Đắk Lắk: Làm “luật” trên ruộng dưa

Thứ tư - 27/01/2016 10:00

Minh Hoạ

Minh Hoạ
Không chỉ phải chịu cảnh mất mùa, tư thương ép giá, người trồng dưa hấu ở Tây Nguyên còn bị các đối tượng giang hồ o ép, đòi bảo kê, cưỡng đoạt.
Đất đai, khí hậu phù hợp với dưa hấu nên nhiều năm nay, tỉnh Đắk Lắk trở thành một trong những vựa dưa hấu lớn của cả nước. Nhiều người dân từ miền Trung đổ về Đắk Lắk thuê đất trồng dưa hấu. Tuy nhiên, mùa Tết năm nay, người trồng dưa ở Tây Nguyên phải nhận một mùa “dưa đắng”.

Theo ông Trần Doãn Sáng – chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk – năm nay, huyện này quy hoạch diện tích trồng dưa là 500 ha nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều.

Sợ bị hành hung

Bên ruộng dưa hấu vừa thu hoạch xong ở thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), anh Đinh Văn Vương (quê tỉnh Phú Yên) cho biết anh lên đây thuê 2 ha đất để trồng dưa hấu với vốn đầu tư hơn 150 triệu đồng nhưng khi thu hoạch thì lỗ hơn 50 triệu đồng. Đầu vụ, thương lái đưa xe tải vào tận rẫy mua với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg nhưng hiện ép giá chỉ còn 2.000 đồng/kg.

“Thậm chí, loại dưa có trọng lượng trung bình họ chỉ mua với giá mấy trăm đồng/kg. Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện nhóm đối tượng vào ép bán cho họ với giá rẻ. Khi chúng tôi không đồng ý thì bị hăm dọa” – anh Vương nói.

lam-luat-tren-ruong-dua

Người trồng dưa hấu ở tỉnh Đắk Lắk được mùa nhưng thu hoạch về không có người mua Ảnh: Cao Nguyên

Theo một nông dân khác là ông Lê Văn Vinh, đầu vụ có thương lái vào mua với giá 5.000 đồng/kg. Vừa thống nhất xong thì một nhóm người đến hăm dọa và ép thương lái mua với giá thấp để lấy phần chênh lệch trả cho chúng. Trước tình hình này, gia đình phải bán với giá 3.700 đồng/kg. Do sợ quá nên gia đình bán xong mới báo cho cơ quan chức năng. “Năm sau tôi sẽ không trồng dưa ở đây nữa mà qua tỉnh khác vì sợ bị hành hung” – ông Vinh chia sẻ.

Một thương lái cho hay thực chất giá không đến mức thấp như hiện nay. “Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Hầu như xe nào vào mua cũng bị nhóm người hăm dọa, ép phải chung chi từ 1-2 triệu đồng/xe chúng mới để yên cho làm ăn. Thậm chí, có thương lái bị bọn chúng đưa cả máy múc ra chặn ở cầu, đòi hất xe chở dưa xuống sông” – người này bức xúc.

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, cho biết tình trạng côn đồ ép thương lái, người trồng dưa xuất hiện một vài năm trước.

Trắng trợn cưỡng đoạt

Ngày 26-1, thượng tá Mai Xuân Điển – Trưởng Công an thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai – cho biết đã khởi tố bị can, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố Nguyễn Hồng Hương (SN 1970) và Hoàng Minh Thọ (SN 1986; cùng ngụ phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) về tội: “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trước đó, chiều 27-11-2015, Hương và Thọ đến buôn Bir (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) để yêu cầu anh Lê Văn Quy (quê Bình Định) – người thuê đất trồng dưa hấu tại địa bàn – phải đưa cho Hương và Thọ 1,4 triệu đồng “phí” cho 1,4 ha đất. Nếu không, Hương cho người phá đất, phá dưa, đánh bị thương. Quá khiếp sợ, anh Nguyễn Thành Hưng (em rể anh Quy) phải lấy 1 triệu đồng đưa trước, còn lại 400.000 đồng anh Quy hẹn hôm sau quay lại lấy.

Sáng 28-11-2015, Thọ rủ Nguyễn Thanh Hồng (SN 1988; ngụ phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) đến rẫy của anh Quy lấy số tiền còn lại thì chị Nguyễn Thị Thương (vợ anh Quy) không đồng ý, yêu cầu phải có mặt Hương. Ít phút sau, Hương tới lấy tiền thì chị Thương xin giảm còn 300.000 đồng và được Hương đồng ý. Khi đang nhận tiền thì Hương bị công an bắt.

Không bán rẻ thì phá

Theo những người dân trồng dưa ở thị xã Ayun Pa, giang hồ chặn thu tiền của người trồng dưa và thương lái dưới nhiều hình thức như khi các thương lái mua dưa từ trong vườn của người dân thì các đối tượng chặn xe, buộc phải đưa tiền mới được ra. Hoặc khi người dân thu hoạch dưa tập kết thành bãi, các đối tượng vào mua với giá rẻ hơn so với thị trường, sau đó buộc thương lái mua lại với giá cao. Người trồng dưa không bán thì chúng phá hoại. Cũng có trường hợp các đối tượng giang hồ buộc người dân phải đưa tiền cho chúng thì mới cho thương lái vào mua, nếu không sẽ không cho bất cứ ai vào mua.

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây