Nghịch lý nông nghiệp: Nông dân Việt sắp đứng đường?

Chủ nhật - 30/11/2014 20:21

Minh họa

Minh họa
Việt Nam sắp ký TPP, không cẩn thận người nông dân sẽ bị đẩy ra đường, không chỗ đứng, không việc làm, sản xuất trong nước bị nước ngoài đánh sập.

TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam lo ngại nói với Đất Việt trước tình trạng ngành chăn nuôi Việt Nam quá phụ thuộc vào nước ngoài.

Cái gì cũng phải nhập

Ngành chăn nuôi chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nền nông nghiệp nhưng lại đang phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, từ con giống đến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dây chuyền công nghệ...

Khó khăn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi của nước ngoài. Hiện thức ăn gia cầm nuôi công nghiệp của Việt Nam nhập trên 50%, đặc biệt Việt Nam nhập cả ngô, đậu tương, những thức ăn đậm đặc như bột cá, premix khoáng... nhập 100%. Nhập khẩu với chi phí cao, thêm công vận chuyển, hao hụt, tiêu cực... nên giá thành thức ăn chăn nuôi đội lên, chiếm tới 70-75% trong giá thành sản phẩm, đẩy giá sản phẩm tăng cao.

TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Trong khi đó, sản xuất của Việt Nam lại tự phát, làm theo phong trào, thích thì làm, chẳng biết nhu cầu thị trường ra sao. Bởi vậy, nhiều khi giữa cung và cầu vênh nhau khiến thị trường rối loạn. Đặc biệt, 70% dân số Việt Nam ở nông thôn, sống chủ yếu bằng nghề nông, phát triển chăn nuôi rất thuận lợi. Tuy nhiên, đây cũng là việc rất hại vì cung vượt quá cầu. Người chăn nuôi không liên kết với nhau, giá cả đều do thương lái điều tiết, cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều thiệt thòi trong khi thương lái hưởng lợi.

Yếu kém nhất của chăn nuôi Việt Nam, theo tôi, chính là hệ thống giống, kể cả giống Trung ương lẫn địa phương, cứ mạnh ai nấy làm, cuối cùng chẳng giống nào ra giống nào. Việt Nam có nhiều giống nội quý, chất lượng cao nhưng năng suất thấp, các giống thuần hầu như không còn mà đã bị lai tạp, mức độ thuần khiết thấp. Để nâng cao năng suất, chất lượng con thương phẩm, Việt Nam buộc phải nhập giống gia cầm nước ngoài và nhập rất nhiều.

Đáng tiếc là Việt Nam không đầu tư cho giống thuần, chỉ nhập con giống ông bà, bố mẹ, sau đó sản sinh ra thương phẩm là hết và lại phải nhập lại. Tôi từng đề nghị nhiều lần rằng Nhà nước nên đầu tư nhập giống thuần nhưng tiếc thay, các nhà khoa học, kinh tế, quản lý của Việt Nam có quan điểm chưa thống nhất việc nhập giống diễn ra liên tục, không ngừng lại được.

Nếu không tái cấu trúc lại công tác giống thì năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi gia cầm chắc chắn bị hạn chế rất nhiều. Việt Nam cũng cần phải tái cấu trúc hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát, tổ chức hệ thống giống từ Trung ương đến địa phương.

Có một điều đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Việt Nam phải nhập những thiết bị chăn nuôi cực kỳ đơn giản như hệ thống máng ăn uống, máy thu trứng, máy ấp... Nếu chăn nuôi theo phương pháp bán thâm canh, kiểu chăn thả, người chăn nuôi làm cái máng nhựa đổ thức ăn vào hoặc làm hệ thống ống đút qua cái lỗ cho nước chảy xuống để gia cầm uống nước thì cũng khá phù hợp với điều kiện nông dân Việt Nam. Thế nhưng nếu nuôi theo phương pháp thâm canh thì phải dùng hệ thống tự động, mà hệ thống này hầu hết Việt Nam phải nhập.

Nông dân Việt Nam không làm được, các cơ sở chăn nuôi không làm được nhưng có lẽ phải đặt câu hỏi đối với ngành cơ khí nông nghiệp. Ngay đến cái máy ấp các cơ sở sản xuất thủ công làm được nhưng Việt Nam vẫn không thể sản xuất theo hướng công nghiệp được, dứt khoát phải nhập khiến giá cả tăng lên.

Nông dân sắp bị đẩy ra đường?

Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với khó khăn khi Việt Nam sắp tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), không cẩn thận người nông dân sẽ phải ra đứng đường, không có chỗ đứng, mất việc làm. Họ sống bằng gì khi ruộng nương đã bị lấy để làm dự án, chăn nuôi thì không cạnh tranh được vì giá cao, chất lượng kém, nay bệnh mai dịch, ai nhập?

Tôi rất lo khi  sắp tới hàng nước ngoài tràn vào và đánh sập sản xuất trong nước. Đó là chưa nói ở biên giới sản phẩm nhập lậu tràn lan, từ con giống trở đi, người Việt ăn toàn đồ thải loại của Trung Quốc. Buồn cười là gà thải loại của Trung Quốc dành để chăn nuôi gia súc lại là món khoái khẩu của người Việt.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài

Tầm nhìn chiến lược của Việt Nam cực kỳ hạn chế. Là một nước nông nghiệp mà chúng ta phải đi nhập những thứ cực kỳ vô lý, ngoài tưởng tượng. Trong khi thị trường trong nước bị nước ngoài thâu tóm, mấy tỉnh biên giới - cửa ngõ chặn gia cầm lậu tràn vào thì cũng chỉ hô hào được vài ngày rồi đâu lại vào đấy.

Là bởi vì Việt Nam không có chế tài thưởng phạt nghiêm minh, cách giải quyết cò con, cứ hô hào khẩu hiệu. Hay với thú y của Việt Nam, cứ dịch bùng lên thì mới diệt, dân thì "co rúm" lại vì sợ, đồng tiền Nhà nước hỗ trợ cho nông dân chẳng đáng bao nhiêu, đã vậy còn bị gây khó dễ nên người chăn nuôi cứ bán béng ra ngoài để gỡ gạc, thành ra lại gieo rắc dịch ra ngoài thị trường.

Chúng tôi đã đề nghị đến n lần là phải có tính toán, kế hoạch chỉ đạo và hỗ trợ nông dân sản xuất, chế biến sản phẩm thế nhưng những giải pháp đưa ra chưa thực tế. Không thể phủ nhận sự quan tâm của Nhà nước nhưng cơ quan tham mưu còn giới hạn về nhiều mặt nên tham mưu chưa chuẩn xác. Thành ra cuối cùng "sản xuất" văn bản thì giỏi, nhiều nhưng để đi vào lòng dân, có hiệu quả thì quá ít, có những văn bản đưa ra rồi để đó vì chẳng ai thực hiện. Bởi vậy, ngành chăn nuôi đang rất cần người đứng đầu thực sự có thể đưa ra những chỉ đạo đúng đắn, kiên quyết và chuẩn xác hơn để giải quyết những khó khăn của ngành.

Cái yếu của Việt Nam hiện nay là mạnh ai nấy làm. Đáng lẽ phải liên kết với nhau thành chuỗi khép kín và cùng nhau chia lợi nhuận, đằng này thương lái, doanh nghiệp ăn hết, lỗ người chăn nuôi chịu, lãi họ hưởng, nông dân trở thành người đi làm thuê giá rẻ cho công ty nước ngoài.

Để nông dân có thể sống được, sản xuất trong nước tồn tại được, Việt Nam không nên khuyến khích các tập đoàn nước ngoài tổ chức sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam. Nông dân Việt làm sao đấu nổi với các doanh nghiệp ấy? Phải nâng cao chỉ tiêu, tăng cường rào cản để hạn chế tối đa nhập khẩu thì sản phẩm trong nước mới tồn tại. Thế nhưng Việt Nam không làm được việc đó. Cứ giữ cách làm như hiện nay, chăn nuôi Việt Nam sẽ còn phụ thuộc nước ngoài dài dài.

  • Thành Luân (ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất vượt trội

Vườn tiêu của ông Vũ Văn Hiệu, ở thôn Thuận Hưng, xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song thường xuyên đón tiếp nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu gần đây khi trong vườn xuất hiện giống tiêu “lạ” cho năng suất rất cao. Theo đó, cả vườn tiêu 300 trụ đã 3 năm tuổi thì có khoảng 10 trụ “đột biến” cho trái...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây