20%, mức lãi suất "giết chết" doanh nghiệp Việt Nam!

Thứ ba - 29/05/2012 23:06

Minh họa

Minh họa
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, hiện nền tài chính Việt Nam vẫn đang “vất vưởng” với mức lãi suất “chết” trên 20%/năm, mức lãi suất này đang “hủy diệt” hàng loạt doanh nghiệp và gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Giảm lãi suất không ảnh hưởng tới lạm phát nếu đã áp dụng không chế tăng trưởng tín dụng (ảnh: B.D)
Bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng nay (29/5), chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã có cuộc trao đổi với báo giới một số vấn đề xung quan điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh hiện nay.
Trước khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày hôm qua cho rằng, tốc độ giảm lãi suất vừa qua của Việt Nam là quá nhanh và đáng lo ngại, ông Thanh ngay lập tức phản bác: “Tôi thấy không hề nhanh chút nào, giảm lãi suất như hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế”.
Theo lý giải của ông, hiện nền tài chính Việt Nam vẫn đang “vất vưởng” với mức lãi suất trên 20%/năm, đó là lãi suất chết, “hủy diệt” hàng loạt doanh nghiệp và gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Vị chuyên gia tài chính ngân hàng lưu ý, với vai trò là chủ nhà, hiểu rõ nhất nội tình, các nhà điều hành Việt Nam phải chủ động và đưa ra những quyết định đáp ứng đúng nhu cầu nhu cầu nền kinh tế và giữ được thái độ tiếp thu độc lập với những kiến nghị, đánh giá của các chuyên gia quốc tế.
Theo nhìn nhận của ông, mức lãi suất 13-14% (trên lý thuyết - NV) hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đảm bảo được lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực. Cụ thể, chi phí vay mà các doanh nghiệp đối thủ chỉ phải chịu từ 4-7%, do vậy, lãi suất hợp lý phải được kéo xuống dưới 10% thì doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển tốt được.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, lãi suất vẫn ở mức cao theo ông Thành, là do Chính phủ chưa thật sự quản lý tốt hoạt động của hệ thống NHTM. Ông cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và NHNN là phải tạo được một mặt bằng lãi suất cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững chứ không thể chiều theo hoạt động của các NHTM, đẩy lãi suất huy động, lãi suất cho vay lên cao rồi bây giờ lại phải kéo xuống từ từ trong khi nền kinh tế thì đang “chết”.
“Chúng ta phải coi trọng quyền lợi của cả nền kinh tế hơn quyền lợi của các ngân hàng. Ngân hàng phải phục vụ cho quyền lợi của nền kinh tế chứ ngân hàng không phải phục vụ riêng cho quyền lợi của mình. Rõ ràng là chúng ta chưa thực sự quan niệm rõ ràng vấn đề trách nhiệm của hệ thống ngân hàng cũng như nhiệm vụ của NHNN” – ông Thành bày tỏ quan điểm.
Đã hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất không gây lạm phát
Theo ông, NHNN phải biết được mức lãi suất mà doanh nghiệp cần. “Nếu chúng ta chần chừ, doanh nghiệp chết hết. Doanh nghiệp chết hết rồi thì không sống lại được. Nền kinh tế có sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp chết thì không có sản xuất, không có tiêu thụ, không có nhân công, giết cả hai đầu. Quản lý lãi suất không phù hợp có thể gây ra hệ lụy đó”.
Ông phân tích, nếu không chịu nổi “nhiệt”, doanh nghiệp mà “chết” thì ngân hàng cũng “chết” chứ không được lợi gì. Đến lúc không còn ai vay, ngân hàng ôm vốn phải trả lãi suất cho huy động thì lợi nhuận cũng không còn.
Ông Thành cũng phản bác việc cho rằng, nếu hạ lãi suất xuống 6-7% cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới lạm phát. “Không có đâu. Vì chúng ta đã có dùng biện pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng thì làm gì có vấn đề lạm phát nếu lãi suất thấp. Nếu lãi suất thấp, cùng với tăng trưởng tín dụng nóng, quá cao thì mới xảy ra lạm phát. Ở đây, ta đã hãm tăng trưởng tín dụng thì chúng ta cho vay lãi suất nào cũng không tạo ra vấn đề lạm phát được.”
Đồng thời phủ nhận quan điểm, bối cảnh khó khăn hiện tại cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nền kinh tế. Bởi, với mức lãi suất cao thế thì không doanh nghiệp nào tồn tại được. “Đừng nói đó là cơ hội tái cơ cấu. Doanh nghiệp tốt xấu gì cũng chết cả, vì điều kiện bị bóp cổ không cho anh thở thì sao anh không chết”.
Căn cứ vào dự án để cho vay thay vì tài sản thế chấp
Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, vấn đề đặt ra cho nền kinh tế hiện nay là khả năng hấp thụ nguồn vốn vay của các ngân hàng. Các doanh nghiệp đã “kiệt sức”, không còn có đủ tài sản để thế chấp, trong khi các khoản nợ vay quá hạn khiến ngân hàng không cho phép doanh nghiệp vay tiếp. 
Do vậy, theo ông, thời gian tới cơ quan điều hành sẽ phải xem lại, phải cơ cấu lại những khoản nợ xấu, nợ khó đòi, giúp doanh nghiệp vẫn tiếp tục được vay vốn và tiếp cận được nguồn vốn.
Theo đó, chính sách khoanh nợ của ngân hàng phải giúp được các doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường tốt, sản phẩm tốt song đang khó khăn tạm thời có thể có vốn phát triển.
Thay vì cho vay dựa trên tài sản thế chấp, ngân hàng nên căn cứ vào dự án và giám sát theo tiến độ dự án để đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng được ưu tiên.
Đồng thời, ông cũng lưu ý, quản lý nhà nước phải tạo công bằng cho tất cả mọi người, tạo được bình đẳng giữa cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả doanh nghiệp lớn. Phải tạo cho mọi người có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý.
“Không có lý do gì các doanh nghiệp lớn không được hưởng những chính sách bình đẳng với doanh nghiệp nhỏ và ngược lại. Cũng không có lý do các doanh nghiệp tư nhân lại không được bình đẳng với DNNN” - theo chuyên gia Bùi Kiến Thành.
Nguồn Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU Đắk Lắk

Năm 2019, Đắk Lắk là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 10 về số dân, xếp thứ 22 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 41 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 37 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 1,87 người dân[3], số liệu kinh tế -...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây