Ông Dương Văn Phan (48 tuổi, ngụ ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường) cho hay vườn của ông bị cắt gần 20 gốc tiêu giống 4 năm tuổi. “Kẻ gian cắt ngang dưới gốc rồi lôi tuột cả trụ tiêu xuống để cắt lấy hom giống. Thà xin vài dây tiêu làm giống thì mình cho không tiếc, đằng này chúng lại cắt ngang gốc khiến dây tiêu không thể phát triển được nữa, quá tiếc công sức mấy năm chăm sóc!”, ông Phan bức xúc.
Cách rẫy ông Phan chừng 50 m là rẫy của ông Trần Văn Thông. Người nhà ông Thông cho biết vừa bị kẻ gian cắt mất 18 bụi tiêu. Năm trước gia đình ông Thông cũng bị cắt mất hơn 40 gốc tiêu. Để bảo vệ rẫy tiêu, cả nhà ông Thông phải cử người thay phiên nhau canh chừng 24/24 tại rẫy.
Đứng bần thần bên những hố trồng tiêu giờ chỉ còn là đất trống, ông Nguyễn Đình Hùng (53 tuổi, xã Xuân Trường) ngao ngán kể: “Kẻ gian vào rẫy nhổ mất của tôi 7 hàng tiêu giống chỉ mới trồng được 20 ngày”. Theo ông Hùng, để canh chừng nạn cắt trộm tiêu, gia đình ông bố trí hàng rào dây thép gai với cột bê tông chắc chắn, bên trong thì cho cắm cành lá che chắn cẩn thận. Thế nhưng, chiều tối vừa rời khỏi rẫy tiêu thì sáng hôm sau vào thấy hàng loạt gốc tiêu bị nhổ trộm! Theo người dân địa phương, tình trạng mất trộm dây tiêu đã diễn ra từ 3 – 4 năm nay.
Tương tự, hồi tháng 3.2015 tại xã Sông Thao (H.Trảng Bom, Đồng Nai) xảy ra vụ kẻ gian chặt hàng trăm gốc tiêu của anh Châu Vĩnh Bẩu. Anh Bẩu báo chính quyền địa phương. Công an xã Sông Thao và Công an H.Trảng Bom đến hiện trường lập biên bản, thống kê số gốc tiêu bị chặt và khám nghiệm hiện trường ghi nhận 175 gốc tiêu bị chặt không thể phục hồi. Trong khi vườn tiêu này trồng gần 20 năm, ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Vụ việc này đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Chẳng riêng gì tiêu, gần đây, nhiều hộ dân ở ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập (TX.Long Khánh, Đồng Nai) thì bị mất trộm sầu riêng. Ông H.T.S (người dân địa phương), phản ánh: “Kẻ trộm chạy cả xe máy vào rẫy, trộm mỗi vườn từ 20 – 30 quả chứ không ít”. Ông Lê Hồng Lâm, Trưởng công an xã Xuân Lập, xác nhận: “Mới đây công an xã bắt và xử lý 2 người ăn trộm sầu riêng. Hiện, chúng tôi vẫn thường xuyên thông báo lên loa đài, nhắc nhở bà con cảnh giác, trông nom vườn cây của mình trong mùa thu hoạch tránh bị trộm cắp”.
Không riêng gì Đồng Nai mà tình trạng trộm cắp còn xảy ra tại vùng nông thôn ở một số tỉnh thành khác. Vào cuối năm ngoái, khi vụ cà phê vừa bước vào thu hoạch, nhưng nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk đã phải đối mặt nạn trộm cắp. Ngày 20.10.2014, ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn 6, xã Ea Kpam, H.Cư Mgar) không đứng nổi khi thấy vườn cà phê bị trộm tuốt quả hơn 50 cây, có nhiều cây bị bẻ ngang cành đem đi. Trước đó, gia đình ông chuẩn bị thu bói 1,4 ha cà phê năm thứ 3 và ông nhẩm tính cà phê vụ đầu sẽ cho khoảng 2 tấn nhân, ước tính thu về khoảng 80 triệu đồng, nên đủ chi tiêu sau khi trừ chi phí. Khi ấy, ông đau đớn: “Vợ chồng tôi đã vay mượn mấy chục triệu đồng để chăm vườn cà phê này, vậy mà đến ngày thu hoạch thì bị trộm”. Khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó trưởng công an xã Ea Kpam, cho biết người dân đã trình báo hàng chục vụ mất trộm chỉ trong tháng đầu vụ thu hoạch.
Ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Ea H’Đing, H.Cư Mgar, thì cho biết năm nào trên địa bàn xã cũng xảy ra nạn trộm cà phê, có hộ bị trộm tới 6 lần trong một tháng. Trong đó, nhiều nhà vườn mất nhiều năm mới khắc phục được do kẻ trộm chặt cả cành.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở Kon Tum, Gia Lai. Nhiều lúc, dù chưa đến mùa thu hoạch, nhưng các chủ vườn đã phải lo lắng lên kế hoạch chống trộm. Năm ngoái, cà phê chưa chín tới đã bị trộm. Bà Lan Lan (47 tuổi, ở thôn Tân An, xã Ia Chim, TP.Kon Tum) từng bức xúc: “Nó tuốt đã đành, đằng này còn chặt cả cành mang đi, cà phê mất sức, sang năm lấy gì thu?”.
Ông Vũ Đình Duông (thôn An Hiệp, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) kể: “Tôi có 3.000 m2 cà phê. Sau một đêm chúng tuốt trộm sạch cà phê nhà tôi, khi vô thăm vườn rơi cả nước mắt nhưng không làm gì được”. Nhìn nhận với Thanh Niên, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), từng cay đắng cho biết nạn trộm cắp nông sản đã hoành hành nhiều năm nay, mỗi khi vào vụ thu hoạch và giá bán tăng cao.
Hở ra là mất
Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn H.Hoài Ân (Bình Định) liên tục xảy ra nhiều vụ trộm cắp xe máy của người dân đi làm rẫy để ở bìa rừng, đặc biệt là tại xã Bok Tới và xã Ân Nghĩa, khiến người dân rất bất an. Ngày 30.3, chị Nguyễn Thị Bích Hiền (23 tuổi, ở thôn Nghĩa Nhơn, xã Ân Nghĩa) để xe máy ở gần nghĩa trang thôn Nghĩa Điền, lên rẫy, khi quay lại thì xe đã mất. Sáng 6.4, bà Nguyễn Thị Nhung (64 tuổi, ở thôn Nghĩa Điền) đi làm rẫy dựng xe máy ở bìa rừng thôn Nghĩa Điền, khi quay lại thì chiếc xe cũng bị trộm. Ngày 5.4, ông Nguyễn Văn Tiếng (53 tuổi, ở Phú Khương, xã Ân Tường Tây, H.Hoài Ân) để xe máy BS 77S-84545 tại rừng keo gần làng T7 (xã Bok Tới) cũng bị mất trộm.
Trước nạn trộm “nở rộ” trên, Công an H.Hoài Ân lập chuyên án điều tra, theo dõi các đối tượng khả nghi. Đến ngày 25.5, Nguyễn Xuân Nhiên (26 tuổi, ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, H.Hoài Ân) bị Công an H.Hoài Ân (Bình Định) bắt quả tang khi đang trên đường mang xe máy của ông Tiếng đi tiêu thụ.
Nông thôn mới phải đảm bảo an ninh trật tự thật tốt
Ông Đặng Công Ngoan, Chủ tịch xã Xuân Trường xác nhận có tình trạng mất cắp dây tiêu xảy ra trên địa bàn xã và một số hộ dân đã trình báo với xã. “Hiện công an xã đang xác minh, làm rõ nạn trộm tiêu”, ông Ngoan cho biết. Trả lời PV Thanh Niên, thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an H.Xuân Lộc nói: “Chúng tôi đang cho kiểm tra xác minh để điều tra làm rõ tình trạng mất trộm dây tiêu mà người dân phản ánh”.
Ngày 24.6, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch H.Xuân Lộc cho biết: “Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của cấp huyện, nông thôn mới phải đảm bảo an ninh trật tự thật tốt. Chúng tôi đang có kế hoạch phát động đợt truy quét tội phạm trên địa bàn. Xã hội phát triển cũng có những mặt tồn tại. Việc trộm cắp ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Còn về việc người dân bị mất cắp nông sản chúng tôi sẽ cho công an xác minh, tìm giải pháp xử lý dứt điểm”.Chưa tìm ra thủ phạm các vụ “dọn sạch vườn hoa”
Ngày 24.6, Công an TP.Đà Lạt cho biết đến nay chỉ khoanh vùng được một số “nghi can” liên quan các vụ trộm hoa quy mô lớn trên địa bàn, nhưng do không bắt được quả tang trộm hoa nên không thể xử lý, vẫn tiếp tục theo dõi.
Trước đó, hồi cuối năm 2014, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cắt trộm hoa tại thành phố này. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 11.2014 có đến 3 vụ trộm hoa đồng tiền, hoa cát tường của vợ chồng ông Trần Minh Thắng (ngụ khu Thánh Mẫu, P.7, TP.Đà Lạt). Trong 1 đêm, trộm cắt sạch 1 tấn hoa cát tường, vài hôm sau trộm lại bẻ hàng ngàn cành hoa đồng tiền. Đầu tháng 10.2014, trộm bẻ trên 4.000 cành hoa đồng tiền của gia đình ông Trần Trung Hải (khu Thánh Mẫu), thiệt hại gần 10 triệu đồng. Đêm 18.10.2014, trộm bẻ hơn 2.000 bông đồng tiền của vườn anh Cao Đăng Trình. Tháng 9.2014, vườn hoa cẩm chướng của ông Nguyễn Thanh Hướng (khu Đa Thiện, P.8, Đà Lạt), cũng bị bẻ trộm hơn 4.000 cành.
Theo Báo Thanh Niên
Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...