KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC THU HOẠCH BƠ

Thứ năm - 23/02/2012 22:41

Minh họa

Minh họa
PHẦN I: HIỂU BIẾT CHUNG - RA HOA ĐẬU QUẢ CỦA BƠ Những hiểu biết căn bản về hoa, quả của cây Bơ là nền tảng để tạo ra năng suất cao và chất lượng quả - đáp ứng nhu cầu thị trường.
 

 

HOA
- Cây Bơ ghép thường ra hoa và đậu quả sau 2 - 3 năm trồng.
- Cây Bơ ra rất nhiều hoa.
- Cây trưởng thành mang trên 1 triệu hoa nhưng chỉ khoảng 1% là đậu thành quả.
- Hoa nở rải rác suốt mùa hoa.
- Cá biệt có một số ít cây ra hoa 2 - 3 đợt, cho thu hoạch thêm quả trái vụ.
- Các chùm hoa Bơ ra ở đầu cành hoặc từ nách lá.
- Trên một hoa có đầy đủ bộ phận đực và cái nhưng chúng không hoạt động đồng thời. Mỗi hoa nở 2 lần, 1 lần nở đóng vai trò như hoa đực và 1 lần nở nữa đóng vai trò như hoa cái.
            Tùy và thời gian nở hoa trong ngày với vai trò là hoa đực hay hoa cái mà người ta chia cây Bơ làm 2 nhóm: A và B.
Muốn tạo điều kiện thuận lợi cho giao phấn chéo và nâng cao tỷ lệ đậu quả thì trong một vườn hoặc các vườn lân cận nhau phải có một cây nhóm A lẫn cây nhóm B. Nhiều giống Bơ nhiệt đới vẫn có khả năng tự thụ vì nướm vẫn có khả năng nhận phấn khi hoa nở lần 2, do đó cây mọc riêng biệt một mình vẫn có khả năng đậu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất cao nên trồng trong cùng vườn cây nhóm A lẫn nhóm B. (Nướm có khả năng nhận hạt phấn - hoa ở giai đoạn cái. Các bao phấn màu vàng có khả năng tung phấn - hoa ở giai đoạn đực).

 
 
 


Hoa của giống nhóm A   9h sáng 3h chiều     9h sáng 3h chiều
Cái nhận phấn Hoa Đóng Tung
phấn
           
Hoa của giống nhóm B     Cái nhận phấn Hoa Đóng Tung
phấn
 
               
 
 
Sơ đồ miêu tả chu kỳ nở hoa của cây Bơ. Nguồn: Jackson (1986

QUẢ
- Thời gian mang quả trên cây tùy theo chủng và giống. Trong điều kiện nhiệt đới thời gian mang quả có thể kéo dài từ 5 đến 8 tháng.
- Quả Bơ non rụng nhiều sau khi đậu 2 - 3 tháng, nhất là vào đợt ra chồi lá đầu mùa mưa cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Bón phân để giảm rụng quả vừa nuôi chồi lá.
            Để cây ra quả ổn định và chất lượng quả bảo đảm không nên cố giữ quá nhiều quả trên cây. Trong thời kỳ mang quả ổn định sau khi trồng 6 - 8 năm tuổi trở đi chỉ cần đạt năng suất 150 - 200 kg/cây.
- Tại một thời điểm trên cây có nhiều cỡ quả với độ già khác nhau.
- Quả Bơ già không chín mềm trên cây. Quả già sinh lý vẫn còn có thể tiếp tục đeo trên cây 2 - 4 tháng. Vì vậy có thế thu hoạch muộn để tránh những thời điểm quá nhiều Bơ trên thị trường.
- Phần ăn được của quả Bơ là thịt Bơ, chiếm khoảng 65 - 75% trọng lượng quả.
- Lớp vỏ ngoài bao bọc và bảo vệ thịt quả. Vỏ ngoài của quả dày và hơi sần sùi có lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Khi Bơ già chín lớp vỏ này có màu xanh, xanh đậm, tím hoặc đen tùy theo từng chủng giống.
- Tùy theo từng chủng, giống mà quả Bơ có nhiều hình dạng khác nhau. Hình ảnh cho thấy những dạng quả được người tiêu dùng ưa chuộng. Các dạng quả đầu nhọn quá dài rất bất lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản thường không được ưa chuộng.
            Quả Bơ ngon và hấp dẫn khi chín có thịt quả màu vàng, chắc, không xơ, hạt đóng khít với thịt quả nhưng dễ tách khỏi thịt quả.

PHẦN II: HIỂU BIẾT CHUNG - YÊU CẦU SINH THÁI

Tại Việt Nam cây Bơ có thể trồng được tại nhiều vùng sinh thái. Tuy nhiên để cây trồng cho năng suất cao và chất lượng ngon, Tây Nguyên là vùng trồng thích hợp hơn cả, đặc biệt là trên đất Bazan tầng canh tác dày, thoát nước tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao.
VÙNG TRỒNG BƠ
            Vùng khởi nguyên cây Bơ trải rộng từ 8 - 24 vĩ độ Bắc với cao độ từ 0 đến 2.500m so với mực nước biển. Hiện nay cây Bơ được trồng kinh doanh trong phạm vi 40 vĩ độ Bắc cho đến 39 vĩ độ Nam trên những vùng có lượng mưa từ 200mm đến trên 2.000mm, nhưng năng suất thì khác nhau.
NHIỆT ĐỘ
            Các vùng trồng Bơ chính trên thế giới có nhiệt độ trung bình hàng năm trong phạm vi 14 - 250C, trung bình tháng lạnh nhất 2,6 - 170C, trung bình tháng nóng nhất 14 - 250C.
            Khả năng thích nghi nhiệt độ khác nhau rõ rệt tùy theo chủng và giống. Các giống lai giữa các chủng hầu hết có phạm vi thích ứng nhiệt độ rộng hơn:
* Chủng Mexican: chịu lạnh tốt nhất trồng được trên những vùng núi cao trên 1.000m và xa xích đạo.
* Chủng Guatemalan: chịu lạnh trung bình, thích hợp ở độ cao 700 - 1.000m.
* Chủng West Indian: thích hợp khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có mùa khô rõ rệt, độ cao 100 - 700m, gần xích đạo.

LƯỢNG MƯA VÀ ĐỘ ẨM KHÔNG KHÍ
            Thích nghi cao với các lượng mưa khác nhau, bình thường cần lượng mưa 1.200 - 1.600 mm/ năm, yêu cầu quan trọng là cần có vài tháng khô hạn để kích thích ra hoa.
  • Cần đủ nước từ khi đậu quả cho tới khi quả già.
  • Nở hoa gặp mưa to làm giảm năng suất vì khó truyền thụ phấn.
  • Mưa nhiều (trên 300 mm/ tháng), thoát nước kém dễ gây bệnh thối rễ.
  • Ẩm độ không khí thích hợp 70 - 80%, quá ẩm dễ gây bệnh trên lá và quả như: đốm lá, ghẻ quả, thán thư, bọ trĩ, rệp mềm.
ĐẤT TRỒNG
* Lý tính:
- Tầng canh tác dày: tối thiểu 2m ở vùng nhiều mưa dễ ngập úng; tối thiểu 1,5m ở vùng mưa trung bình; tối thiểu 1,0m ở vùng khí hậu bán khô hạn Địa trung hải. Không có tầng sét, tầng kết von quá cạn; tầng đất quá mỏng kém thoát nước có thể lên luống.
- Rút nước nhanh, không ngập, úng tạm thời, cục bộ.
- Thoáng khí, hàm lượng oxy cao.
* Hóa tính:
            - pH: 5,0 - 6,5, đất quá chua dùng vôi và thạch cao để cải tạo
            - Không bị nhiễm mặn, kiềm.
            - Chất khoáng đầy đủ và cân đối.
            - Chất hữu cơ tầng đất mặt trên 2%.
Yêu cầu lý tính đất rất quan trọng vì khó cải tạo trong thời gian ngắn. Các chất khoáng và hữu cơ có thể sớm bổ sung, điều chỉnh.
Gió:
Cây Bơ không chịu được gió mạnh gây rụng quả, gây tổn thương vỏ quả nghiêm trọng khó tiêu thụ trên thị trường. Gió khô nóng có thể làm khô héo hoa, hạt phấn không thể nẩy mầm, cây không đậu quả.
Mưa đá gây hỏng tán cây, rụng quả.
Sương mù nặng và thường xuyên có thể gây cháy mép lá.
Ánh sáng: Cần trên 2.000 giờ nắng/ năm. Nắng to gây sém, nám quả, cành, thân.

CHỌN NƠI TRỒNG PHÙ HỢP
            Cây Bơ khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu, đất đai. Năng suất thấp chủ yếu do khí hậu, còn sinh trưởng kém chủ yếu do đất.
Tại Việt Nam cây Bơ có thể trồng được tại nhiều vùng sinh thái. Tuy nhiên để cây trồng cho năng suất cao và chất lượng ngon, Tây Nguyên là vùng trồng thích hợp hơn cả, đặc biệt là trên đất Bazan tầng canh tác dày, thoát nước tốt, chất hữu cơ cao.
Ngoài ra trên những chân đất phù hợp trồng cây dài ngày như cà phê, cao su, cao cao, điều, sầu riêng... cũng có thể trồng được cây Bơ.

PHẦN III: TRỒNG VÀ CHĂM SÓC - GIỐNG BƠ

* Giống bơ:
Chọn trồng giống Bơ phù hợp điều kiện sinh thái và yêu cầu thị trường là nhân tố quyết định cho thành công lâu dài của vườn Bơ kinh doanh thương mại.
Thông tin chung
            Các giống Bơ trồng trọt nằm trong 3 chủng chính sau đây:
* Chủng Mexican: Có nguồn gốc từ núi cao của Mexico, chịu lạnh cao nhất. Nhược điểm của chủng này là quả nhỏ, vỏ quả mềm và hạt tương đối lớn. Con lai được chọn lọc từ chủng này là những giống có giá trị, ví dụ: giống Fuerte và giống Zutano, đây là những con lai giữa Mexican và Guatemalan, kích thước quả của chúng vừa phải, vỏ quả nhẵn.
* Chủng Guatemalan: Có nguồn gốc từ vùng cao nguyên của Mexico, ít chịu lạnh hơn so với chủng Mexican. Các giống của chủng này như Hayes, Hopkins và Hass, thường quả khá lớn, vỏ dày, thô ráp và sần sùi, vỏ qủa trưởng thành màu xanh lục đến nâu đen. Hạt nhỏ và gắn chặt với thịt quả. Chất lượng ngon.
* Chủng West Indian: Thích hợp ở những vùng nóng có cao độ thấp và ăm độ không khí cao. Quả thường khá lớn, vỏ hơi mỏng nhưng khá dai, ngoại hình đẹp. Những giống được trồng phổ biến là Pollock, Booth và Simmonds.
            Các giống Bơ thuộc 3 chủng trên được nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1950, trồng ở những vùng có cao độ dưới 800m. Do đó những cây Bơ hiện nay trong sản xuất có lẽ phần lớn thuộc chủng Guatemalan, West Indian hoặc là những con lai giữa 2 chủng này. Do gây trồng từ hạt qua vài thế hệ nên không còn giữ nguyên những đặc tính giống và do đó không thể đối chiếu với tên của giống gốc khi nhập nội.
Nguồn giống:
            Hiện nay phát triển nghề trồng Bơ tại Việt Nam dựa vào 2 nguồn giống chính:
* Giống trong nước: Đó là những cây đầu dòng đáp ứng các tiêu chuẩn chọn lọc, nhân vô tính bằng phương pháp ghép để cung cấp giống cho sản xuất. Giống được mang tên, ký hiệu do các cơ quan nghiên cứu giống trong nước đặt ra.
* Giống nhập nội: Hiện có 10 giống mới nhập nội trong mấy năm gần đây đang được nghiên cứu khảo nghiệm, trong đó có nhiều giống thương mại nổi tiếng khắp thế giới như Hass, Fuerte, Ettinger, Reed, Booth7.... Giống Booth7 hiện đang được khuyến cáo trồng ở Tây nguyên trên những vùng có cao độ 800m.

TIÊU CHUẨN CHỌN LỌC
            Các cây đầu dòng được chọn lọc trong điều kiện Việt Nam
Stt Chỉ tiêu chọn lọc  
01 Năng suất cao, ổn định: 200 - 300 kg/cây
02 Cỡ quả trung bình: 3 - 4 quả/kg
03 Dạng quả hơi tròn, tròn dài cân đối, trái lê  
04 Vỏ quả khá dày  
05 Không xơ, vàng, thịt quả chiếm trên: 70%
06 Chất khô khi già trên: 15%
07 Giữ quả già trên cây lâu: 2 - 3 tháng
08 Ưu tiên giống trái vụ (già chín tháng 1-4 hoặc tháng 9-11)  
09 Tán cây gọn  
10 Ít sâu bệnh  
11 Thích ứng rộng  

 

GIỐNG BƠ CHỌN LỌC TRONG NƯỚC

EST4

- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 350 - 450 g
- Năng suất: 100 - 120 kg/cây
- Vỏ quả già màu tím, khá dày
- Tỷ lệ thịt quả: 72 - 75%, thịt quả vàng đặc trưng, dày, khá béo, không xơ. Hạt gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 7 - 8

HTS1

- Hoa nhóm A
- Trọng lượng quả: 250 - 300 g
- Năng suất: 80 - 100 kg/cây
- Vỏ quả già màu xanh nhạt, khá dày
- Tỷ lệ thịt quả: 75 - 77%, thịt quả vàng nhạt, dẻo, khá béo, không xơ. Hạt gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 7 - 8

S2V1BDT

- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 350-420 g
- Năng suất: 100 - 120 kg/cây
- Vỏ quả già màu xanh phớt tím ở đầu cuống, khá dày
- Tỷ lệ thịt quả: 72 - 75%, thịt quả vàng đặc trưng, rất dẻo, béo, không xơ. Hạt gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 6 - 7

SDH

- Hoa nhóm A
- Trọng lượng quả: 400 - 450 g
- Năng suất: 120 - 150 kg/cây
- Vỏ quả già màu tím, vỏ mỏng, trơn láng
- Tỷ lệ thịt quả: 78 - 80%, thịt quả vàng đặc trưng, dẻo, khá béo, không xơ. Hạt nhỏ, gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 4 - 5

HA

- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 380 - 450 g
- Năng suất: 160 - 180 kg/cây
- Vỏ quả già màu tím nhạt, vỏ hơi mỏng
- Tỷ lệ thịt quả: 73 - 75%, thịt quả vàng kem, khá béo, không xơ. Hạt gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 9 - 10

VĐ1

- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 360 - 400 g
- Năng suất: 150 - 180 kg/cây
- Vỏ quả già màu tím, vỏ hơi mỏng
- Tỷ lệ thịt quả: 78 - 80%, thịt quả vàng kem, dẻo, khá béo, không xơ. Hạt nhỏ, gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 8 - 9
GIỐNG BƠ NHẬP NỘI

BOOTH7

Đây là giống rất phù hợp vùng nhiệt đới, sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng ngon, già chín muộn bán được giá
- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 280 - 450 g
- Năng suất: 160 - 180 kg/cây
- Vỏ quả già màu xanh, vỏ dày
- Tỷ lệ thịt quả: 70 - 75%, thịt quả vàng kem, béo, không xơ. Hạt gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 9 – 11 từ

HASS

Đây là giống nổi tiếng chiếm tới 80% sản lượng Bơ của thế giới nhờ chất lượng cao, thích hợp bảo quản lâu, vận chuyển đi xa. Tuy nhiêm giống này không thích hợp ở vùng nhiệt đới thấp nóng ẩm.
- Hoa nhóm A
- Trọng lượng quả: 140 - 400 g. Trọng lượng rất nhỏ nếu trồng ở vùng thấp nóng
- Năng suất: 100 - 120 kg/cây
- Vỏ quả già màu đen tím đến đen sậm, vỏ dày và sần sùi.
- Tỷ lệ thịt quả: 70 - 72%, thịt quả vàng kem, rất béo, không xơ, mùi thơm hạt dẻ rất đặc trưng. Hạt gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 11 - 2

REED

Giống này thích ứng rộng với nhiệt độ, có thể trồng vùng khá lạnh lẫn vùng nhiệt đới thấp nóng. Già chín muộn và có thể bảo quản lâu sau thu hoạch.
- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 280 - 500 g.
- Năng suất: 120 - 160 kg/cây
- Vỏ quả già màu xanh nhạt, vỏ dày, dai và dễ bóc.
- Tỷ lệ thịt quả: 75 - 78%, thịt quả chất lượng cao, màu vàng kem, rất béo, không xơ, mùi thơm hạt dẻ. Hạt nhỏ, gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 11 - 1

SHARWIL

Giống này thích ứng khá rộng nhiệt độ, có thể trồng ở những vùng cao nguyên nhiệt đới. Già chín muộn, quả già đeo lâu trên cây và có thể bảo quản lâu sau thu hoạch.
- Hoa nhóm B
- Trọng lượng quả: 250 - 400 g.
- Năng suất: 120 - 140 kg/cây
- Vỏ quả già màu xanh, vỏ dày hơi sần sùi.
- Tỷ lệ thịt quả: 78 - 82%, thịt quả chất lượng cao, màu vàng kem, béo, không xơ, mùi thơm hạt dẻ. Hạt nhỏ, gắn khít thịt quả nhưng dễ tách.
- Thời vụ thu hoạch: tháng 11 - 2

PHẦN IV: TRỒNG VÀ CHĂM SÓC - NHÂN GIỐNG

            Do cây Bơ thụ phấn chéo nên muốn có cây giống tốt giữ được những đặc điểm của giống gốc thì phải nhân giống vô tính. Nguồn chồi ghép phải được những đơn vị được cấp phép cung cấp.
CÁC HÌNH THỨC NHÂN GIỐNG
Có thể nhân giống cây Bơ bằng nhiều phương thức:
Trồng từ hạt
Ghép
Chiết cành

TIÊU CHUẨN CHỌN CÂY GIỐNG GHÉP
  • Bầu đủ lớn: tối thiểu 20 x 30cm
  • Đất tơi xốp, bầu vừa đủ chặt.
  • Cây khỏe mạnh: lá màu xanh đậm, vết ghép phẳng, thân thẳng, không bị sâu bệnh hại.
  • Phần chồi ghép cao khoảng 15 - 20cm, đã được cho thích nghi dưới điều kiện nắng nóng.
  • Đã được huấn luyện chịu nắng.
  • Có tên giống và tài liệu mô tả đặc tính giống.
Gieo hạt, nuôi cây làm gốc ghép:
  • Ươm hạt Bơ cho nẩy mầm trên nền cát trộn vụn xơ dừa
  • Cấy hạt đã mọc mầm vào bầu
  • Cây Bơ mọc từ hạt đủ tiêu chuẩn làm gốc ghép
CHUẨN BỊ CÁC LOẠI VẬT LIỆU ĐỂ TIẾN HÀNH GHÉP
            - Cây gốc ghép dủ tiêu chuấn
            - Chồi đã cắt bỏ lá trước khi ghép
            - Kéo cắt cành, dao ghép, cuộn dây buộc tự hủy.

CÁC BƯỚC GHÉP CHẺ NỐI NGỌN
  • Cắt bỏ ngọn thân, chẻ dọc thân khoảng 2, 0 - 2,5cm
  • Vát chân chồi ghép thành hình nêm
  • Gắn chồi ghép vào vết chẻ cho thật khít
  • Buộc kín chồi ghép bằng dây nhựa tự hủy
  • Phần ngọn thân trước (trái: lá và ngọn vẫn còn ở trên thân ghép) và sau khi ghép (phải: lá và ngọn đã được cắt vát và ghép)
  • Cây sau khi ghép 3 - 4 tháng đủ tiêu chuẩn trồng.

PHẦN V: TRỒNG VÀ CHĂM SÓC - TRỒNG

Tuân thủ kỹ thuật trồng ngay từ đầu với cây giống đạt tiêu chuẩn, khoảng cách, mật độ trồng và chế độ chăm sóc ban đầu thích hợp bảo đảm nền tảng cho vườn cây sớm bước vào giai đoạn kinh doanh hiệu quả cao.
KHOẢNG CÁCH, MẬT ĐỘ
            Trồng xen với cây lâu năm khác hoặc trồng thuần, cần chú ý khoảng cách, mật độ trồng phù hợp. Chọn khoảng cách, mật độ trồng còn tùy thuộc vào nền đất, giống.... Khoảng cách trồng tham khảo:
  • Trồng xen với cà phê vối: 6m x 12m, về sau tỉa thưa thành: 12m x 12m
  • Trồng xen cà phê chè: 6m x 8m, về sau tỉa bớt thành 12m x 8m
  • Trồng thuần: 6m x 6m; 7m x 7m; 8m x 8m.
4m x 6m; về sau tỉa thành 8m x 6m
4m x 8m, về sau tỉa thành thưa thành 8m x 8m

HỐ TRỒNG
            - Kích thước hố 0,6m x 0, 6m x 0,6m
            - Đất mặt trộn với 15 - 20 kg phân chuống hoai + 0,5 kg phân lân nung chảy + 0,1 kg vôi bột
            - Lấp hố tạo thành đụn đất cao.

TRỒNG
            - Đào hố trồng sâu: 0,3 - 0,4m
- Cắt đáy bầu
- Rạch bên hông bầu
- Đặt bầu xuống hố
- Rút bỏ túi nhựa
- Lấp hố, nến chặt đất, dùng cọc cố định cây thẳng, quýet vôi trên cây.
 
PHẦN VI: HIỂU BIẾT CHUNG - HÌNH THỨC TRỒNG
 
            Ngoài hình thức trồng thuần, cây Bơ rất thích hợp trồng xen với cây cà phê. Để tạo vùng nguyên liệu dồi dào và đồng nhất cho xuất khẩu và công nghệ dầu Bơ cần phải có những vùng trồng thuần tập trung, trồng xen cà phê quy mô lớn.

CÁC HÌNH THỨC TRỒNG
            Trong điều kiện Tây Nguyên, quỹ đất dành cho trồng thuần và tập trung cây Bơ hiện tại và về lâu dài cũng sẽ không nhiều. Ngoài việc trồng vài cây trong vườn nhà, xen phân tán trong các vườn cây lâu năm, muốn tạo sản lượng Bơ đáng kể với chất lượng cao cung ứng cho thị trường.
            Có thể trồng Bơ dưới nhiều hình thức như:

  • Vài cây quanh nhà.
  • Hàng rào vườn nhà, nương rẫy.
  • Xen vườn cà phê.
  • Xen cây lâu năm khác như tiêu, sầu riêng, ca cao, cao su,...
  • Trồng thuần.
Ví dụ: Cây Bơ trồng xen cà phê vối, 4 hàng cà phê xen 1 hàng Bơ
            Xen cây lâu năm khác trồng chung Bơ với tiêu, sầu riêng, cao su, ca cao phải hết sức lưu ý bệnh do Phytophthora.
            Vườn Bơ trồng thuần, giai đoạn chưa khép tán trồng xen với cây họ đậu.
            Trồng Bơ trên luống có trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân qua hệ thống tưới này

PHẦN VII: TRỒNG VÀ CHĂM SÓC - CHĂM SÓC

            Chăm sóc cây Bơ theo quy trình thích hợp không những bảo đảm vườn cây sinh trưởng, phát triển bền vững, năng suất cao ổn định, mà còn góp phần quan trọng làm cho chất lượng trái được nâng cao.
BẢO VỆ CÂY CON
            Trong vài năm đầu, giữa 2 cây trên hàng Bơ nên trồng cây chắn gió tạm thời như muồng hoa vàng, cốt khí, flemingia... Vườn Bơ ít được che chắn từ các vườn cây lân cận cũng cần trồng xen các loại cây ngắn ngày như: đậu đỗ, lúa cạn, ngô.
LÀM CỎ
            Trong mùa mưa làm sạch cỏ 3 - 4 lần theo băng trên hàng hoặc thoe từng gốc. Sau lần làm cỏ cuối mùa mưa, tủ quanh gốc cho cây Bơ bằng  cỏ khô, tàn dư cây họ đậu, cây chắn gió tạm thời.... Lưu ý tủ chừa cách gốc 15 - 20cm.
TƯỚI NƯỚC
            Trong điều kiện mùa khô khắc nghiệt kéo dài 5 - 6 tháng, cây Bơ cần được tưới để duy trì sinh trưởng và cho năng suất cao.
            - Năm thứ nhất đến thứ 3 sau trồng: 50 - 200 lít nước/cây/lần; tưới 2 - 3 lần vào giữa và cuối mùa khô.
            - Khi cây cho quả: 200 - 400 lít/cây/lần; tưới 2 - 3 lần từ sau khi hoa bắt đầu nở.
 
BÓN PHÂN
Nói chung tỷ lệ N:P:K trong thời kỳ cây chưa mang quả là 1:1:1 và trong thời kỳ mang quả là 2:1:2.
            + Năm trồng mới: 0,5 kg/cây/năm.
            + Năm thứ hai: 1 kg/cây/năm.
            + Năm thứ ba: 1,5 kg/cây/năm
Bà con nên chia lượng phân này thành 3 - 4 phần đều nhau để bón làm 3 - 4 lần/năm. Và chỉ bón phân khi đất đủ ẩm.
- Đạm (N), kẽm(Zn), B (Bo) là những yếu tố quan trọng nhất.
- Canxi có vai trò quan trọng hạn chế bệnh rễ và nâng cao chất lượng quả.
- Chú ý phun vi lượng B và Zn để tăng đậu quả và tăng năng suất.
- Bón vừa đủ theo nhu cầu, giảm ô nhiễm môi trường đất, nước.
- Muốn thực hiện bón phân cân đối, cần phải định kỳ chẩn đoán đất và lá.
- Bón vôi tăng cường phẩm chất quả.

TẠO HÌNH, TỈA CÀNH
            Là kỹ thuật cần được coi trọng để tạo cho cây tư thế chắc, bộ tán cân đối, ổn định sản lượng, hạn chế sâu bệnh hại.
            - Trong 1 -2 năm sau trồng, cắt bỏ cành ngang dưới thấp chừa phần thân thoáng 50 - 70cm, nuôi một thân chính.
            - Vào mùa mưa, cây đang đang mang quả được tỉa cành thông thoáng và quét vôi trên thân.

VUN GỐC
            Trên nền đất thoát nước kém, cây sinh trưởng chậm và dễ bị bệnh thối cổ rễ. Hàng năm, đất ở gốc cây cần được vun cao dần (vun gốc cao khoảng 50cm) kết hợp bón phân chuồng và tủ gốc.
GHÉP CẢI TẠO GIỐNG
          Những vườn Bơ trồng từ hạt thường có một số cây không đạt yêu cầu về năng suất, chất lượng quả, khả năng kháng bệnh, mùa thu hoạch.... Có thể cắt bỏ thân cũ, nuôi chồi mới và ghép giống mới chọn lọc bằng phương pháp ghép chẻ ngọn tương tự như ghép trong vườn ươm.

PHẦN VIII: BẢO VỆ THỰC VẬT - PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

            Quản lý dịch hại tổng hợp, coi trọng trong áp dụng các biện pháp canh tác và sinh học giúp cho sản xuất Bơ bền vững và bảo đảm an toàn cho người sản xuất lẫn tiêu dùng.
BỆNH HẠI THƯỜNG GẶP
* Thối rễ do Phytophthora cinnamomi
* Bệnh loét và thối thân do P.citricola
* Bệnh thán thư do Colletrichum gloeosporioides.
* Bệnh ghẻ vỏ quả do Sphaceloma perseae.
1. Thối rễ do Phytophthora cinnamomi
Tác hại:
- Là bệnh hại nguy hiểm nhất của cây Bơ, gây hại ở mọi lứa tuổi của cây và gây bệnh trên hàng ngàn ký chủ khác.
- Phát triển mạnh trên chân đất quá ẩm, thoát nước kém.
- Lây lan nhanh, dễ lây lan qua cây giống vườn ươm có sẵn mầm bệnh; hạt giống lấy từ quả rụng trên đất nhiễm mầm bênh; dụng cụ; giày dép; người và gia súc di chuyển.
Triệu chứng:
- Lá nhỏ, xanh nhạt hoặc vàng, thường héo rũ với đầu lá úa nâu. Tán lá thưa, ít ra lá mới. Nhiều cành nhỏ trên ngọn bị chết.
- Cây bệnh vẫn mang nhiều quả nhưng quả nhỏ, năng suất thấp.
- Cây bệnh rất ít ra rễ tơ. Rễ tơ nhiễm bệnh màu đen, dễ gãy và chết.
- Cây bệnh có thể chết nhanh hoặc chậm.
Phòng trừ tổng hợp:
- Chú trọng phòng bệnh bằng các biện pháp canh tác.
- Trồng trên đất thoát nước tốt; tạo mương rãnh thoát nước; vun gốc, trồng trên luống cao; không trồng âm xuống đất.
- Không dùng cây giống có nguy cơ chứa nấm bệnh.
- Dùng gốc ghép kháng bệnh.
- Hạn chế di chuyển tự do gần vùng bệnh; nếu cần thiết phải theo đúng các hướng dẫn.
- Tưới nước vừa đủ, không dùng nước có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Không trồng lại ngay trên vườn có bệnh.
- Bón thạch cao (10 kg/cây); ủ lớp chất hữu cơ thô, xác bã thực vật.
- Bón phân đạm, phân gia súc vừa phải.
- Các loại thuốc hóa học nhóm Phosphite có thể giúp cây bệnh phục hồi, tuy nhiên dùng thuốc trừ nấm luôn phải kết hợp với các biện pháp canh tác. Các loại thuốc trừ nấm thường dùng có hiệu quả khá cao là:

  • Aliette
  • Agri-fos, Fosphite (Phosphorous acid)
  • Ridomil Gold
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.
2. Bệnh loét và thối thân do Phytophthora citricola
Tác hại:
            Là bệnh nguy hiểm sau bệnh thối rễ, hệ ký chủ rộng thường gây hại cùng với bệnh thối rễ Phytophthora cinnamomi.
- Tấn công vùng cổ rễ, gốc thân, cành già và cả trên quả.
- Bệnh phát triển sau khi nhiễm thông qua các vết thương, lây lan mạnh trong điều kiện độ ẩm không khí cao, đất quá ẩm ướt.
Triệu chứng:
- Bệnh thường xuất hiện ở vùng gần mặt đất, đặc biệt nơi thân hoặc cành thấp có vết thương. Vết loét ban đầu là một vùng vỏ màu nâu sẫm chảy nhựa đỏ, sau đó chuyển sang nâu, trắng và khi khô có phủ lớp phấn.
- Cắt bỏ bề mặt vùng loét thấy vết thương màu cam cam hoặc nâu. Bệnh gây hại hệ thống mạch dẫn.
- Cây bệnh bị yếu sức, vùng ngọn cây ít phát triển. Khác với bệnh thối rễ là kích thước lá vẫn bình thường, với bệnh loét tán lá suy giảm từ từ, ít khô cành, rễ tơ còn khá nhiều. Đôi khi cây bị vàng rụng nhanh và cây chết đột ngột.
- Quả đeo gần mặt đất dễ bị nhiễm bệnh này. Trên vỏ quả, vùng bệnh màu đen rất rõ thường xuất hiện phía đuôi quả. Thịt quả bên trong cũng bị hư hỏng.
Phòng trừ tổng hợp:
- Bao gồm vệ sinh đồng ruộng, gốc ghép kháng bệnh, nguồn nước không mang mầm bệnh, không tạo vết thương trên cây.
- Sau khi cắt cành tạo hình hoặc phát hiện vết thương, xử lý thuốc trừ nấm bệnh. Với vùng bệnh mới bị nhiễm, cắt bỏ mô bệnh và xịt thuốc trừ nấm.
- Các thuốc trừ nấm khuyến cáo là:

  • Aliette
  • Agri-fos, Fosphite (Phosphorous acid)
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.
Phòng trừ bệnh trên quả bằng cách cắt bỏ những cành mang quả cách mặt đất dưới 1m, tỉa bỏ cành khô, tủ gốc dày, thu gom quả rụng đưa ra khỏi vườn.
3. Bệnh thán thư do Colletrichum gloeosporioides.
Tác hại:
            Đây là bệnh phổ biến ở tất cả các nước trồng Bơ, nhất là vùng nhiều mưa, bệnh gây hại chủ yếu trên quả trước cũng như sau thu hoạch. Sau thời kỳ mưa dài, ẩm độ cao, quả sau thu hoạch thường bị bệnh nặng hàng loạt.
Triệu chứng:
- Trước thu hoạch, trên vỏ quả xuất hiện những vết nâu đen nhỏ đường kính dưới 5mm. Nếu không có vết thương do côn trùng hoặc gió thì vết bệnh không phát triển thêm.
- Sau thu hoạch, vết bệnh ngày càng đen hơn và to hơn với những chỗ lõm. Sau cùng vết bệnh lan ra khắp cả bề mặt vỏ quả, cũng như bên trong thịt quả. Khi cắt đôi quả ngang qua chỗ bệnh, vùng lan vào thịt quả thường có dạng hình cầu. Phần thịt quả bị hỏng lúc đầu cứng sau đó mềm nhũn. Trên bề mặt vỏ quả có thể hình thành những khối bào tử màu tím.
Phòng trừ tổng hợp:
- Căt tỉa bỏ những cành bệnh, lá bệnh.
- Cắt bỏ những cành thấp cách mặt đất dưới 1m. Trước mùa hoa cắt bỏ hết cành khô, quả còn sót trên cây. Chỉ tạo hình và thu hoạch trong điều kiện khô ráo..
- Không cần thiết xử lý thuốc trừ nấm cho quả sau thu hoạch nếu được thu hái, vận chuyển, bảo quản phù hợp. Giữ cho quả khô và mát cho tới khi bán. Nhiệt độ sau thu hoạch là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bệnh. Ngay sau khi thu hoạch, bảo quản lạnh trong phạm vi 5 - 120C tùy theo giống.
- Khi cần có thể phun các hợp chất có đồng để hạn chế bệnh, theo hướng dẫn của chuyên gia.
4. Bệnh ghẻ vỏ quả do Sphaceloma perseae.
Tác hại:
- Tấn công trên lá, cành và quả, rất nghiệm trọng ở vùng nhiệt đới ẩm cũng như một số nước á nhiệt đới.
- Tình trạng bệnh tùy theo giống. Giống nhiễm nặng gây giảm năng suất do rụng quả. Quả còn lại cũng không có giá trị thị trường do ngoại hình xấu.
- Khi thời tiết mưa nhiều, quá ẩm, nấm tấn công mô non của lá, cành, quả.
- Bào tử lây lan nhờ gió, mưa, hạt sương, côn trùng.
- Vết bệnh là cửa ngõ xâm nhập của các vi sinh vật gây thối quả.
Triệu chứng:
- Trên vỏ quả hình thành vết bệnh bầu dục, hơi gồ lên, màu nâu - nâu tím. Khi quả gài, các vết bệnh liên kết, tâm vết bệnh co lại gây nứt, tạo thành mạng, toàn vỏ sần sùi. Chất lượng thịt quả không bị ảnh hưởng nhưng trông bên ngoài vỏ rất xấu.
- Trên gần mặt dưới lá, cuống lá, cành non cũng bị vết ghẻ hình bầu dục dài.
Phòng trừ tổng hợp:
- Vệ sinh đồng ruộng, cắt bỏ cành bệnh sau thu hoạch, đốt cành, lá.
- Phun các thuốc có gốc đồng với nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn.
- Thời điểm phun: đầu mùa nở hoa, gần cuối mùa nở hoa, 3 - 4 tuần sau khi tất cả quả đã đậu.

SÂU HẠI
Trên cây Bơ thường gặp một số sâu hại như:
  • Rệp phấn trắng mình mềm
  • Rệp vảy mềm
  • Các loại sâu ăn lá, gặm quả
Sâu cuốn lá
Bọ xít muỗi
Sâu đục thân, cành
Sâu đục quả, hạt
Trong điều kiện trồng chưa tập trung như hiện nay, nhìn chung các loài sâu hại này chưa gây hại có ý nghĩa kinh tế.
 
PHẦN IX: KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG - TIÊU CHUẨN QUẢ BƠ
 
Thi trường quả Bơ chất lượng cao yêu cầu rất khắt khe về các tiêu chuẩn ngoại hình, vệ sinh cũng như chất lượng thịt quả. Tiêu chuẩn quả Bơ thượng mại còn đòi hỏi phải phù hợp với các điều kiện bao bì, bảo quản, vận chuyển.

TIÊU CHUẨN
* Hình dạng, kích cỡ
Quả lê
Thuôn đều hai đầu
Hơi tròn đến tròn
250 - 400 g/quả
Dạng quả lê với kích thước trung bình rất phù hợp trong thương mại.
Không sử dụng dạng quả có thắt cổ chai rõ, quả dài hoặc cong, không đối xứng.
* Vệ sinh:
Vỏ quả không bị ướt, không dính bùn, đất, không nhiễm các mùi lạ.
* Màu vỏ quả khi già chín:
Xanh, phớt tím, tím.
Vỏ quả già chuyển sang màu tím giúp dễ nhận biết quả đã già, giúp cho thu hoạch đúng độ già, bảo đảm chất lượng bên trong của quả.
* Độ dày vỏ quả:
Vỏ quả dày, cứng, bảo vệ thịt quả ít bị dập khi thu hoạch, vận chuyển. Tuy nhiên, khi chín vỏ quả phải dễ bóc khỏi thịt quả.
* Sâu bệnh:
Quả không bị sâu bệnh trên vỏ quả cũng như trong thịt quả.
* Tổn thương cơ học:
Vỏ quả không có vết dập, trầy xước hoặc vết thương do cọ xát trên cây.
* Cuống quả:
Quả Bơ sau khi thu hoạch bắt buộc phải còn cuống quả với độ dài 4 - 5mm. Việc giữ cuống quả hạn chế được bệnh thối đầu quả thường xảy ra trong mùa mưa, nóng ẩm, ẩm độ không khí cao.
* Độ già tối thiểu:
Khi thu hoạch quả phải đạt độ già tối thiểu xác định bằng phương pháp cắt thử một vài quả mẫu. Độ già tối thiểu được tiếp tục kiểm tra tại điểm thu mua
Quả cắt thử đạt độ già tối thiểu: thịt quả màu vàng, vỏ hạt và vỏ trong thịt quả ngả sang màu nâu nhạt. Hạt gắn chặt thịt quả nhừn dễ tách khỏi thịt quả.
* Hạt đóng chặt với thịt quả:
Giúp cho thịt quả không bị dập trong quá trình thu hoạch, vận chuyển. Tuy nhiên, hạt và vỏ quả phải dễ tách rời khỏi thịt quả, mặt trong thịt quả ở khoang chứa hạt không bị dính màng trong của thịt quả. Phần thịt ăn được không dính vỏ hạt.
* Thịt quả:
Màu vàng kem đến vàng sẫm, khô, chắc, béo đến rất béo, không xơ.
 
PHẦN X: THU HOẠCH VẬN CHUYỂN - ĐỘ GIÀ THU HOẠCH
Thu hoạch đúng độ già là yêu cầu đặc biệt quan trọng để bảo đảm chất lượng vốn có của giống Bơ chất lượng cao.
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CẦN LƯU Ý

  1. Qủa không được chín mềm trên cây.
  2. Quả trên cùng cây nhưng không già cúng lúc.
  3. Mùa ra hoa kéo dài trung bình khoảng 2 tháng từ lúc ra hoa tới lúc quả gìa thu hoạch được khoảng 5 - 8 tháng.
  4. Quả già vẫn đeo trên cây từ 1- 3 tháng.
  5. Có thể thu hoạch nhiều đợt trên cùng 1 cây.
  6. Muốn thu một đợt phải chờ tất cả quả trên cây đều già (Lưu ý: Quả thu hoạch cùng một lần trên cùng một cây có kích thước và độ già khác nhau).
CÁC CHỈ SỐ XÁC ĐỊNH ĐỘ GIÀ THU HOẠCH
  1. Độ dài thời gian từ nở tới lúc đạt độ già thu hoạch
  2. Kích thước và trọng lượng quả.
  3. Biến đổi vỏ quả.
  4. Màu cuống quả.
  5. Màu thịt quả.
  6. Vỏ trong thịt quả.
  7. Vỏ hạt.
  8. Long hạt.
  9. Bắt đầu có quả già rụng.
  10. Đo hàm lượng chất khô.
* Một số ví dụ minh họa Bơ khi già:
Một số giống khi già vỏ quả chuyển dần sang màu tím.
Cỡ quả tương đương khi cùng độ già.
Vỏ càng già vỏ quả càng giảm độ bóng và cuống quả chuyển sang màu nâu. Quả càng già vỏ quả càng nổi rõ u cám.
Quả già thịt quả chuyển sang màu vàng.
Hạt không đóng khít vào thịt quả khi già, lắc quả nghe tiếng kêu của hạt.
Quả già có vỏ trong thịt quả và vỏ hạt màu nâu cánh dán.
 
PHẦN XI: THU HOẠCH VẬN CHUYỂN - PHƯƠNG PHÁP THU HOẠCH
 
            Trang bị dụng cụ thu hoạch phù hợp, thu hoạch đúng cách và cẩn thận là những thực hành tốt trên đồng ruộng để duy trì chất lượng sau thu hoạch
DỤNG CỤ THU HOẠCH:
- Kéo cắt, vợt gắn sào, túi đựng quả.
- Sào thu hoạch dài 3 - 5mm, đầu gắn vợt có mấu/ dao cắt nằm trên miệng túi hứng có đường kính miệng túi 20 - 25cm, miệng túi mở nhờ may gắn với thanh kim loại cứng uốn tròn, túi đựng được 4 - 6 quả.
- Túi hoặc giỏ mềm chứa được khoảng 10 - 15 kg quả.
- Bạt gom quả.
- Thang 3 - 4 chân.
- Xe đẩy vận chuyển quả ra khỏi vườn.
THỜI GIAN THU HOẠCH TRONG NGÀY:
            - Sáng sau khi cây lá khô sương, nước đọng hoặc xế chiều.
            - Không thu hoạch vào giờ trưa quá nắng nóng.
            - Không thu hoạch vào lúc có mưa.
            - Quả thu hoạch gom lại dưới tán cây, bạt che, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên quả.

CÁC BƯỚC VÀ PHƯƠNG PHÁP THU HOẠCH
            - Dựa vào các chỉ số độ già thu hoạch, yêu cầu loại Bơ, dạng quả DAKADO, xác định cây và quả thu hoạch.
            - Chuẩn bị các dụng cụ thu hoạch.
            - Chọn quả to hái trước, chỉ hái quả già.
            - Cắt cuống quả chừa  4 - 5mm.
            - Quả xa, trên cao dùng sào thu hoạch, cắt giữ cuống ít nhất 10mm.
            - Chuyển quả từ túi hứng ở vợt vào bao đựng hoặc bạt  gom quả.
            - Để riêng quả bị dập, nứt, trầy xước, cọ xát do gió, cháy nắng, sâu bệnh hại, dị dạng, không cuống.
            - Phân loại sơ bộ kích thước/ trọng lượng theo tiêu chuẩn DAKADO.
QUY ĐỊNH VỆ SINH VÀ TRÁNH TỔN THƯƠNG QUẢ:
            - Không rung lắc cành cho quả rụng.
            - Không bứt quả làm mất cuống.
            - Không ném quả, để tiếp xúc với đất.
            - Dụng cụ và túi đựng quả sạch sẽ.
            - Túi đựng quả đủ dày, bền mềm.
 
PHẦN XII: THU HOẠCH VẬN CHUYỂN - ĐÒNG GÓI, VẬN CHUYỂN
            Đóng gói, vận chuyển phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và hạ tầng giao thông sẽ góp phần quan trọng vào giảm thiệt hại sau thu hoạch.

VẬT LIỆU ĐỂ ĐÓNG GÓI
- Giỏ đan bằng kim loại, mây, tre có lót carton dưới đáy và xung quanh.
- Rơm khô sạch; giấy vụn.
- Tấm phủ che mưa, nắng; dây buộc.
- Khăn lau quả.

QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN VỆ SINH VÀ PHÂN LOẠI
- Carton, rơm, giấy vụn luôn mới, sạch.
- Khăn lau quả sạch.
- Không để quả tiếp xúc đất.
- Thực hiện đóng gói dưới tán cây, mái che.
- Không nhập chung các lô quả đã phân loại.
- Không nhập chung quả từ cây khác nhau.
- Thao tác nhẹ nhàng.
CÁC BƯỚC ĐÓNG GÓI
- Lót Carton giỏ đựng quả cả dưới đáy lẫn bên hông.
- Xếp quả theo phân loại, theo từng lớp so le, đầu cuống quay về cùng một hướng.
- Lót rươm dày tầng giữa giỏ.
- Phủ rơm mặt trên giỏ.
- Phủ tấm đậy và buộc cố định tấm đậy.
VẬN CHUYỂN VỀ ĐIỂM THU MUA (VỰA)
- Phương tiện thường dùng là xe mô tô.
- Không được chất thêm lên trên giỏ Bơ bất cứ vật dụng gì khác.
- Vận chuyển về vựa ngay sau đóng gói.
- Tránh dừng xe ngoài nắng, mưa.
- Giao hàng theo cây, theo loại quả.
PHẦN XIII: KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG - CHẤT LƯỢNG, ĐÓNG GÓI
            Người tiêu dùng sẽ rất hài lòng với những quả Bơ đã qua quy trình kiểm soát chất lượng, có nhãn hiệu, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì vệ sinh và thẩm mỹ.

QUY TRÌNH SẢN XUẤT TẠI VỰA
- Vựa bố trí theo dây chuyền tiếp nhận quả từ người mua gom, kiểm tra chất lượng, phân loại, dán nhãn, đóng gói, cân , lưu kho.
* Yêu cầu chung:
- Vệ sinh, sạch sẽ.
- Thoáng mát.
- Thuận tiện thao tác, vận hành.
- Tất cả các công đoạn đều phải thực hiện trên bàn hoặc sàn thiết kế thuận tiện thao tác.
- Mặt bàn sạch, phẳng, chắn được quả.
- Có lót vải, giấy tạo mặt phắng êm.
- Có khăn sạch (vải, giấy) lau quả ướt, bẩn.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT TẠI VỰA
- Người mua gom giao hàng để riêng theo cây, theo giống.
- Quả để trên bàn có vách ngăn và mép chắn.
- Nhân viên kiểm soát chất lượng:

  • Cắt Bơ kiểm tra độ già.
  • Chọn từng quả đạt chất lượng để riêng trong giỏ nhựa.
  • Xếp quả vào khay theo giống và theo kích thước.
  • Dán nhãn trên từng quả.
  • Cân, ghi trọng lượng, ngày tháng, mã số lô hàng.
  • Lưu kho trước khi vận chuyển.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giống tiêu Srilanka năng suất cao

Giống tiêu Srilanka có nguồn gốc từ quốc đảo Srilanka với tên gọi quốc tế là Ceylon Khoo hiện đang được trồng nhiều tại phía bắc Thái Lan và biên giới Campuchia. Giống đã được Trung Tâm Cây Giống Vườn ươm Minh Phát nhập về và nhân giống thành công. Đặc điểm của giống tiêu này này là...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây