CÔNG TY CP TM MINH PHÁT GROUP Giấy Phép Hoạt Động Số: 6001 072 720 397 Phan Bội Châu, P. Thành Nhất , Tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. ĐT: 02623.81.22.33 - 02626.55.6666 - 0948.53.56.59 Emial:mr.thanh.1977@gmail.com
Việc hơn 400 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bỗng dưng biến mất tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) khiến lộ ra nhiều bất cập trong việc quản lý phôi sổ đỏ. Theo các chuyên gia, việc phôi sổ đỏ lọt ra bên ngoài sẽ để lại những hậu quả rất tai hại.
Đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT cũng thừa nhận việc bất cập trong khâu quản lý phôi giấy chứng nhận (GCN), song tới nay Bộ này vẫn chưa có báo cáo về tình trạng mất phôi sổ đỏ trên phạm vi cả nước.
Quản lý tùy tiện
Theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê (Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT), việc quản lý phôi đã được Tổng cục hướng dẫn chi tiết. Tức là sau khi bộ giao cho các địa phương thì từng địa phương phải lập sổ theo dõi. Cấp phát cho ai cũng phải thể hiện trong sổ. Trường hợp in sai, in hỏng cũng phải xử lý hủy bỏ theo quy trình, phải lập biên bản chi tiết khi hủy chứ không phải tùy tiện. Tuy nhiên khi kiểm tra tại nhiều địa phương đã cho thấy việc quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận ở một số địa phương còn bất cập: nhiều Sở không trực tiếp nhận cấp phát phôi GCN mà ủy quyền cho các đơn vị tư vấn tự đi nhận và giữ để sử dụng; một số văn phòng đăng ký không phân công cán bộ chuyên trách quản lý phôi, không bảo quản phôi, không lập sổ sách theo dõi tình hình sử dụng phôi hàng ngày… đã để xảy ra hiện tượng mất phôi dẫn đến gian lận trong cấp GCN.
Mẫu "sổ đỏ" hiện nay.
Để xảy ra tình trạng bất cập trên, theo ông Phi, ngoài nguyên nhân lỗi về phía quản lý, còn do hiện có 9 tỉnh trên cả nước đang thực hiện cơ chế giao cho đơn vị tư vấn là doanh nghiệp đảm nhận thủ tục đo đạc địa chính, làm thủ tục hồ sơ cấp phát GCN cho người dân. “Đây cũng là thực trạng dễ nảy sinh yếu tố tiêu cực. Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo địa phương chấn chỉnh những khâu không đạt yêu cầu”, ông Phi cho biết.
Khó phân biệt thật giả
Theo các chuyên gia về bất động sản, mỗi phôi GCN đều có số seri ngay ngoài trang bìa. Nếu các phôi thật này bị thẩm lậu ra bên ngoài, các đối tượng tội phạm hoàn toàn có thể sử dụng để làm sổ đỏ giả, đem đi lừa đảo, gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Tại Hà Nội, giữa năm 2010, cơ quan chức năng đã phát hiện đường dây trộm cắp phôi, làm sổ đỏ với mục đích lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Cũng tại thời gian này, đã có trường hợp cán bộ công chứng ở một thành phố lớn phải nhảy lầu tự tử vì chót công chứng sổ đỏ giả, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
Ông Ngô Trọng Khang, nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cho rằng, về nguyên tắc phôi sổ đỏ khi bị thất lạc ra bên ngoài sẽ không có giá trị gì. Tuy nhiên, nếu vào tay kẻ gian, có thể làm giả con dấu, thậm chí là chữ ký chủ tịch tỉnh để làm sổ đỏ giả. Chính vì vậy nhìn hình thức bề ngoài, người dân hoặc thậm chí cả chuyên gia cũng khó có thể phần biệt đâu là sổ đỏ giả, đâu là sổ đỏ thật. Chính vì vậy, theo ông Khang, để tránh rủi ro, người dân khi thực hiện giao dịch đất đai cần mang bản photo GCN tới Phòng TN-MT hoặc văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền tại địa phương để đối chứng. “Tại đây người dân sẽ được cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan nếu seri sổ đó là có thật, nếu là giả sẽ không có hồ sơ lưu”, ông Khang nói.
Ngày 12/3, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết đã có công văn gửi tới 63 Sở TN-MT trên toàn quốc; 28 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; các văn phòng công chứng công và công chứng tư về việc thất thoát 483 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Trong công văn gửi các cơ quan nói trên, UBND thị xã Sơn Tây đã thông báo cụ thể số seri của 483 phôi sổ đỏ thất thoát và yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc giao dịch và sử dụng các phôi sổ đỏ này cho đến khi hoàn thành kế hoạch kiểm tra, rà soát và có kết luận chính thức.