng Pháp đang cai trị ở Buôn Đôn thích voi và qua mối lái rất thích tính cách làm ăn sòng phẳng, giữ chữ tín của bà nên cứ nhất quyết yêu cầu bằng mọi giá, tốn kém đến mấy bà cũng phải đưa bằng được voi từ bản Đôn qua Pháp. “Đây là chuyến đi khó nhất của già vì suốt 3 tháng trời, đi theo hộ tống voi, mang thức ăn, chăm sóc, lênh đênh trên sóng biển mới đưa được voi sang bên kia bờ đại Dương. Lúc đó, già chỉ thở phào nhẹ nhõm vì vừa hoàn thành được công việc khá nặng nề”, bà kể.
Sau lần đó, bà càng được tiếng thơm, nhiều thương lái khắp nơi đổ về hợp tác làm ăn và bà được nhiều người biết đến thêm một tên gọi nữa là người con gái tài sắc, giàu bậc nhất ở bản Đôn, sánh ngang cùng với “vua” A Ma Kông.
Chân dung người từng là cô gái Sao Thoon Chăn, người đàn bà tuyệt sắc buôn voi ở bản Đôn. |
Cuối đời lẻ bóng
Giàu có, nổi tiếng, vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng năm tháng qua đi, nếp nhăn thêm hiện hữu nhưng bà vẫn miệt mài với những chuyến buôn voi, lẻ bóng ngược xuôi trên hành trình mưu sinh.
Thủa ấy, có biết bao người cũng đã đến gõ cửa muốn rước bà về làm vợ nhưng thấy bà vẫn kiên quyết từ chối nên đám trai bản cứ thưa dần.
Có lần, đích danh Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ chế độ cũ những năm trước 1975, nghe danh bà nên trong một lần ở Buôn Ma Thuột, đã ghé về tỉnh Đắc Lắc, ngược xuôi bản Đôn để gặp bà và những người săn voi rừng.
Lần đầu tiên gặp, Tướng Thiệu cứ nhìn bà thật lâu, trầm trồ khen ngợi và không tin nổi sự thật trước mắt mình là người con gái đã khiến bao trai tráng bản Đôn bị “khuất phục” bởi vẻ đẹp và sự tháo vát, giỏi giang. “Kỷ niệm nhất của già là ông Thiệu bảo đứng lại gần chụp chung tấm ảnh làm kỷ niệm”, bà Sao Thoon Chăn nhớ lại.
Nhưng số phận nghiệt ngã lớn nhất của đời bà lại chính vì quá giỏi và sắc nước hương trời ấy. Tuổi trẻ miệt mài bôn ba tứ xứ lập danh, cuối đời bà vẫn một mình đơn bóng, số tiền bao năm tích cóp cũng hết dần.
Năm nay đã ở độ tuổi tri thiên mệnh, trên nếp mặt nhăn nheo, hằn vết chân chim, ánh mắt của bà vẫn đau đáu khi đã bỏ lỡ một thời thanh xuân, để giờ cuối đời, dù sống trong cảnh con cháu đông đủ nhưng bà vẫn thiếu đi hơi ấm của một người đàn ông bên cạnh. Giờ, niềm vui tuổi xế chiều lớn nhất của bà lúc này chính là có được những đứa con nuôi mà qua năm tháng bà nhận làm mẹ đỡ đầu.
Theo Infonet