Công nghệ sinh thái NPK GAP & BVTV - Giới thiệu về VietGAP

Thứ bảy - 23/11/2013 21:24

Minh họa

Minh họa
Sản xuất nông nghiệp an toàn ngày càng là yêu cầu bức xúc, hết sức quan trọng đối với cả người sản xuất, tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội góp phần quan trọng phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm sạch chất lượng cao có sức cạnh tranh trong thị trường hội nhập, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khoẻ cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và sự phát triiển bền vững của nông nghiệp, nâng cao lợi nhuận và dân trí kỹ thuật cho nhà nông.

Nội dung

1. Gap là gì? VietGAP là gì?
2. Tại sao phải thực hiện GAP?
3. Bảy nguyên tắc của GAP
4. Bảy mục tiêu của GAP
5. Giới thiệu một số GAP trên thế giới và khu vực
6. Giới thiệu về VietGAP
7. Thực trạng sản xuất rau an toàn ở Việt nam
8. Giải pháp mở rộng thưc hiện VietGAP ở Việt nam
9. Công nghệ vi sinh hữu hiệu-EM (EMRO-Nhật bản) và chế phẩm TB-E2 trong sản xuất rau an toàn.

 
I. VIETGAP LÀ GÌ?
VietGAP: là cụm từ viết tắt của tiếng Anh có nghĩa là "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt" của Việt Nam (tương ứng như thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu - GlobalGAP; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Asean - AseanGAP..). Quy trình Vietgap là quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, bao gồm những nguyên tắc, trình dự, nội dung, thủ tục, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Theo FAO “Gap là quá trình thực hành canh tác, chế biến tại trang trại hướng tới sự bền vững của môi trường, kinh tế và xã hội và kết quả là an toàn và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp”.                               
Sản xuất rau, quả, chè an toàn theo VietGAP là việc tổ chức sản xuất rau, quả, chè theo quy trình và đảm bảo các tiêu chuẩn của VietGAP của các tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại.
Rau, quả an toàn là sản phẩm tươi được sản xuất, thu hoạch, sơ chế phù hợp quy trình sản xuất rau, quả, chè an toàn theo VietGAP, được cơ quan chức năng cấp giấy "chứng nhận sản xuất rau, quả, chè an toàn, sản phẩm khi sử dụng đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt về dư lượng nitrat đạm, hoá chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.
Tổ chức chứng nhận sản xuất rau, quả, chè an toàn là Tổ chức có đủ điều kiện về tư cách pháp nhân, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực được cơ quan có thẩm quyền Nhà nước chỉ định trong việc kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận sản xuất rau, quả, theo quy trình VietGAP.
II. TẠI SAO PHẢI THỰC HIỆN GAP?
Sản xuất nông nghiệp hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn cần phải giải quyết nhằm phát triển bền vững.
1. Đó là thách thức và mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và thị trường với  bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
2. Đó là thách thức và mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
3. Đó là thách thức và mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với lợi ích và phúc lợi của người lao động.
4. Đó là thách thức và mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất nông nghiệp với sức khỏe cộng đồng. 
5. Đó là mâu thuẫn giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa số lượng và chất lượng.
6. Đó là mâu thuẫn giữa lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng.
7. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển trước mắt và lâu dài.
8. Đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cơ chế thị trường và hội nhập
Những thách thức trên đòi hỏi các quốc gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà sản xuất và người tiêu dùng phải nghiên cứu xây dựng và lựa chon những con đường phát triển phù hợp, những phương thức sản xuất, những công nghệ mới, hiệu quả đồng thời đảm bảo hài hoà các lợi ích. Tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt GAP ra đời là nhằm đáp ứng yêu cầu đó đảm bảo cho nông nhiệp phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất và tiêu dùng, lợi ích của xã hội, sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Từ những năm 90 xuất hiện EUROGAP ở Châu âu, sau đó là GLOBALGAP toàn cầu, ASEANGAP và năm 2008 Việt nam ban hành VIETGAP tại QĐ 379/QĐ-BNN ngày 28-12008 và Quy chế chứng nhận VIETGAP tại QĐ số 84/2008/QĐ-BNN ngày 28-7-2008 của BộNN&PTNT.
III. BẢY NGUYÊN TẮC CỦA GAP
1. Quản lý: quản lý dịch hại-IPM, quản lý sản xuất, quản lý đồng ruộng-ICM.
2. Hệ thống: các biện pháp, cả quá trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ.
3. Khoa học: các tiến bộ kỹ thuật, biện pháp được sắp xếp khoa học.
4. Thực tiễn: phù hợp từng điều kiện cụ thể của sản xuất và cây trồng.
5. Khả năng truy tìm xuất sứ
6. Minh bạch: ghi chép nhật ký sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, thương hiệu.
7. Pháp lý: chứng nhận…
IV. BẢY  MỤC TIÊU CỦA GAP
1. Đảm bảo năng suất-số lượng-chất lượng cho an ninh lương thực thực phẩm của xã hội
2. Đảm bảo sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp, tính đa dạng sinh học của tự nhiên và sản xuất nông nghiệp.
3. Đảm bảo sự phát triển bền vững và hạn chế ô nhiễm của môi trường thông qua các biện pháp quản lý, tiến bộ khoa học công nghệ thân thiện môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật
4. Đảm bảo phúc lợi cho ngườ sản xuất.
5. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng.
6. Đảm bảo hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp và khả năng cạnh tranh, xâm nhập thị trường quốc tế.
7. Đảm bảo khả năng truy nguyên nguồn xuất sứ của hàng hóa.
V. GIỚI THIỆU MỘT SỐ GAP
1. GlobalGap (trước 9/2007 gọi là EuroGap). Tổ chức tư nhân xây dựng, đến 2007 có 35 thành viên ở Châu Âu và Nhật (www.globalgap.org)
2. AseanGap, ThaiGap, JGap , ChinaGap, IndiaGap
VI. GIỚI THIỆU VIETGAP
Nội dung chủ yếu của quy trình sản xuất rau quả an toàn theo Vietgap
Vietgap áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh, kiểm tra và chứng nhận sản phẩm rau - quả  tươi an toàn tại Việt Nam, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Vùng sản xuất rau quả an toàn phải được đánh giá và xác nhận có đủ điều kiện tự nhiên theo quy định để sản xuất rau quả an toàn, trong đó không bị ô nhiễm hoá học, sinh học, đất trồng và nước tưới cũng như một số điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc sản xuất rau, quả, chè an toàn và sơ chế rau, quả, chè an toàn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     
2. Đảm bảo nhân lực cho sản xuất rau, quả, chè an toàn phải được tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau quả an toàn và cấp chứng chỉ kỹ thuật.
3. Quản lý và sử dụng nước: nước tưới và xử lý sau thu hoạch, sơ chế phải đảm bảo tiêu chuẩn hiện hành của Việt nam. Không sử dụng nước bẩn, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi.
4. Quản lý và sử dụng giống: giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
5. Quản lý và sử dụng phân bón: lựa chọn các loại phân bón phù hợp cây giống, chất đất, hiệu quả, ít gây ô nhiễm. Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Không sử dụng phân tươi, nước giải tươi, phân hữu cơ chưa qua xử lý, phân bón mua có hồ sơ.
6. Quản lý và sử dụng hoá chất nông nghiệp, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng hợp lý các hoá chất phân bón và hoá chất bảo vệ thực vật, không lạm dụng, đúng kỹ thuật, theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho rau, quả, tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học và thảo mộc, thuốc độ độc thấp (Bảng III và IV). Chỉ mua thuốc bảo vệ thực vật ở các địa chỉ hợp pháp và tin cậy. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly. Xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng      hướng dẫn. Có hồ sơ theo dõi việc mua, bảo quản và sử dụng hoá chất nông nghiệp. Có chế độ kiểm tra việc sử dụng hoá chất nông nghiệp, dư lượng hoá chất trong cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời.
7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: đảm bảo đúng thời kỳ thu hoạch, cố gắng thu hoạch và sơ chế tập trung, hạn chế để sản phẩm rau, quả qua đêm, tiếp xúc trực tiếp với nền đất bẩn, có lẫn các tạp chất. Nhà xưởng, thiết bị, thùng chứa phải đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm.
8. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm. Một điều rất quan trọng, đặc biệt phục vụ việc chứng nhận sản xuất rau, quả, chè an toàn là việc mỗi tổ chức và cá nhân sản xuất phải có sổ sách ghi chép quá trình sản xuất của từng cây rau, vườn cây ăn qủa. Sảm phẩm phải được ghi rõ vị trí và mã số của tổ sản xuất, khi xuất bán phải ghi rõ thời gian bán, nơi nhận và được lưu trữ. Thùng chứa sản phẩm, bao bì phải có nhãn mác để giúp truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.
9. Kiểm tra nội bộ: Tổ  chức cá nhân sản xuất rau an toàn theo Vietgap, phải có chế độ kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, việc ghi chép và lưu trữ hồ sơ, bổ khuyết kịp thời các thiếu sót.
Chứng nhận sản xuất rau quả chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap
1. Cần nhận thức và hiểu đúng tính chất của việc chứng nhận sản xuất rau quả chè an toàn vì, khác với trước đây chứng nhận chất lượng sản phẩm trước khi vào lưu thông (điều trong thực tế hầu như hiện nay không thể làm được vì mặt thời gian, tốn kém, đòi hỏi phương tiện), theo quy chế mới chuyển sang "chứng nhận việc thực hiện quy trình sản xuất rau quả chè an toàn theo Vietgap" như vậy là chứng nhận cả một quá trình sản xuất, chứng nhận từ gốc sẽ đảm bảo chính xác khách quan hơn!
2. Lợi ích của việc chứng nhận sản xuất rau quả chè an toàn là: Xác nhận mang tính pháp lý chất lượng sản phẩm từ đó tạo niềm tin cho cả người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và nhà quản lý; tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, là căn cứ cho việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để nông sản của nước ta vào được thị trường khu vực và thế giới.
Chứng nhận thực hiện sản xuất rau quả chè an toàn theo Vietgap là việc đánh giá và xác nhận việc thực hiện quy trình sản xuất rau, quả, chè của nhà sản xuất phù hợp Vietgap. Giấy chứng nhận này do Tổ chức chứng nhận cấp cho nhà sản xuất khi đáp ứng các yêu cầu quy định.
Đăng ký chứng nhận VietGAP thực hiện theo trình tự sau
1. Nhà sản xuất gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận VietGap về Tổ chức chứng nhận.
Hồ sơ đăng ký gồm:
a. Giấy đăng ký chứng nhận VietGap theo mẫu tại Phụ lục 1 của quy chế
b. Bản đồ giải thửa và phân lô khu vực sản xuất, bản thuyết minh về thiết kế, bố trí mặt bằng khu vực sản xuất, xử lý sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản.
c. Kết quả kiểm tra nội bộ theo quy định tại điều 8 quy chế.
2. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký Tổ chức chứng nhận xem xét hồ sơ, hướng dẫn bằng văn bản cho nhà sản xuất bổ sung hồ sơ còn thiếu hoặc chưa đúng quy định.
3. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ. Tổ chức chứng nhận thoả thuận để ký hợp đồng chứng nhận Vietgap với nhà sản xuất. Hợp đồng cần bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của hai bên trong hoạt động chứng nhận VietGap
Kiểm tra chứng nhận VietGap
1. Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ khi ký  hợp đồng chứng nhận, tổ chức chứng nhận thành lập đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra lần đầu tại địa điểm sản xuất của nhà sản xuất.
2. Trong thời hạn không qúa 10 (mười) ngày làm việc sau khi kết thúc kiểm tra, tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận VietGap cho nhà sản xuất đủ điều kiện.
Nếu nhà sản xuất chưa đủ điều kiện để đáp ứng VietGap thì tổ chức chứng nhận thông báo sai lỗi cho nhà sản xuất để khắc phục trong một thời hạn nhất định. Sau khi khắc phục sai lỗi, nhà sản xuất gửi báo cáo khắc phục sai lỗi  về tổ chức chứng nhận để kiểm tra lại.
3. Giấy chứng nhận VietGap phải có các nội dung bắt buộc sau.
a. Tên, địa chỉ của Tổ chức chứng nhận;
b. Tên, địa chỉ của nhà sản xuất được chứng nhận. Trong trường hợp nhà sản xuất được chứng nhận Vietgap là tổ chức có nhiều thành viên thì phải kèm theo danh sách thành viên (họ tên, địa chỉ, địa điểm, diện tích sản xuất).
c. Phạm vi chứng nhận VietGap, tên sản phẩm (tên loài), địa điểm sản xuất (kèm theo bản đồ giải thửa), diện tích sản xuất, số vụ sản xuất, sản lượng dự kiến trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận;
d. Mã số chứng nhận Vietgap của nhà sản xuất theo quy định.
đ. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận.
4. Giấy chứng nhận VietGap có hiệu lực không quá 01 (một) năm kể từ ngày cấp.
Kiểm tra giám sát
Tổ chức chứng nhận kiểm tra giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc duy trì thực hiện Vietgap của nhà sản xuất. Kết quả kiểm tra giám sát là căn cứ để tổ chức chứng nhận quyết định duy trì, cảnh cáo, đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Kiểm tra nội bộ
Nhà sản xuất phải tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi năm một lần để tự đánh giá sự phù hợp của thực hành sản xuất, ghi chép và lưu chữ hồ sơ theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) cho rau, quả và  an toàn. Nhà sản xuất phải lưu trữ và báo cáo kết quả kiểm tra nội bộ khi có yêu cầu của tổ chức chứng nhận hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Công bố sản phẩm được sản xuất theo VietGap
Nhà sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGap gửi hồ sơ công bố sản phẩm được sản xuất theo VietGap đến Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn nơi nhà sản xuất đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:
Bản công bố sản phẩm được sản xuất theo VietGap theo mẫu của quy chế.
Bản sao hợp pháp giấy chứng nhận VietGap
Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn ra thông báo tiếp nhận bản công bố sản phẩm sản xuất theo VietGap theo mẫu tới nhà sản xuất.
Thu hoạch, khai báo xuất xứ
Nhà sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGap lập giấy khai báo xuất xứ cho từng lô sản phẩm được chứng nhận VietGap khi xuất bán sản phẩm. Giấy khai báo xuất xứ phải có các nội dung: Tên sản phẩm, khối lượng, tên, địa chỉ, mã số chứng nhận của nhà sản xuất, số giấy chứng nhận VietGap, ngày cấp, tên tổ chức chứng nhận, tên và địa chỉ người mua sản phẩm, ngày xuất bán. Giấy khai báo xuất xứ 1 bản kèm theo hàng bán, 1 bản lưu trữ.
Sản xuất và chứng nhận sản xuất rau an toàn là một phương thức sản xuất mới, một công nghệ mới cần được quan tâm thực hiện sớm và tốt vì sự phát triển bền vững của sản xuất, cộng đồng và môi trường.
VII. HIỆN TRẠNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN Ở VIỆT NAM
1. Chủ trương đã có, nhiều văn bản pháp lý của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh về quản lý và chứng nhận sản xuất rau an toàn, của các Bộ nghành như Bộ Tài nguyên-Môi trường, Y tế có liên quan đến sản xuất rau an toàn và an toàn thực phẩm đã được ban hành.
2. Quy hoạch vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn của một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu được chú ý triển khai nhưng chưa nhiều, chất lượng chưa cao, thiếu đồng bộ cả về quy hoạch và đầu tư.
3. Chỉ đạo xây dựng mô hình đã được quan tâm triển khai, song tính khả thi thiếu thuyết phục, chủ yếu bằng kinh phí ngân sách, chưa đồng bộ và khép kín từ quy hoạch - sản xuất - chứng nhận - chế biến và tiêu thụ.
4. Huấn luyện được quan tâm đầu tư và thực hiện nhất song chỉ thiên về kỹ thuật và đối
 tượng là nông dân sản xuất, chưa chú ý các đối tượng quản lý, kinh doanh. Công việc sau huấn luyện ít được quan tâm.
5. Việc mở rộng sản xuất rau an toàn gặp nhiều khó khăn do chưa đảm bảo lợi ích người sản xuất, thiếu niềm tin của người tiêu dùng, tổ chức tiêu thụ bị thả nổi, sản xuất manh mún, chưa có sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp, cơ sở pháp lý và áp lực xã hội đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn còn hạn chế.
6. Công tác chứng nhận VietGap còn nhiều khó khăn do thiếu nhận thức, thiếu áp lực từ phỉa nhà nước và tiêu dùng, Tổ chức chứng nhận còn ít, chính sách đầu tư hỗ trợ ban đầu của nhà nước thiếu .
VIII. GIẢI PHÁP MỞ RỘNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN NHANH VÀ BỀN VỮNG
1. Quy hoạch sản xuất theo vùng, chuyển nhanh từ quy mô hộ nhỏ lẻ manh mún sang quy mô trang trại, doanh nghiệp, mở rộng vùng rau chuyên canh sẽ thuận tiện cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng Vietgap, huấn luyện, chứng nhận, tiêu thụ, giám sát, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu.
2. Xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn quy mô vừa và lớn, khép kín từ sản xuất-chứng nhận-chế biến-tiêu thụ có tính khả thi. Xã hội hóa việc xây dựng mô hình, kết hợp 4-5 nhà, coi trọng sự tham gia của các doanh nghiệp. Tổ chức mạng lưới tiêu thụ rau, quả an toàn rộng rãi với nhiều hình thức phù hợp.
3. Coi trọng khâu chứng nhận: lựa chon tổ chức chứng nhận, đầu tư hỗ trộ ban đầu kinh phí chứng nhận, tạo áp lực pháp lý và xã hội đối với yêu cầu bắt buộc về chứng nhận Vietgap đối với rau, quả, chè an toàn. Rau, quả, chè an toàn VietGap và sản xuất theo VietGap phải có tem chứng nhận với logo Vietgap.
4. Tăng cường huấn luyện cả về quản lý, sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Huấn luyện nông dân theo phương pháp IPM ứng dụng trong công nghệ sản xuất rau, quả, chè an toàn.
5. Đổi mới tư duy đầu tư, tập trung cho quy hoạch, huấn luyện, xây dựng quy trình cho từng cây, từng vùng, cho công tác chứng nhận, cho kinh doanh. Thực hiện xã hội hóa việc đầu tư.
IX. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ EM (EMRO-NHẬT) VÀ CHẾ PHẨM TB-E2, TB-BK3, TB-E5 TRONG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN (có chuyên đề riêng)
1. Trong xử lý môi trường sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt nông thôn.
2. Trong chế biến , sản xuất phân vi sinh sạch từ phế thải nông nghiệp và sử dụng trong sản xuất rau an toàn.
3. Trong phun bón lá cho rau quả phòng bệnh hai, kích thích sinh trưởng.
4. Trong khử mùi, làm sạch môi trường bảo quản, sản xuất, kinh doanh và bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
 
Biên soạn: Kỹ sư Trương Quốc Tùng
Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam (VNPPA)
Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Phát triển nông thôn (STRDI), thuộc Hội Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam (SEARAV)




Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây