Hồn nhiên gọi “sếp” là chú, là ông
Xưng hô với "sếp" lớn tuổi - tưởng rất đơn giản nhưng lại là vấn đề “nhức đầu” của không ít sinh viên, cử nhân mới ra trường khi đi thực tập hay đi làm. Bạn Trần Thị Hương Phương, SV năm cuối ngành Tài chính Ngân hàng (ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM) chia sẻ rằng, băn khoăn lớn nhất của bạn trong kỳ thực tập sắp tới là không biết nên xưng hô thế nào với bác giám đốc lớn tuổi. Gọi “anh” thì cô thấy bứt rứt, khó mở miệng, còn gọi là "chú, bác" lại sợ bị trách là chê người ta già.
Với SV hoặc cử nhân mới ra trường độ tuổi từ 20 – 24 khi mới đến công ty, cơ quan làm việc gặp những người ở độ tuổi bằng bố, thậm chí ngấp nghé tuổi ông bà mình thì việc xưng hô là "chú - cháu" rất hợp lý với cách xã giao thông thường. Nhất là với những bạn khả năng giao tiếp hạn chế, ít tiếp xúc thì họ rất ngại ngần, khó mở miệng để gọi những người lớn tuổi là "anh, chị".
“Mới đầu em nghĩ cô ấy lãng tai nhưng sau em mới biết cô ấy nói với mọi người rằng “Mình già lắm hay sao mà nó gọi là cô. Nó cũng già tuổi rồi đâu phải con nít gì nữa”. Để gọi những người hơn tuổi bố mẹ mình là "anh, chị", em thấy khó quá. Ngại đã đành mà còn cảm giác mình thiếu tôn trọng người lớn”, H bộc bạch.
Nguyễn Ngọc Lan, cựu SV trường CĐ Bách Việt cũng được phen hết hồn trong ngày đầu đến nhân việc tại một công ty du lịch. Thấy vị giám đốc đã gần 60 tuổi, Lan gọi ngay là “chú” không chút lấn cấn thế nhưng gọi hoài “chú” không đáp lại.
Một lúc sao "chú" mới trả lời: “Mấy ngày đầu em làm quen với công việc, mọi người đã nhé. Có gì khó khăn anh sẽ chỉ dẫn thêm” làm Lan méo mặt vì “hớ”. Cũng may cho Lan, ông không phải là người để bụng, thẳng thắn nhắc luôn: “Cứ gọi anh cho dễ làm việc” nên cô còn đường để lui.
Lan nói: “Chú ấy mở lời như vậy nên mình gọi anh cũng không thấy khó khăn lắm, gọi miết rồi quen. Nhưng đôi lúc quên vẫn gọi nhầm là… chú”.
Gọi “anh” cũng không xong
“Tôi lớn hơn tuổi bố/mẹ cô đấy, mà cô gọi là anh anh/chị thế à?”, không ít bạn trẻ khi mới đi làm đã nghe câu này khi gọi sếp lớn tuổi là anh/chị. Trong trường hợp này, không phải bạn nào cũng kịp thời chữa cháy: “Tại em nhìn anh/ chị trẻ quá” nên đành bị mang tiếng là không thiếu tôn trọng cấp trên.
Ngọc Mai, 21 tuổi, SV ngành quản trị kinh doanh kể rằng, mình đã rơi vào hoàn cảnh hết sức khốn đốn trong kỳ thực tập chỉ vì gọi sếp U60 là… "anh" dù thực tế Mai thấy gọi là “chú” là hợp lý, thoải mái nhất nhưng cô sợ gọi vậy mếch lòng sếp.
Không ngờ, nghe Mai gọi giám đốc như vậy, nhân viên trong phòng đều nhìn cô đầy mỉa mai khi cho rằng cô không nghiêm túc, lẳng lơ. Sau đó Mai bàng hoàng khi biết nhân viên đều rất kính cẩn gọi vị giám đốc này là "chú", nhiều người trẻ còn gọi "bác" rất kính trọng nhưng cũng đầy thân thiện.
Hóa ra vị giám đốc vốn rất khó chịu với ai bằng tuổi con, tuổi cháu mình mà gọi mình bằng "anh" vì ông nghe còn thấy ngượng. Ông cho rằng người đó thiếu sự trung thực và chân thành. Mai muốn “gỡ gạc” lại cũng không dễ vì không chỉ giám đốc mà mọi người trong công ty đều đã mất thiện cảm với cô.
Mai trách mình lẽ ra ra trước khi vào làm việc cô phải tìm hiểu kỹ về văn hóa, môi trường của công ty. Nếu để ý quan sát cách xưng hô của mọi người, tham khảo ý kiến của nhân viên nào đó hoặc ít nhất là cô xưng hô đúng với suy nghĩ tình cảm của mình thì đã không bị “vố” nặng như vậy.
Xưng hô cần sự chân thành
Tâm lý mọi người, nhất là người lớn tuổi luôn mong mình được trẻ hơn trong mắt người khác nên không khó hiểu nhiều người đều thích được nhân viên trẻ gọi là anh, là chị. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, sự chân thành của người đối diện trong cách xưng hô mới là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, một Phó giám đốc ngân hàng cho rằng cách xưng hô quá nhiều phân cấp văn hóa Việt Nam đôi khi trở thành rào cản cho môi trường công nghiệp, kinh doanh. Hiện nay, nhiều bạn đi làm để thể hiện khả năng của mình mà phải đặt nặng vấn đề “gọi” như thế nào.
“Nếu một ông sếp lớn tuổi thích mình gọi bằng anh, mình cứ gọi là anh. Nhưng nên nhớ, xưng hô với mục đích xu nịnh, suy nghĩ vụ lợi, nhiều toan tính là không nên”, ông Điệp nói.
Vừa là một chuyên gia kinh tế, vừa là diễn giả kỹ năng sống, ông Lý Trường Chiến, thành viên Ủy ban quốc tế tư vấn về quản trị kinh doanh ICMC đánh giá, cách xưng hô phong phú của Việt Nam rất hay. Qua cách xưng hô có thể thể hiện được tình cảm, sự tôn kính của mình với người đối diện.
Theo ông Chiến, các bạn có thể xưng "anh – em, chú – cháu"… xuất phát từ chính tình cảm của mình cũng như khi điều đó giúp bạn cảm thấy tự tin, giữ được chính trực, lập trường của mình. Đôi khi lớn tuổi chưa chắc người ta đã "già" mà ít tuổi chắc gì đã "trẻ". Khi xưng hô bắt nguồn từ sự chân thành, bạn sẽ không phải lăn tăn, lo lắng người khác nghĩ gì về mình.
Nguồn dân trí
Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...