Lương y nói gì về cây Mật Gấu – Kim Thất Tai?

Thứ tư - 02/12/2015 20:16

Minh Hoạ

Minh Hoạ
"Cây Mật Gấu có nguồn gốc từ Malaysia và mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 4 năm nay, nó có thể chữa chứng lên máu (huyết áp cao), trị đau khớp, ngứa… và không có độc tính", vị lương y nói.
“Sách Dược chưa công nhận dược tính của Mật Gấu”

Như thông tin đã đăng ở những kỳ trước, cây Mật Gấu - Kim Thất Tai được nhiều người uống nước lá thay trà và đã khỏi những bệnh nan y như ông Tám Khai, bà Hạnh đã khỏi bệnh tiểu đường, bà Dưỡng khỏi đau khớp nặng, có người còn khỏi cả bệnh trĩ.

PV đã mang theo nhánh lá Mật Gấu còn tươi, tìm đến lương y Nguyễn Hồng Ảnh, giảng viên Trung học Cao cấp Lương y TP. Cần Thơ, nguyên cán bộ Bệnh viện Y học cổ truyền TP. Cần Thơ. 

Sau khi xem xét kỹ nhánh lá, ông Ảnh khẳng định: “Đúng là cây Mật Gấu! Lá cây có vị đắng, tính mát, nên chúng ta có thể nghĩ nó có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc. Tuy nhiên, dược tính của nó lại chưa được công nhận. Sách Dược cũng chưa ghi nhận dược tính của cây này!”.
 
Theo ông Ảnh, cây Mật Gấu có nguồn gốc từ Malaysia và mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 4 năm nay. Ban đầu, người ta gọi tên theo xuất xứ của nó là cây Malay. Dần về sau, do vị đắng của lá cây, nên nhiều người gọi là cây Mật Gấu. Đây là giống cây thuộc họ Cúc.
 
Lương y Phạm Văn Bồi, phụ trách Phòng Khám Đông y từ thiện xã Trường Thành (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) thì công nhận ít nhiều về công dụng của cây này.

Ông nói, chính từ quá trình điều trị mỗi ngày cả trăm bệnh nhân, nên ông biết: “Cây Mật Gấu, hay còn gọi là Kim Thất Tai, có dược tính chứ! Nó có thể chữa chứng lên máu (huyết áp cao), trị đau khớp, ngứa… và không có độc tính. Tuy nhiên, nếu uống nhiều có thể làm tụt huyết áp. Ai mà bị ngứa, cứ đổ lá vào nước rồi nấu sôi, bỏ thêm cục phèn chua nhỏ, tắm là dứt bệnh”.
 
Lương y nói gì về khả năng chữa bệnh thần kỳ của cây Mật Gấu – Kim Thất Tai?
Lương y Phạm Văn Bồi
 
Theo ông Bồi, cây Mật Gấu cũng có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: “Có người cũng trị hết bệnh bằng lá cây này, nhưng tùy cơ địa và nói chung là tỷ lệ rất thấp”. Ông cho biết, bản thân ông cũng từng sử dụng Mật Gấu trong điều trị bệnh tiểu đường, nhưng phải kết hợp với nhiều loại cây khác. Có 3 loại Mật Gấu, gồm loại lá lớn, lá vừa và lá nhỏ. “Loại lá nhỏ trị tiểu đường tốt nhất”, ông nói.
 
“Tôi đã sử dụng cây Mật Gấu để điều trị bệnh tiểu đường”

 
Nhằm làm rõ hơn công dụng của cây Mật Gấu, PV đã có cuộc trao đổi cùng lương y Phạm Văn Bồi, phụ trách Phòng khám Đông y từ thiện xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ.
 
- PV TT&ĐS: Thưa lương y, ông biết đến cây Mật Gấu khi nào?
- Lương y Phạm Văn Bồi: Khoảng 2 năm trước. Khi đó, người ta đồn rộ lên rằng cây này có thể chữa được bệnh cao huyết áp. Các lương y như chúng tôi phải luôn tìm tòi, nghiên cứu những cây thuốc mới trong điều trị. Do đó, chúng tôi đã tìm cây này nhưng lúc đó khá khan hiếm. 

Lùng mãi, chúng tôi mới xin được cây giống ở Sóc Trăng, trồng sau lưng phòng khám và đang phát triển rất tốt (PV đã tìm xem thử và thấy loại này y chang với loại Mật Gấu mà ông Viêm, ông Trước đang trồng). Cây này có 3 loại, 1 loại thân thấp, lá to. Loại thứ 2 thân dài có thể cao 3-4m, ra hoa màu tím, lá to và tròn. Còn loại thứ 3 lá nhỏ chỉ độ 2 ngón tay, thân thấp. 
 

Cây Mật Gấu - Kim Thất Tai
 
- Nhưng đến nay, ông đã từng sử dụng cây Mật Gấu để điều trị cho ai chưa?
- Có chứ! Nó có thể trị khớp, ngứa, cao huyết áp. Ai bị cao huyết áp, cứ cho họ 100g lá khô, đổ vào 1 lít nước, đun sôi để nguội và uống hàng ngày khá hiệu quả. Một số người chỉ uống 1-2 tháng là dứt bệnh. Sau này tìm hiểu thêm, tôi thấy nó cũng có thể trị được bệnh tiểu đường, nhưng yếu. Còn cây Mật Gấu loại thứ 3 mà tôi đã kể, trị tiểu đường hiệu quả nhất trong 3 loại.
 
- Nhưng vậy ông vẫn công nhận hiệu quả trị tiểu đường của cây Mật Gấu?
- Thực ra Đông y vẫn chưa xác nhận rõ, riêng tôi thấy có hiệu quả thì sử dụng điều trị. Nhưng nếu chỉ sử dụng đơn thuần cây Mật Gấu thì hiệu quả trị tiểu đường lại không cao, tùy cơ địa, 10 người chỉ có chừng 2-3 người giảm bệnh. 

Không riêng cây Mật Gấu, theo tôi thì khi điều trị bệnh, chẳng có đơn thuần loại cây nào có thể giúp hết bệnh, mà phải kết hợp nhiều loại. Như cây Nở ngày đất, nếu chỉ uống riêng mình nó thì làm sao trị được bệnh gout, mà phải kết hợp nhiều thứ khác. Nó chỉ hỗ trợ phần nhỏ về hiệu quả.

Do đó ở phòng khám này, tôi cho bệnh nhân bị tiểu đường uống kết hợp với những loại cây khác. Tôi cam đoan chỉ uống trong 7 ngày là trong 1 năm không lên đường, với điều kiện phải kiêng cữ đúng như tôi dặn. Đó là không được ăn đường thường, phải cữ ăn khổ qua, rau muống, rau lang. Khi ăn đồ kho, không được dùng nước mắm mà phải dùng muối. Cơm thì cứ ăn bình thường.
 
Mới sáng nay, một số người ở huyện Phong Điền, rồi ở tỉnh Sóc Trăng, sau khi uống mấy thang thuốc đầu tiên thấy hiệu quả nên đã giới thiệu và dắt theo rất nhiều người đến khám và xin thuốc mang về uống.
- Ông có thể cho biết cụ thể về bài thuốc trị tiểu đường có sử dụng cây Mật Gấu?
- Được chứ, nhưng nên nhớ bài thuốc chỉ mang tính tham khảo. Ai có bệnh, tốt nhất nên đến lương y khám và bốc thuốc, bởi tùy cơ địa, bệnh nặng hay nhẹ mà liều lượng hoặc các loại thuốc có thể thay đổi. 

Bài thuốc của tôi đang áp dụng là 20g bình bát (loại mọc ven mương vườn); 10g lá Mật Gấu; 10g Nàng Hai, 1 nhúm cây mắc cỡ (cây Trinh Nữ). Đổ 5 chén nước sắc lại còn 8 phân là dùng được. Cứ 14 thang uống trong 7 ngày là bảo đảm công hiệu. Nhưng khi lượng đường bình thường trở lại, phải loại cây mắc cỡ ra khỏi bài thuốc, vì nó có tính độc, không tốt.    
 
- Thế trước khi phát hiện cây Mật Gấu, thì bài thuốc trị tiểu đường của ông ra sao?
- Lúc đó, tôi chỉ sử dụng bình bát và mắc cỡ, nhưng hiệu quả không cao như bây giờ.

- Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây